Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Hà Nội có gì nơi ấy

{By: Khúc Trung Kiên}

Hà Nội có gì nơi ấy
Những con đường
Chen chúc mãi thành quen
Và có mùa lá rụng
Rác nhà bên
Vứt sang cửa nhà mình

Hà Nội có gì nơi ấy
Có quán cà phê nhỏ
Cô chủ bán hàng
Lại hay buôn chuyện
Mấy khách thôi
Đồ uống vẫn mang nhầm

Nếu bảo tôi kể về Hà Nội
Sẽ toàn những chuyện linh tinh
Mà sao khi xa vẫn nhớ
Để người đi
Cứ đau đáu trở về!

HN.2014

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Những con đường của cuộc sống

{By: Khúc Trung Kiên}

Lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình là một việc quan trọng. Không ai có thể lựa chọn thay cho người khác. Mỗi người đều có thể có rất nhiều bạn đồng hành trên mỗi chặng nhưng chỉ duy nhất bản thân bạn là người đi từ đầu đến cuối con đường mình đã chọn.

Vậy phải chọn đường nào?

Có những đường cao tốc rộng thênh thang. Điều đó là tuyệt vời, khi những người khác còn đang dò dẫm, bạn đã đi được khoảng cách rất xa. Nhưng không có gì nhiều để ngắm, nếu có cũng chỉ lướt qua rất nhanh. Khoảng cách có thể rất xa, nhưng những gì đọng lại không nhiều!

Có những con đường hẹp hơn, tốc độ thấp hơn nhưng lại nhiều trải nghiệm. Có thể dừng lại nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, cảm nhận nhiều hơn. Thành công không phải là đích đến mà là trải nghiệm trên đường.

Có những con đường cheo leo, hiểm trở. Đây lại thường là những con đường đẹp nhất, những trải nghiệm không thể nào quên, không phải ai cũng có. Không chỉ là trải nghiệm, mỗi cung đường như vậy giúp con người trở nên mạnh mẽ hơn.

Lại có những con đường chưa có ai đi. Nguy hiểm và thử thách luôn rình rập. Đó là những con đường khai phá. Biết đâu lại là đường dẫn đến kho báu.

John Kennedy từng nói: con đường tốt nhất dẫn đến sự tiến bộ là con đường của tự do. Việc chọn con đường nào rõ ràng không thể do gượng ép, càng không thể do ý muốn của người khác.

Hãy chọn con đường nào mà bạn sẵn sàng nhất để đi trên đó, với tất cả những niềm vui & thử thách đang chờ phía trước.

Có những con đường nhỏ nhưng lại rất đẹp, ở đó bạn cảm thấy tự do


Đánh con - đi tù

{By: Minh Chiet}

Báo Thuỵ Điển đưa tin một ông bố người Italia bị toà Stokholm bỏ tù 6 tháng vì tội tét đít ông con trai 6 tuổi.

Số là 2 bố con đi du lịch TĐ, đến giờ ông con không chịu lên máy bay, ông bố điên tiết tét cho một phát vào mông, ông con bỏ chạy, bố dồn theo tét cho phát nữa. CS Thuỵ Điển gô cổ ông bố, hàng không chở ông con về Roma cho mẹ. Toà xử 1 cái tét mông 3 tháng, 2 cái 6 tháng.

Tù ngồi. Mẹ kiếp. Oánh con à. Ông bố khóc lóc:

- ở Ý tôi vẫn tét nó mà, có sao đâu? Frankie, I love you. (Frank là tên ô con)
- đây là Thuỵ điển. Nếu ngài chưa nhận thức được v đề thì Toà sẽ cân nhắc gia hạn thêm 3 tháng
- lạy Toà. Ngộ rồi ạ. Thông rồi ạ.

Anh bạn Mĩ gốc việt, làm cho Federal Reserve mời về nhà ăn cơm. Có ông con 10 tuổi. Thằng bé thông minh, vô địch cờ ở quận. Ông bố nhờ mình với Trung Hà đánh cho nó thua bét tỹ ra cho đỡ vênh váo. Mỗi làn nó thua là ông bố nhảy nhót đấm ngực như Kinh Kong.

Sự tình thế này. Bố đến bữa bắt nó mời cả nhà ăn cơm. Mời ông, mời bà, mời ba, mời mẹ, mời chị. Nó không chịu, bảo:  người Mĩ có mời ai dâu, ăn cho nhanh còn đánh cờ, bày đặt vơ vẩn.

Ổng tát nó 1 cú. Nó mách cô giáo. Toà xử ông tù hoặc lao động công ích 3 tháng về tội bạo hành trẻ con. Ông chọn lao động. Toà phân ông dọn wc ở ngay toà nhà nơi văn phòng ông đóng.

Từ đó mỗi khi tức ông con thì chỉ tự tát mình.

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Đừng bao giờ mang hộ đồ người khác


{By: Minh Chiet}

Chuyện thứ nhất

Ngày 28/3, Tòa án Liên bang Malaysia đã hủy bỏ án tử hình bằng hình thức treo cổ đối với Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết, 28 tuổi. Tuy nhiên, người này vẫn phải lĩnh án 20 năm tù giam do sở hữu ma tuý

ngày 18/7/2012, Tòa án Tối cao thành phố George Town (bang Penang) đã kết án tử hình Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết vì tội vận chuyển hơn 2kg methamphetamine khi đến sân bay Quốc tế Penang vào ngày 26/6/2011.

Tại phiên tòa, Tuyết một mực khai rằng đã xách chiếc túi hộ bạn là Trần Thanh Tâm mà không biết bên trong có chứa ma túy vì Tâm nói rằng đó là túi quần áo mẫu.

Ngày 20/3/2015, Tuyết bị mất quyền kháng cáo tại Tòa Phúc thẩm mặc dù tại phiên tòa này hai cảnh sát Việt Nam đã làm chứng rằng họ đã ghi được lời khai của Trần Thanh Tâm về việc lừa Tuyết mang ma túy.

Tại Tòa án Liên bang lần này, trong tình tiết xin giảm án, luật sư K. Simon Murali nói rằng Tuyết là một nạn nhân vô tội đã bị Trần Thanh Tâm và bạn trai người châu Phi lợi dụng để vận chuyển ma túy.

Chuyện thứ 2

Tôi cùng vợ chồng người bạn đi Úc. Trước khi máy bay hạ cánh tôi điền giấy tờ nhập cảnh và thấy hải quan Úc rất nghiêm ngặt. Cô bạn gửi 1 món quà nhỏ cho đứa con đang học ở Úc. Vợ tôi nhận và nhét vào túi sách tay lên máy bay. Tôi mở ra xem. Đó là chai mật gấu nhỏ như chai nước hoa, để xoa bóp khi bị chấn thương phần mềm.

Tôi nhớ vụ đoàn vận động viên TQ bị trục xuất vì mang máu rùa vào Úc khi dự thế vận hội. Tôi giữ lại bức thư cô bạn gửi con, vứt chai mật gấu vào toilet.

Xong xuôi tôi hỏi vợ chồng anh bạn

- Có mang quà cho ai ko?
- Có. 1 gói quần áo. Chị bạn gửi con đang học ở đây
- Úc thiếu gì quần áo. Biết vụ cô tiếp viên hàng không mang hộ chai rượu tây bị cảnh sát Úc bắt chưa. Ma tuý. Chung thân.

- Oizoioi, làm sao bây giờ?
- Vứt mẹ đi. Hỏi người ta gửi gì thì mua đồ ở Úc đền

Sau khi nhận hành lí anh chị lấy gói đồ vứt vào thùng rác.
Tù như chơi.

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

NÉT ĐẸP CUỘC SỐNG

{By: Hoàng Minh Châu}

Một sáng đi ăn phở, thấy cụ già, trên 80 tuổi, mua vé số. Tôi ngạc nhiên hỏi: "Thưa ông, phải chăng ông hi vọng trúng số độc đắc để có tiền cho con cháu"?

Cụ già trả lời: "Nếu được thế thì tốt quá. Nhưng ông chỉ định giúp cậu bé cơ nhỡ này thôi". Người Sài Gòn thích mua vé số. Dù là vô tình hay cố ý, họ đã mang lại công ăn việc làm cho hàng chục ngàn trẻ em cơ nhỡ và người già không nơi nương tựa.

Nhiều người chỉ nhìn thấy một Sài Gòn kẹt xe, một Sài Gòn ô nhiễm, một Sài Gòn nhiều cướp giật... Với họ, Sài Gòn thật nhốn nháo!

Tôi sống ở Sài Gòn đã hơn ba mươi năm, đã từng chứng kiến, những năm thiên tai mất mùa đói kém, nhiều dân nghèo các tỉnh, không còn biết đi đâu tìm đường sinh sống, trước sau đều dạt đến Sài Gòn. Và người dân của cái thành phố "nhốn nháo" này luôn cưu mang tất cả.

Ngày xưa, người nước Sở từng tự hào: "Nước Sở không có gì là quý, chỉ quý ở chỗ người Sở thích làm điều thiện".

Người dân Sài Gòn cũng có thể tự hào như vậy.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

4 LOẠI SỨC KHOẺ CỦA CON NGƯỜI

{By: Khuc Trung Kien}

Nói chung cuộc sống của con người là tốt hay không, là thiên đường hay địa ngục phụ thuộc vào 4 loại sức khoẻ.

1) Sức khoẻ thể chất: là sức khoẻ theo nghĩa thông thường (bao gồm thể chất & tâm lý). Cái này tối quan trọng, khi ốm nặng thì sẽ thấy ngay nó quan trọng thế nào.

2) Sức khoẻ trí tuệ: kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm đã tích luỹ được. Cứ giả sử bạn mù chữ để hình dung vai trò của tri thức.

3) Sức khoẻ tài chính: tiền bạc & khả năng kiếm ra tiền. Không thể coi thường, đói mà không có tiền mua bánh mì thì chỉ có ăn xin hoặc ăn cướp.

4) Sức khoẻ tinh thần: cái này liên quan đến quan hệ của bạn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội, thậm chí là tự nhiên.

Những thứ này độc lập tương đối với nhau và đều quan trọng. Giả sử bạn khoẻ mạnh, giàu có, uyên bác nhưng suốt ngày mâu thuẫn với vợ con, cãi nhau với hàng xóm, đồng nghiệp,... khó tin là bạn có cuộc sống tốt.

Chất lượng cuộc sống của bạn thế nào phụ thuộc vào ĐIỂM THẤP NHẤT trong các loại sức khoẻ đó. Một thứ về zero, các thứ khác thành vô nghĩa. Để có cuộc sống tốt hơn cần:

1) Tìm ra điểm thấp nhất
2) Tìm cách nâng điểm đó lên

Tìm ra điểm yếu không quá khó: nó phụ thuộc từng giai đoạn, thời điểm. Ví dụ: khi còn bé, khi tốt nghiệp đại học, khi về hưu,... Với mỗi thời điểm nếu suy nghĩ cẩn thận, bạn có thể xác định tương đối dễ điểm yếu nhất.

Nâng điểm thấp nhất lên thì khó hơn: làm thể nào cải thiện điểm yếu? Mỗi thứ có một chìa khoá cho việc đó, tất nhiên đều đòi hỏi nỗ lực, kiên trì

Sức khoẻ thể chất: tập luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt điều độ
Sức khoẻ tri thức: học tập, đào tạo, trải nghiệm
Sức khoẻ tài chính: lao động, tiết kiệm, đầu tư

Khó hiểu nhất là sức khoẻ tinh thần. Ai cũng có thể gặp khó trong quan hệ với người khác, dù đó là bố mẹ, vợ con, bạn bè, đồng nghiệp,.... Có người cho rằng cứ quan tâm là quan hệ tốt. Sai. Chẳng ai quan tâm đến con cái hơn bố mẹ, quan hệ nhiều khi vẫn xấu như thường.

Có người cho rằng nhẫn nhịn là chìa khoá. Chưa chắc. Rất nhiều khi nhẫn nhịn chỉ làm cho mẫu thuẫn âm ỉ và phát triển, dẫn đến bùng nổ. Sự tử tế cũng không hẳn giúp cải thiện quan hệ, người tử tế tốt bụng rất dễ bị tổn thương hoặc lợi dụng.

Vậy mấu chốt của việc xây dựng quan hệ tốt là gì? Là giao tiếp. Giao tiếp tốt sẽ dẫn đến quan hệ tốt. Mà mấu chốt của giao tiếp là sự hiểu: hiểu xã hội, hiểu bối cảnh, hiểu người khác và hiểu mình.
Rất nhiều mâu thuẫn trong gia đình hay ngoài xã hội là do sự hiểu nhau không đúng giữa những người liên quan: cha mẹ & con cái không hiểu nhau, bạn bè hiểu nhầm nhau, thậm chí ngoài quán đánh nhau vì tưởng thằng khác nó đểu mình,....

Thông thường, ai giỏi cái gì thì lại chỉ chú tâm đến nó:

- Học sinh giỏi toán chỉ thích giải toán
- Người khoẻ như vâm lại thích thể thao
- Giáo sư khoái đọc sách & nghiên cứu
- Người giỏi kiếm tiền thường chỉ thích kiếm tiền

Việc phát huy điểm mạnh của mình thì nên làm và bằng cách gián tiếp, trong nhiều trường hợp việc phát huy điểm mạnh cũng góp phần cải thiện điểm yếu nhất. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy. Một giáo sư dành hết thời gian đọc sách có thể sẽ không cải thiện được sức khoẻ thể chất hoặc quan hệ với người khác.

Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn thực sự tìm ra điểm thấp nhất và có sự quan tâm đúng mức để cải thiện nó. Nhiều khi phải dành quan tâm cao nhất, đặc biệt là loại sức khoẻ yếu nhất rơi vào tình trạng nguy hiểm. Ví dụ: dù có là tỷ phú thì khi ốm nặng, tốt nhất tập trung chữa bệnh cái đã, các việc khác khi nào khỏi tính chưa muộn.

Thế nên:
Giỏi chưa chắc sướng
Khoẻ chưa chắc sướng
Giàu có thể không sướng
Nhiều người quý cũng chả đảm bảo sẽ sướng

Có thể hiểu tại sao

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

TRANH LUẬN?

{By: Khuc Trung Kien}

Internet & mạng xã hội mang đến cơ hội tuyệt vời cho mỗi người, dù thấp cổ bé họng đến đâu, có cơ hội nói lên ý kiến của mình về những vấn đề họ quan tâm. Đây là thứ hàng ngàn năm nay người VN chưa có:

- trong nhà trẻ con ít khi có cơ hội nói lên ý kiến của mình
- trong trường, học sinh không bao giờ được phản bác thày cô
- trong cơ quan, họp hành sếp nói hết phần nhân viên
- báo đài, ngay đến bây giờ người thường cũng không dễ nói
- các diễn đàn khác về cơ bản cũng vậy

Bí bích đã lâu, nên có chuyện gì thì đua nhau nói. Không kịp suy nghĩ, không kịp để tâm xem người khác nói gì. Cũng không nhiều người có cơ hội tích luỹ những kỹ năng cần thiết để tham gia tranh luận cho hiệu quả.

Hồi bé, sống ở quê, mình hầu như chưa bao giờ biết đến khái niệm "bàn bạc", "thoả thuận", "tranh luận",... các khái niệm đã biết chỉ là "phổ biến", "nghe giảng", "cãi nhau", "chửi nhau". Thực tế cuộc sống, xã hội và văn hoá phản ánh rõ ràng trên mạng: tranh luận, thảo luận thì ít; cãi nhau thì nhiều.

Chúng ta cãi nhau cả ngàn năm nay rồi, trình độ đạt đến thượng thừa. Vấn đề là nó không giúp gì tiến bộ hay hoà nhập. Cần học cách tranh luận để những người tham gia có thêm thông tin, thêm nhận thức, truyền đạt được ý kiến của mình và hiểu được ý kiến của người khác.

Tranh luận không nên dựa trên quan điểm (khẩu vị): ông thích canh cua cãi nhau với ông mê thịt rán, xem món nào ngon, có mà cãi cả đời. Tranh luận nên dựa trên lợi ích & nhận thức

Vậy làm thế nào để tham gia tranh luận có ích? Cũng không có gì mới, môn này đã được nghiên cứu, tổng kết từ lâu. Vài điểm chính:

- chỉ tham gia nếu mình quan tâm đến vấn đề đó
- tôn trọng mọi cách nghĩ, cách hiểu & ý kiến
- có thể phản bác ý kiến, không chỉ trích con người
- trước khi phản bác ý kiến, cần hiểu đúng
- tập trung vào chủ đề, tránh dây cà ra dây muống

Khổ nhất là nghe chửi. Hồi trước, nhà ai mất con gà là buổi chiều cả xóm được nghe chửi. Như hát hay, nhưng không hề dễ chịu. Cách tốt nhất để gây khó chịu cho người khác là lên mạng chửi cái gì đó, nhưng lại không phải là vấn đề họ quan tâm.

Nếu muốn cứ chửi trên trang của mình, người ta đang nói câu chuyện khác lại chen vào chửi thứ mình bức xúc mà chả liên quan gì thì cũng lố.

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Máu mủ và tình yêu tổ quốc

{My: Minh Chiet}

Một cặp vợ chồng Thụy điển, da trắng, sinh con ở Mỹ. Sinh đôi. Khi bệnh viện trao 2 đưa bé cho họ thì 1 đen thui, 1 trắng bóc. Cặp vợ chồng vui vẻ nhận con, mang về Thuỵ Điển, nuôi nấng 2 đứa bé chu đáo. Vào dịp sinh nhật lần thứ 18 họ đưa 2 đứa con quay lại bệnh viện, nơi chúng đã được sinh ra để kỉ niệm.

Rất tình cờ họ gặp 1 cặp da đen, cùng 1 đứa trẻ da trắng giống hệt đứa con da trắng của họ đến bệnh viện. Sau khi nói chuyện thì biết rằng đứa bé kia cũng sinh đúng ngày này ở bệnh viện này.

2 cặp vợ chồng liền nói chuyện với quản lý bệnh viện. Thì ra bệnh viện đã trao nhầm con. 2 đứa trắng là của cặp Thụy điển. Đứa đen là của cặp da đen. 4 Bố mẹ liền hỏi 2 đưa con bị nhầm.

- các con có muốn chuyển sang sống với bố mẹ đẻ của mình không?

Thật bất ngờ. Cả 2 đưa bé bị trao nhầm đều nói không.

Những người nuôi chúng con khôn lớn, bất kể huyết thống, mới thực sự là bố mẹ. Và họ quyết định cả 2 gia đình coi 3 đưa bè như con và chúng nó sẽ coi nhau như anh em ruột. Đứa nào trước sống ở đâu thì nay cứ sống ở đó. Mối năm 2 gia đình sẽ dành 1 tháng để sống chung với nhau.

Công dân cũng vậy. Họ sẽ yêu đất nước nào nuôi nấng và bảo vệ họ. Máu mủ chả liên quan. Ngọc Trinh là người dám nói toẹt điều này.

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Khát khao và sợ hãi

{By: Khúc Trung Kiên}

Người ta thường nói khi con người khát khao điều gì đó đủ lớn thì chắc chắn cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu của mình. Chả tin lắm.

Chưa chắc Ngô Bảo Châu đã có khát khao nghiên cứu toán học hơn nhiều người khác. Không phải cứ đam mê môn toán là sẽ dành giải Fields. Nhiều người có khát khao kiếm tiền hơn, nhưng chỉ Phạm Nhật Vượng thành tỷ phú.

Dân gian Việt Nam có chuyện trộm thày dắt trộm trò đi thực tế, đại ý:

Trộm trẻ loạng quạng, để chủ nhà phát hiện, túm được tóc, vội kêu: "thày ơi, nó túm được tóc con rồi". Trộm già bảo: "Ngu thế, tóc thì cứ cắt phăng đi là xong, sợ nhất là bị túm mũi!". Chủ nhà nghe thấy, vội bỏ tóc, túm mũi.

Trộm giật ra, chạy thoát khỏi chủ nhà nhưng lại đâm vào bụi tre gai, không ra được. Lại cầu cứu thày. Trộm già hét toáng lên: "bà con ơi, thằng ăn trộm nó nấp trong bụi tre!". Trò nghe thấy, sợ quá nháo nhào phi ra khỏi bụi tre và chạy thoát thân.

Nhiều khi sự sợ hãi khiến con người làm được những việc phi thường hơn cả khát vọng. Người ta chạy nhanh nhất là khi bị chó đuổi!

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Đất nước trầu cau

{By: Khúc Trung Kiên}

Người ta nói không ai được chọn cha mẹ mình, cũng như không ai được chọn nơi mình đã sinh ra. Đó là quà tặng của Thượng Đế, dù Người không phải lúc nào cũng công bằng.

Thượng đế không ban cho người Việt những mỏ kim cương, hay những sa mạc cứ chọc cái ống xuống là hút được vàng đen đem bán. Chỉ có những làng mạc, những luỹ tre, những khu vườn nhỏ với cây cau, dàn trầu.



Chúng ta được nhận món quà như vậy, đất nước trầu cau.

Quả cau rất nồng, lá trầu thì rất cay. Món quà này chắc chắn không phải là thực phẩm, không phải đồ trang sức quý hiếm cũng không phải nguồn năng lượng. Không ăn được và cũng không bán được. Vậy ngụ ý của Thượng Đế là gì?

Phải chăng Người muốn nhắn nhủ người Việt muốn tồn tại thì phải biết dựa vào nhau mà sống? Dù muốn hay không. Như trầu và cau, nếu để riêng ra thì hoàn toàn chẳng có giá trị gì. Không có giá trị mãi thì sẽ chết.

Nếu được lựa chọn chưa chắc ta đã chọn trầu cau. Vấn đề là không ai được lựa chọn những món quà của Thượng Đế. Thôi cứ hài lòng với trầu cau, ít nhất thì đó cũng là cảm hứng cho những câu thơ Nguyễn Bính:
...........
Bây giờ cô đã lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa
Đầu tường cây bưởi không hoa
Sang bên nhà thấy bên nhà vắng teo
Lợn không nuôi đặc ao bèo
Trầu không cũng chẳng buồn leo vào dàn
Giếng khơi mưa ngập nước tràn
Ba gian nhà nhỏ, ba gian nắng chiều

Ký ức tuổi thơ: nghịch dại

{By: Minh Chiet}

Hồi nhỏ chúng tôi tự làm đồ chơi.
Bọn con gái thì lấy giẻ làm búp bê. Phọt phẹt.
Bọn con trai thì làm bom và súng.

Bom diêm

Trộm cái sa pô - mũ bịt đầu van xe đạp, nhét vào 1 khúc gỗ tròn. Khéo tay thì đẽo cho khúc gỗ giống hình quả bom. Lấy 1 cái đinh 5 phân mài đầu nhọn cho tù đi.

Dùng dây cao su buộc cái đinh vào quả bom. Lấy 3-4 que diêm cạo lấy thuốc cho vào sa pô, dùng đinh nhồi cho thuốc mịn. Càng nhiều diêm thì nổ càng to. Nhưng nếu nhiều quá thì sẽ vỡ cái sa pô. Xé ít giấy thủy bên sườn bao diêm đặt lên trên lớp thuốc, nhét cái đinh vào. Đập mạnh quả bom vào nền gạch hay vào tường.

Nổ váng óc.

Khó nhất là xoáy được cái sa pô. Tôi thừơng chờ các bạn của Ba đi xe đạp đến chơi thì xoáy. Loại này phọt phẹt, chỉ dành cho bọn lính quèn. 5-7 tuổi. Tôi làm cái này cho bọn đàn em.

Súng diêm

Cái này mới là đẳng cấp. Chỉ sĩ quan mới xài. 8-10 tuổi.

Phải kiếm được 1 cái ống đồng hoặc thép dài chừng 5-6cm, có thành dày và ruột có đường kính lớn hơn cái nan hoa xe đạp 1 tí. 1 đầu bóp nhỏ đi 1 chút để giữ đầu đạn. Vì thế ống đồng dễ làm hơn ống thép. Cái này để làm nòng súng. Tốt nhất là cái ống van xăm xe ô tô.

Cắt 1 miếng gỗ hình khẩu súng lục. Dùng dây cao su buộc chặt cái ống đồng vào phần nòng. Cắt 1 mẩu nan hoa xe đạp dài hơn cái ống 1 chút. Đóng mẩu nan hoa vào 1 khúc gỗ nhỏ để làm kim hỏa. Cho kim hỏa vào trong ống. Buộc thòng 1 dây cao su vào nòng, dùng để kéo kim hỏa chạy. Dây cao su cắt từ xăm xe đạp cũ. Thế là có 1 khẩu súng.

Đứa nào khéo tay làm càng giống thật càng oách. Tôi hay mò vào xưởng của ông chú, có đủ đồ nghề nên làm đẹp và tốt lắm.

ảnh minh họa lấy trên mạng, thua xa loại bọn tôi làm
Bắn súng

Nhồi ngược 1 que diêm vào nòng làm đạn. Thuốc ở đầu sẽ giữ que diêm kẹt ở đầu nòng súng đã bị bóp nhỏ. Lấy thuốc từ 4-5 que diêm khác, nhồi vào trong nòng. Dùng kim hỏa lèn chặt. Sau đó xé 1 mẩu giấy thủy chèn lên trên thuốc. Công đoạn này giống như làm bom.

Khi bắn thì kéo kim hỏa ra phía sau, đặt vào cái khấc trên báng súng. Vậy là đạn đã lên nòng. Chỉ cần bóp cò – 1 cái lẫy làm từ nan hoa xe đạp, lẫy này đầy kim hỏa trượt ra khỏi cái khấc. Dây cao su sẽ kéo kim hỏa trượt vè phía trước đập vào thuốc.

Nổ váng óc. Que diêm bắn ra phía trước như đạn. Buổi tối thì thấy lửa tóe ra khỏi nòng. Như súng thật. Tôi là chuyên gia chế tạo súng diêm. Sau này cải tiến, dùng 1 cái đinh nhỏ thay cho que diêm làm đạn. Bắn xuyên cả quyển vở.

Có lần muốn bắn mạnh và nổ to, tôi nhồi hơn chục que diêm làm thuốc. Cái đinh làm đầu đạn lại mài ko kĩ nên mặc kẹt trong nòng súng. Khi nổ đầu đạn không bay ra nên nòng súng vở toác, thuốc văng ngược lại găm vào mặt. Suýt thì mù. Mặt lỗ chỗ như húc phải con nhím.

Ba khiếp quá lục kho vũ khí của tôi thu được hơn chục khẩu.
Tiếc đứt ruột.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Nguồn gốc nông dân!

{By: Khúc Trung Kiên}

Tôi sinh ra ở nông thôn
Lớn lên cùng với đất

Có thể nói tuyệt đại đa số người Việt là nông dân. Chỉ mới cách đây hơn hai chục năm Ngọc Hà, Láng, xung quanh Hồ Tây, Cầu Giấy, Hoàng Mai, bên kia (và cả bên này) sông Hồng chỉ toàn làng. Cách Bờ Hồ chỉ 4-5 km, người dân vẫn làm nông là chính (trồng rau, trồng lúa, trồng hoa). Một tỷ lệ nhỏ làm các nghề thủ công cũng gắn liền với ruộng.

Quân đội từ nông dân
Trí thức từ nông dân
Doanh nhân từ nông dân
Cán bộ nhà nước từ nông dân

Túm lại: cơ bản là nông dân cả

Không có gì khó hiểu phong cách, lối sống, tư duy nông dân là chủ đạo trong mọi lĩnh vực. Hạn chế, tất nhiên nhiều vô kể:

- tầm nhìn ngắn hạn
- thay đổi luẩn quẩn
- đô thị là cái làng to
- sản xuất lạc hậu

Tuy vậy, nông dân gốc có một phẩm chất vô cùng quý: họ biết tôn trọng đất đai, biết làm nông, biết lựa theo thời tiết. Vì vậy hàng ngàn năm đất vẫn có thể trồng trọt, ao hồ sông ngòi vẫn có cá tôm, vẫn có thể bơi, có thể tắm. Hạt gạo, quả trứng tuy thiếu nhưng sạch sẽ, an toàn.

Giờ cơ bản vẫn có 90 triệu nông dân. Phần lớn không còn biết làm nông, không biết tôn trọng đất đai. Ruộng vườn, sông hồ ô nhiễm hoặc không còn người chuyên tâm trồng cấy. Làng quê thành các khu phố chật chội không có hạ tầng đô thị.

Thanh niên không còn làm nông
Làm trí thức thì chưa tới
Làm kinh doanh chưa sẵn sàng
Càng chưa thể văn minh

Hình như đấy mới là cái khó
Nói rộng ra thì nên trở lại với những gì vốn là bản chất của ta:

- nông nghiệp phải là trọng tâm
- giáo dục nên tạo ra những nông dân giỏi
- khoa học mũi nhọn là KHNN
- công nghiệp phụ trợ & chế biến NS
- phát triển du lịch miệt vườn

Những gì phù hợp với tính cách và suy nghĩ của nông dân thì khuyến khích phát triển cái đó! Cái mới học từ từ và chọn lọc.

Định vị quốc gia có thể là: "khu vườn của thế giới", gần gũi và khả thi với con người và văn hoá Việt! Một khu vườn xanh mát hiền hoà, môi trường trong lành có thể sẽ là một giá trị rất lớn bên cạnh một "công xưởng của thế giới" ồn ào và bụi bặm!

Nếu trở thành một giá trị, cả thế giới sẽ có nhu cầu bảo vệ, không cho phép kẻ khác mang bom phá huỷ khu vườn đó!

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Yếu tố giới hạn (limiting factors)

{By: Hoang To}

Có lần ngồi nhậu với anh bạn Vũ Nguyên Thành, tôi đã hợm hĩnh hỏi: “Em thấy mình cũng giỏi mà sao không thành công bằng người?”. Tôi nghĩ đây cũng là câu hỏi thường trực của nhiều bạn.

Tưởng ông bạn sẽ an ủi động viên là cứ kiên nhẫn, từ từ rồi khoai sẽ nhừ, hoặc cùng lắm là giải thích bằng số mệnh, nào ngờ hắn phang ngay: “Có giỏi gấp mười mà không biết hạn chế các Limiting Factor thì mãi vẫn thế thôi. Mức độ thành công của người lãnh đạo không phụ thuộc vào độ giỏi – giỏi là đương nhiên, là điều kiện cần - mà phụ thuộc vào các yếu tố giới hạn của anh ta”.

Tiến sĩ Vũ Nguyên Thành là chuyên gia về công nghệ sinh học. Hồi sinh viên bọn tôi thường thức thâu đêm trong ký túc xá Nhà Chính trên đồi Lê Nin, hút thuốc vặt, uống rượu, và bàn luận về Thuyết tiến hóa. Theo anh bạn, hình ảnh kỳ lạ nhất của thế giới sinh vật có lẽ là bức ảnh qua kính hiển vi điện tử của một chú virus đang tung ra chiếc vòi dài với chiều ngang chỉ mảnh cỡ vài phân tử, đầu vòi có móc nhọn, móc qua màng tế bào để xâm nhiễm vào cơ thể một con vi khuẩn, trông hệt như chiến thuyền Viking tung móc câu để đội cướp biển nhảy sang cướp các thương thuyền. Có điều ở đây không hiểu virus đã bắt chước đội Viking hay ngược lại.

Anh Thành giải thích về Limiting Factor của một hệ sinh vật. Để dễ hiểu lấy tạm hình ảnh một cây non đang lớn. Cây chỉ có thể phát triển và trưởng thành tốt nếu có đầy đủ các yếu tố cần thiết, là đất, phân bón, nước… để cung cấp dưỡng chất, là ánh sáng và khí trời để quang hợp. Nếu chỉ một trong các yếu tố đó bị hạn chế ắt cây sẽ không lớn được, còi cọc, thậm chí có thể chết. Ví dụ nếu thiếu nước thì dù có tăng cường các yếu tố khác như cho thật nhiều ánh sáng, hay bón nhiều phân… cây vẫn chỉ lớn được đến một giới hạn được xác lập bởi chính yếu tố thiếu nước.

Tổng quát hơn, năng lực của một hệ thống không bao giờ vượt qua và luôn bị khống chế chính bởi yếu tố giới hạn của hệ thống đó, cho dù các yếu tố khác trong hệ thống không bị giới hạn.

Lấy thêm một ví dụ. Bạn có chai La Vie đựng được 1 lít. Nếu chiếc chai bị một lỗ dò ngang thân (chính là yếu tố giới hạn cho khả năng trữ nước của chai), nước sẽ chảy ra và khả năng chứa nước của chai chỉ còn lại ngang mức xấp xỉ với vị trí lỗ dò trên thân. Chai có thể chứa được không tới nửa lít.

Hình ảnh dễ hiểu về Limiting Factor: để thùng chứa được nhiều nước hơn phải tăng được chiều dài của thanh gỗ ngắn nhất, chứ không phải của những thanh dài hơn.

Limiting factors: những thanh gỗ thấp nhất tạo nên cái thùng
Nói vậy để hiểu rằng mỗi người chúng ta, cho dù năng lực có tốt đến đâu nhưng vẫn sẽ bị những yếu tố giới hạn khống chế, và làm phung phí đi tài năng, như nước bị trào đi vậy. Điều này giải thích tại sao nhiều người hồi đi học rất thông minh, thi cử giỏi giang không kém ai, nhưng ra đời không thành công như bạn bè cùng trang lứa. Giải thích theo Limiting Factor thì có thể anh ta giỏi về năng lực nghề nghiệp, nhưng lại bị những yếu tố giới hạn, như tính cách chẳng hạn, mà các bạn anh ta - những người đang thành công hơn không vướng phải.

Đối với nhân sự, mỗi người đều có thể có hàng tá những tính cách mang tính Limiting Factors giới hạn sự thành công của mình: tính vô trách nhiệm, tính luộm thuộm, vô kỷ luật, thiếu kế hoạch, hay sai hẹn, ngại giao tiếp, thích nhậu nhẹt, hay bông lơn, thiếu hài hước, tính sợ Tây, hấp tấp vội vàng, quá chân thật, ngây thơ, quá ít nói hay kiệm lời, tính nói quá nhiều, thích chém gió, tính suồng sã, tính dặt dẹo, thiếu khả năng diễn đạt, tính lắng nghe kém, tính hiếu thắng, tính sợ đám đông, lười nhác, ngủ muộn, tính hay chỉ trích, trù dập, tính bài bạc, tính tham lam, ganh ghét, tính ngại giao hệ giao tiếp, tính lăng nhăng…

Một bạn lập trình giỏi nhưng luộm thuộm và thiếu kỷ luật rất khó thăng tiến. Một bạn bán hàng đầy kỹ năng nhưng luôn sai hẹn hẳn không thể thành công. Và một người uyên bác, tầm nhìn rộng nhưng thiếu kỹ năng diễn thuyết hoặc lười quan hệ chắc chắn không thể trở thành một lãnh đạo tốt.

Đối với nhân viên, việc phát huy các sở trường của mình sẽ là quan trọng hơn vì yếu tố giới hạn của các nhân viên sẽ được bổ khuyết bởi đồng nghiệp và hạn chế tối đa thông qua kỹ năng làm việc nhóm. Nhưng đối với lãnh đạo, thường là những kẻ cô đơn, việc hạn chế tiến tới loại bỏ các yếu tố giới hạn lại chính là chìa khóa cho các bước thành công tiếp theo.

Đối với một tổ chức, người lãnh đạo chính là yếu tố giới hạn của tổ chức đó. Một công ty sẽ chỉ phát triển được đến ngưỡng bị hạn chế bởi tầm của CEO. Khi đó, công ty chỉ có thể phát triển lên một tầm khác khi thay CEO mới, hoặc CEO cũ phải tự hạn chế hoặc loại bỏ được các yếu tố giới hạn đang cản trở bản thân và qua đó, cản trở cả tổ chức.

Không phải ai cũng có thể nhìn ra yếu tố giới hạn của mình, nhưng dù sao nhìn ra được còn là dễ. Để hạn chế hoặc loại bỏ hẳn nó mới là điều khó khăn, đòi hỏi một nghị lực phi thường mà ít người làm được. Những người đó thường dễ có thành công lớn.

Tôi có ông em xin được giấu tên, là luật sư giỏi, uyên bác đông tây kim cổ, hành xử chuẩn mực trước sau nhưng đường hoạn lộ thì rất gian nan vất vả. Tán gẫu với nhau hắn vẫn khoe bộ răng xấu kinh hoàng của hắn là quý tướng. Tôi cười bảo răng chính là limiting factor của chú, sửa đi. Hắn nghe lời, bỏ ra 30 triệu làm lại quả răng. Quả nhiên sau trúng cử đại biểu, lên ầm ầm như diều gặp gió. Cũng may là sửa răng dễ hơn nhiều so với sửa tính cách.

Còn yếu tố giới hạn của bạn là gì?

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Tại sao trái đất hình cầu?

{By: Khúc Trung Kiên}

Ngày 10/8/1519, 5 con tàu dưới sự chỉ huy của Ferdinand Magellan rời Sevilla, Tây Ban Nha và dong buồm đi về phía tây.

Ba năm sau, ngày 6/9/1522, chỉ có một con tàu về được điểm xuất phát. 231 trong số 270 thủy thủ đoàn (trong đó có cả Magellan) đã chết trong một hành trình vòng quanh trái đất. Tất cả chỉ để chứng minh một chân lý hiển nhiên và vĩ đại: trái đất hình cầu.

Tàu chỉ huy của Magellan - tàu Trinidad
Ngày nay vẫn có biết bao người cũng theo gương Magellan: họ cứ cố sống (và cố chết) lao về phía trước mà không biết rằng rất có thể tất cả chỉ để cuối cùng trở lại điểm ban đầu. Tất nhiên không vĩ đại như Magellan!

Không phải ngẫu nhiên mà tạo hoá tạo ra trái đất hình cầu!

Nhớ quê (2)

Trong sâu thẳm là bờ ao giếng nước
Dọc mùng xanh, rau ngót mọc chân tường
Bụi chuối sau nhà, hàng cau sân trước
Những đêm hè sáo trúc gọi trăng thanh


Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Nếu bạn muốn giàu có

{By: Minh Chiet}

Do đặc thù nghề nghiệp tôi có điều kiện cùng làm việc, giao dịch, tiếp xúc với khoảng 1000 người được coi là giàu nhất VN.

Những người này tự tay làm nên tài sản lớn, khoảng từ 200 tỷ trở lên, bằng muôn vàn cách khác nhau. Người nhìn xa trông rộng. Kẻ chộp giật, mánh mung. Có cả những cách bị coi là không sạch sẽ như lợi dụng cơ chế, dựa dẫm quan hệ với quan chức chính quyền, hối lộ...

Tuy ngành nghề, cách làm rất khác nhau, nhưng họ đều có 1 điểm chung: VÔ CÙNG CHĂM CHỈ. Mỗi ngày họ đều làm việc từ 12 đến 16h. Tuần 7 ngày. Năm 360 ngày. Hầu như ko có ngày nghỉ.

Ngày nghỉ, lễ tết trong khi mọi người tìm đủ cách nghỉ ngơi thì đầu óc họ đầy toan tính. Từng bữa ăn đều được lên kế hoạch chặt chẽ. Ăn với nhân viên, với đối tác, với khách hàng, với quan chức. Ko ít người có buổi tối phải ăn đến 3 bữa. Tôi biết nhiều người trong họ mong có bữa rảnh khách ở nhà ăn thật đơn giản: cơm dưa, canh cua, cà pháo, tóp mỡ.

Cũng có các bà vợ bắt chồng mỗi năm phải nghỉ 10 ngày, 2 tuần để hoàn toàn cách li với công việc. Nhưng thực tế chỉ trừ khi ngồi trên máy bay, không có wifi, còn sểnh ra là các ông chồng lại chúi mũi vào laptop, ipad, iphone để kiểm tra email, xem báo cáo, chỉ đạo cấp dưới, giao dịch. Ông nào ko quen dùng email thì luôn có 2-3 cái a lô và vài cục pin dự trữ. Gọi liên tục. Thuần công việc.

Tôi có anh bạn rất thành đạt và tự cho bản thân là rất lười. Thực ra anh thường suy nghĩ về mỗi vấn đề nhiều gấp đôi người khác, chưa kể anh thông minh gấp 4 mức trung bình. Anh lười cử động tứ chi nhưng chăm ngọ nguậy não.

Cũng có cậu ấm cô chiêu giàu có do được bố mẹ cho tiền. Bọn này ít thôi vì người giàu VN chỉ mới xuất hiện thế hệ thứ nhất, từ những năm 2000s, khi kinh tế thị trường bắt đầu được chấp nhận 10 năm trước, 1990. Bọn này nếu lười nhác thì sau khi bố mẹ lên bàn thờ sẽ nhanh chóng đi ăn mày. Có khi chưa kịp lên bàn thờ.

Muốn giàu có cần nhiều thứ. Một thứ chắc chắn phải có - là CHĂM CHỈ.

Facebook và người xưa (câu likes luận)

{By: Hoàng Tô}

Nhân thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam, lại ngẫm các vĩ nhân xưa nếu vào Facebook sẽ nói gì?

Khổng Tử hỏi: "Thế nào là người trí, thế nào là người nhân?"

- Tử Cống trả lời: "Người trí là người làm người khác share mình, người nhân là người làm người khác like mình"
- Tử Lộ đáp: "Người trí là người share người khác, người nhân là người like người khác"
- Nhan Hồi thưa: "Người trí là người tự share mình, người nhân là người tự like mình"

Khổng Tử lại dạy: "Điều mình không like thì đừng mang câu like người khác" (Thị lai huyễn ngã vật thi ư nhân). Shakespear thì viết stt: "Likes Lie Like Night Light" (Những cái like dối trá giống như ánh sáng màn đêm, hơi ngọng l n)

Marx viết trong Câu Like Luận: "Đối với bọn ngàn like thì để có like sẽ bỏ qua thuần phong mỹ tục, like tăng gấp đôi sẽ bất chấp cả luật pháp, còn tăng gấp ba thì bị treo cổ vẫn sẽ làm". Một thiền sư trên đường giác ngộ góp ý: "Lai Như Không Lai, Không Lai Như Lai"

Đức Phật dạy: "Câu view câu like là nguồn gốc vô minh". Người còn răn: "Đừng cầu like vì nhiều like thì tâm sinh ngạo mạn". Còn Chúa Jesus lại phán rằng: "Phúc thay những kẻ không thích mà like"

Haizz…

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Kỹ năng sinh tồn: vào bệnh viện

{By: Minh Chiet}

Khi thuê LS, bạn có thừa thời gian để tự tham khảo luật, bàn thảo với LS. LS của bạn còn phải tranh cãi với LS của bên kia, hoặc công tố viên. Rồi thẩm phán phán quyết nếu là việc liên quan đến Tòa án. Nếu là việc riêng thì bạn có thể tự quyết định. Nói chung còn có nhiều phản biện và trên cơ sở luật khá tường minh. Bạn có thể theo dõi tiến trình vụ việc, có thể thay LS giữa chừng hoặc cùng lắm thì dẹp LS sang 1 bên và tự quyết định.

Với ngành y thì ko thể như thế. Bước chân vào BV là bạn đã giao phó tính mạng cho BS và nhân viên y tế của BV. Cơ hội để sửa sai nói chung là rất thấp. Vì vậy nên có 1 vài ng bạn thân là BS để tư vấn và cần trang bị cho mình 1 kĩ năng tối thiểu – tra cứu internet.

Tôi kể ra đây 1 trường hợp riêng. Ko có tính phổ quát.
Ba mẹ tôi đều là BS. Bạn của các cụ cũng là BS.

Con cái họ phần lớn theo nghề y. Nay đã 50-60 tuổi, nhiều ng là các GS BS giỏi. Tôi có thuận lợi là luôn giữ quan hệ thân thiết với họ. Ba tôi cần phải mổ u xơ tiền liệt tuyến. Đây là phẫu thuật đơn giản. Bạn thân của tôi, con 1 BS đồng nghiệp của Ba tôi, là chuyên gia trong lĩnh vực này. Rất giỏi. Anh đang làm việc tại 1 BV của NN ở HN. Tôi đưa ông cụ vào đây và anh bạn bảo yên tâm. Nằm độ 3-4 hôm rồi về.

Sau phẫu thuật Ba tôi bị viêm phổi. BV điều trị rất tích cực. Vì khá hiểu biết ngành Y và yên tâm là bạn mình ko tự ái, tôi mời thêm các BS hàng đầu từ các BV lớn khác và các GS bạn của ba tôi đến hội chẩn, cho phác đò điều trị. Ngoài ra tôi tra cứu trên internet các thông tin liên quan để yên tâm rằng các BS này phán đúng.

Về điều kiện kĩ thuật thì đây chắc chắn là 1 cơ sở y tế tốt nhất ở VN. Và phí cũng tương ứng. Điều trị thường khoảng 10tr/1 ngày. Nằm phòng cấp cứu khoảng 20tr/1 ngày. Các BS và NV y tế toàn tâm điều trị. Tuyệt đối ko có chuyện tiêu cực. Tuy nhiên bệnh ngày càng nặng. Ba tôi biết tiếng Pháp nên khi nghe các BS trao đổi với nhau thì ông biết là ko còn hi vọng, bảo tôi đưa về nhà. Tôi ko nghe.

Khuya 1 tết, BS trực cấp cứu gọi tôi vào BV – Tiên lượng xấu. Gia đình chuẩn bị hậu sự. Ô cụ có thể chỉ sống được 1-2 ngày.

Tôi gọi cho 1 người bạn thân nhờ mua đất nghĩa trang. Sau đó gọi cho các BS khác để tư vấn. Họ khuyên chuyển ô cụ sang 1 BV khác. Và nên đến BV abc. Tôi quen từ lãnh đạo Bộ Y tế đến GĐ BV này. Việc chuyển viện thuận tiện. Tuy nhiên BV VN thì khác hẳn BV nước ngoài. Rất nhiều thủ tục nhiêu khê và điều kiện vật chất rất tệ (so với BV NN ).

Tóm lại luôn phải có 3-4 người nhà đi theo để di chuyển từ khoa này sang khoa khác, đi chụp phim, vệ sinh, cho ăn… Riêng thanh toán phải đến 3-4 quầy khác nhau. Phải trả bằng tiền mặt vì BV ko trang bị máy đọc thẻ (hay là ko thích giao dịch qua ngân hàng?). Tiền cấp cứu 1 quầy, tiền điều trị 1 quầy, tiền thuốc 1 quầy, tiền thuê phích nước nóng, áo quần y tế cho ng chăm nom 1 quầy, đặt cọc thuê cáng để di chuyển từ khoa nọ sang khoa kia 1 quầy, lại còn thủ tục BHYT nữa.

Trong túi luôn phải thủ 50 tr tiền mặt.

Chuyển từ khoa nọ sang khoa kia trong cùng 1 BV phức tạp hơn làm visa đi Mĩ. Nếu phải đưa người nhà vào BV mà sau đó ko phát điên thì bạn đủ tiêu chuẩn để gia nhập đội đặc nhiệm SEAL của Mĩ. Là tôi đang nói về BV hàng đầu của Thủ đô. Cũng may tôi quen nhiều chức sắc trong ngành Y, họ giúp đỡ rất nhiệt tình. Phải nói rằng các BS điều trị cho Ba tôi rất tích cực.

Nhưng bệnh ngày càng nặng. Sau 10 ngày Trưởng khoa gọi tôi đến bào cẩn phải làm 1 phẫu thuật nữa và đăt ống sonde qua thành bụng vào dạ dày.

- Rồi sao?
- Bố anh sẽ phải sống chung với cái ống này suốt đời.

Oài! Tôi ký vào biên bản đồng ý phẫu thuật. Rồi thảo luận với Ba tôi. Ông cụ ko đồng ý - Chết thì thôi. Chúng mày lắm chuyện quá. Tuổi thọ TB ng VN là 76. Tao đã 83, lãi rồi.

Tôi lại tư vấn với các BS khác. Họ khuyên nên chuyển viện lần nữa. Lần này thì đến BV dành riêng cho cán bộ. Ba tôi có tiêu chuẩn điều trị ở đó. Tôi cũng quen nhiều BS ở BV này. Cái khó là làm sao để equipe BS đang điều trị cho Ba tôi ở BV hiện tại không tự ái. Tôi bịa lí do là thầy bói phán mổ ngày này ko tốt và lẳng lặng chuyển ông cụ sang BV kia.

BV này về điều kiện vật chất thì hơn hẳn. Dành cho cán bộ cao cấp có khác cho nhân dân. Họ chỉ yêu cầu tôi khéo léo mời mấy ô GS bạn của Ba tôi ko tham gia hội chẩn. Cứ giao phó việc điều trị cho bọn em. Họ phát hiện ra ba tôi bị suy dinh dưỡng nặng. Hóa ra tôi ko biết, giao phó việc ăn uống cho BV kia – giống như ở các BV NN, và chế độ ăn của BV này quá tệ.

Chú em BS của BV mới bảo – Ko cần ốm, khỏe như anh mà ăn thế này cũng chết. Và kê cho ba tôi 1 chế độ dinh dưỡng hồi sức đặc biệt. Tất nhiên gia đình tự lo phần này. BG thì tôi có kinh nghiệm rồi. Rất may là sau 20 ngày BV thứ 3 điều trị cho Ba tôi khỏi hẳn.

Khi phải vào bệnh viện, nên cẩn thận tư vấn với vài BS chuyên ngành từ các BV khác, tra cứu thêm thông tin liên quan trên internet và ko phó thác hoàn toàn việc chăm sóc bệnh nhân cho BV. Thấy cần thì dứt khoát chuyển BV, thay equipe BS điều trị nếu có điều kiện.

Và cơ bản là may hơn khôn, khi điều trị ở VN.

Dạy giỏi!

{By: Khúc Trung Kiên}

Nhà tôi có 500 năm gần đây các cụ đều làm nghề dạy học, mình cũng dạy 10 năm ở HV KTQS, rồi vợ dạy học, rất nhiều bạn bè làm nghề dạy học. Tất nhiên mình rất tôn trọng người thày và nghề dạy học; quan tâm nhiều đến việc dạy, việc học và giáo dục nói chung.

Khi nói về chuyện thế nào là dạy giỏi. Thấy xã hội, truyền thông đều nghiêng nhiều về chuyện tôn vinh những người thày/ngôi trường có nhiều học sinh giỏi, có nhiều học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, thành đạt,....

Điều đó đúng.

Tuy nhiên tôi nghĩ, cần được tôn vinh hơn là những thày cô, những trường có nhiều học sinh vốn học kém, lười học mà khi ra trường họ thành người bình thường, kiến thức trung bình và đa số sau cũng có đóng góp trung bình cho xã hội.

Cái đó hình như chưa được ghi nhận và tôn vinh đúng mức! Đất nước chủ yếu được tạo ra từ những con người "trung bình" như thế. Lại nhớ những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

......
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong 4000 lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và đã chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt, đặt tên
Nhưng chính họ đã làm ra đất nước
Họ giữ cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà từ hòn rơm qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân
.....
(Trích trường ca "Đất nước")

So sánh

{By: Khúc Trung Kiên}

Cách học ở ta: giải bài tập
Người ta: học cách giải quyết vấn đề

Nghe chả khác mấy, nhưng dẫn đến:

Ta: học sinh giỏi giải bài tập khó
Họ: HSG giải quyết các vấn đề lớn

Khi ra trường: họ chiếm cả thị trường thế giới, ta vẫn làm bài tập.

P/S:
- Bài tập là do người khác ra đề
- Vấn đề là do thực tiễn đặt ra

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Luôn có một góc nhìn tích cực

{By: Hoàng Minh Châu}

Một bà mẹ tắm cho cậu con trai suốt ngày nghịch bẩn với ánh mắt yêu thương. Một cô ôsin tắm cho đứa bé trai suốt ngày nghịch bẩn với ánh mắt tức giận. Nhưng nếu cô chịu nhìn sự việc dưới một góc độ tích cực hơn, rằng chính đứa bé này đã mang lại cho cô công ăn việc làm, cô sẽ không ghét đứa bé hay nghịch bẩn nữa và tình cảm với đứa bé sẽ giúp cho công việc của cô nhẹ nhàng hơn.

Một vị bộ trưởng về hưu phàn nàn về sự bất tiện của ngôi nhà hai tầng mà nhà nước mới phân cho vợ chồng ông. Phòng khách ở tầng một, còn vợ chồng ông ở trên tầng hai. Ông có nhiều khách và vì ông đã nghỉ, nên họ đến chơi không kể giờ giấc. Một ngày ông lên xuống cầu thang không biết bao nhiêu lần để tiếp khách, mệt cả người.

Tôi nói với ông: “Tuyệt vời anh ạ. Anh đã lớn tuổi rồi, nếu ngày nào anh cũng vận động đều đặn như thế, chắc sẽ rất tốt cho sức khỏe”. Vị bộ trưởng nghe ra và từ đó ông rất thích có khách đến chơi, để tiện thể rèn luyện sức khỏe, bằng cách lên xuống cầu thang.

Tôi có một anh bạn là chủ một công ty tin học nhỏ. Khách hàng thường chỉ thích làm việc với những công ty lớn như FPT. Nhưng không vì thế mà anh hoảng sợ. Anh chỉ cho khách hàng một góc nhìn khác: với công ty lớn, họ chỉ là một trong hàng chục ngàn khách hàng và chẳng bao giờ được quan tâm đặc biệt. Nhưng với công ty nhỏ, họ thực sự là VIP và chắc chắn sẽ được chăm sóc chu đáo hơn.

Nhiều khách hàng thích góc nhìn này.

Mấy năm trước, vợ tôi có lần phàn nàn rằng, chị giúp việc hay lấy trộm quần áo cũ và định cho nghỉ việc. Tôi nói với vợ tôi “Nếu lấy trộm thì họ phải lấy đồ mới chứ, việc gì phải lấy đồ cũ. Anh chắc là, chị ta nghĩ rằng, đồ cũ gia đình không sử dụng, nên lấy gửi về quê để khỏi lãng phí thôi”. Rồi vợ chồng tôi nói với chị giúp việc “toàn bộ đồ cũ của gia đình, cái nào chị thấy dùng được thì cho chị hết”. Từ đó, chị ta không lấy trộm lần nào nữa.

Anh Thắng là người lái xe duy nhất cho tôi suốt 20 năm cho tới khi về hưu. Ở FPT, không ai giữ một lái xe lâu như tôi. Thực ra, anh Thắng là người rất khó tính, lớn tuổi, ít nhiều cũng là lão làng. Thấy tôi chịu đựng, nhiều người khuyên tôi đổi lái xe mới. Nhưng tôi nghĩ, tính tình mình cũng chả dễ chịu gì, suốt 20 năm qua chắc anh ấy cũng phải chịu đựng tôi nhiều hơn tôi chịu đựng anh ấy. Mỗi lần nghĩ như thế, tôi lại cảm ơn anh đã gắn bó với tôi suốt 20 năm qua, 20 năm lái xe an toàn, đi đến nơi về đến chốn.

Việc tìm ra một góc nhìn tích cực luôn làm cho cuộc sống của chúng ta dễ chịu hơn. Khi thấy sự việc đen tối và bế tắc là lúc bạn nên tìm cách nhìn nó từ hướng khác. Bạn có thể chưa thay đổi được hoàn cảnh, nhưng bạn có thể thay đổi góc nhìn.

Bao giờ cũng tồn tại một góc nhìn tích cực hơn – tươi sáng hơn!

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Tranh luận: cấm xe máy ở HN & HCM?

{Tranh luận}

Minh Chiết:

Cấm xe máy? Ko cấm được vì xe máy là 1 CÔNG CỤ TỒN TẠI của rất nhiều ng VN hiện nay. Nếu cấm xe máy thì sẽ tước đi quyền mưu sinh của vài triệu ng ở HN và SG.

1. quan sát 1 điểm tắc đường sẽ thấy lỗi tại ô tô
2. tai nạn gt gây hậu quả chết ng chủ yếu do ô tô
và quan trọng nhất:
3. thay xe máy bằng cái gì?

Xe bus ko được vì tỷ lệ diện tích đường gt của HN và SG quá thấp. vài ông xe bus nối đuôi là tắc cả khu. Tàu điền ngầm hay tàu điện nổi ít nhất phải 30 năm nữa, trong trường hợp VN đến lúc đó chưa VỠ NỢ.

Cấm bằng mắt.

Khúc Trung Kiên: 

Lại nổi lên chuyện cấm xe máy ở HN & HCM

Tất nhiên chuyện này ý kiến khác nhau, mình thì nghĩ là nên cấm xe máy cá nhân, ít nhất là ở khu vực nội thành. Vấn đề không phải là đường chật hay không chật mà là văn hoá giao thông đô thị:

- Loại bỏ tuỳ tiện dừng đỗ, thói quen luồn lách
- Tăng cường sử dụng GTCC
- Nâng cấp các dịch vụ manh mún trong thành phố
- Tăng cường đi bộ ở những khoảng ngắn (2-3km)

Không cần lộ trình quá dài, TQ đông hơn ta nhiều, vài năm cấm tiệt! GTCC tự nhiên sẽ tăng khi người dân có nhu cầu đi lại thực sự. Xe bus mấy năm nay tốt nên nhiều, cấm xe máy thì sẽ phát triển.

Chưa kể, việc này sẽ tác động đến phân bố dân cư, công sở, quy hoạch và xây dựng đô thị. Sẽ không ai mua nhà nếu xây ở chỗ không có hạ tầng giao thông hoặc không phát triển giao thông trước. Các doanh nghiệp sẽ không đặt trụ sở ở những khu vực không phù hợp,... dần dần thành quy chuẩn.

Lý do "xe máy là công cụ lao động" thường được đưa ra để phản đối cũng không thật hợp lý.

- Chỉ tỷ lệ nhỏ là CCLĐ (xe ôm, vận chuyển hàng hoá), còn lại là công cụ di chuyển
- CCLĐ cũng cần thay đổi, các dịch vụ vận chuyển sẽ thay thế việc ai tự vận chuyển hàng hoá của người đó.

Tóm lại muốn thay đổi thì câu hỏi nên là "why not?", không phải "why?"

Một tỷ lệ phản đối có lẽ à do tâm lý ngại động chạm đến vấn đề phân biệt giàu nghèo, bảo vệ người nghèo,... Nếu quàng vấn đề này vào thì khó mà tỉnh táo để đánh giá, nhìn nhận.

Chỉ nên coi ô tô chỉ là phương tiện đi lại (không tính các loại xe sang), chẳng liên quan gì đến giàu nghèo. Ngoài ra, có thể thu phí cao đối với ô tô riêng hoạt động trong thành phố, giải pháp hợp lý hơn.

Tất nhiên, nếu chỉ đơn thuần là một lệnh cấm mà không kèm theo các giải pháp đồng bộ, tương đối toàn diện và kế hoạch thực thi hiệu quả thì đây cũng chỉ là một ý tưởng ngớ ngẩn.

Một số ý kiến tranh luận (comments):

Lê Vũ: Dạ chắc muốn cấm xe máy để đường cho xe bus chạy, chứ giờ xe bus chạy mà xe máy cứ cản đường không chạy nổi, làn đường xe máy sau đó đổi thành làn đường dành riêng cho xe bus, khi đó xe bus sẽ tuân thủ chạy nội ô 40km giờ thay vì chạy 60 km giờ như hiện nay để giành từng mét đất.

Lee Ngân: Muốn giải quyết tắc đường thì phải cấm tuyệt đối ô tô cá nhân vì:
a- Diện tích chiếm chỗ trên đường cao hơn số lượng xe 2 bánh có động cơ có cùng số chỗ ngồi.
b- Hệ số sử dụng chỗ ngồi luôn thấp hơn số lượng phương tiện xe 2 bánh có động cơ đã so sánh tại mục a.

Nhật Hà Đặng: Làm cái Compa quay 3,4 vòng tư Tháp Rùa, vòng 1 gửi xe phí 200 K lần, vòng 2 100 K, vòng 3, 50 K, vòng 4 thì như hiên nay. Bác nào máu chiến đi xe vào vòng 1 đê. Không thì tự khắc xài PTCC.

Hung Vu: Nếu chỉ tính xe máy là phương tiện lao động cho những người hành nghề xe ôm hay chuyển đồ thì e rằng không đủ, dùng để "di chuyển" từ chỗ ở đến chỗ làm cũng được tính là phương tiện lao động. Nhưng có một điều em tha thiết đề nghị các bác là chịu khó đi bộ một tí, ai đời lại có vài trăm mét (có khi chỉ vài chục) cũng phải phành phạch cái xe máy.

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Lãnh đạo

{By: Khúc Trung Kiên}

Khi nói về một người lãnh đạo, thực ra chỉ có hai thứ đáng quan tâm: (1) giá trị/mục tiêu mà người đó theo đuổi là gì? (2) ông ta/bà ta có khả năng để đưa đơn vị, nhóm, tổ chức,... hướng đến những giá trị đó, mục tiêu đó hay không.

John Adams, tổng thống thứ hai của nước Mỹ, là người có công rất lớn trong việc thúc đẩy quốc hội các bang thuộc địa xây dựng và thông qua hai văn kiện quan trọng nhất của nước Mỹ: Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp Mỹ. Đó là một hành trình đầy khó khăn và gian khổ. Giá trị mà ông theo đuổi được cô đọng trong bài phát biểu nổi tiếng ở quốc hội Mỹ: "khi tôi sống, tôi muốn có một đất nước, một đất nước tự do".

Con trai ông là John Quincy Adams, một luật sư và cũng là tổng thống thứ 6 của nước Mỹ. Ông này cũng có câu nói nổi tiếng: "nếu các hành động của bạn truyền lửa cho người khác, khuyến khích họ mơ ước nhiều hơn, khuyến khích họ hành động nhiều hơn, khuyến khích họ học tập nhiều hơn và khuyến khích họ trở thành tốt hơn - khi đó bạn là người lãnh đạo".

Hai vị tổng thống, cha và con. Một người nói về giá trị cần theo đuổi, một người nói về phẩm chất để hành động. Không thấy nói về việc người lãnh đạo phải bao nhiêu tuổi, phải hay không phải là con cháu nhà ai, có bằng cấp gì, học ở đâu,...

John Adams
Nếu bàn luận mà chả quan tâm đến hệ thống giá trị và năng lực hành động thì hoặc là nói cho có chuyện, hoặc là cay cú hay ganh tị, hoặc là để giải toả bức xúc. Cũng chẳng sao, nhưng không có nhiều ý nghĩa.


Nhập học ở Anh

{By: Minh Triết}

Con gái nhập học ở Anh
Trường đưa danh sách việc phải làm

1. Làm thẻ sinh viên. Cất hộ chiếu ở nhà. Mất thẻ trường cấp lại được. Mất hộ  chiếu rất lằng nhằng
2. Sang quầy ngân hàng bên cạnh mở tài khoản. Gửi hết tiền mặt. Chỉ nên giữ ko quá 50 bảng trong người. Ngân hàng cấp thẻ debit/credit. Mất thẻ ko mất tiền. Ngân hàng sẽ cấp lại
3. Đi xe đạp thì không để túi đằng sau, không để đằng trước. Mà đeo vào người phía trước ngực
4. Không ra phố sau 10pm
5. Nếu đi chơi thì nên đi cùng vài người bạn. Báo số điện thoại di động và chỗ định đi cho quản lí biết
6. Khi đi ở chỗ vắng, buổi tối mà gặp người lạ nên chủ động chào, tỏ thái độ thân thiện. Để tay cho người ta thấy mình không mang vũ khí
7. Đi tắm biển phải báo quản lí. Tối thiểu 3 người. Xảy ra sự cố thì một người ở lại định vị, một người chạy đi tìm cứu hộ. Hét to HELP!
8. Tuyệt đối chấp hành yêu cầu của cảnh sát. Khi cảnh sát hô FREEZE/STOP thì đứng yên. Không làm bất cứ cử động gì. Họ có thể bắn.
9. Khi nói chuyện với người chưa biết rõ thì tránh các đề tài có thể gây tranh cãi: tôn giáo, chủng tộc
10. Không nhận lời mời ăn uống đi chơi của người lạ
11. Gặp cướp không chống cự.

Và nhiều điều nữa. Chủ yếu để bảo toàn tính mạng.

Nhảy múa!

{By: Khúc Trung Kiên}

Việt Nam cũng như phần lớn châu Á có tính hướng nội, hay nghĩ, hay dấu tình cảm thật, cảm xúc thật của mình. Vui chả biết, buồn cũng không.

Hồi sinh viên tôi có mấy bạn người Cuba, Nicaragua, Dominica, Mozambiz. Các bạn ấy khác hẳn sinh viên Việt Nam. Rất đơn giản, vui vẻ và đặc biệt thích nhảy múa!

Nhảy như lên đồng, không quan tâm đến nhạc, chẳng cần biết ai nhảy đẹp hay xấu, đúng hay sai. Mình có vài lần tham gia, phê lòi. Cảm giác thoải mái, hoà hợp, bao dung, thân ái với tất cả mọi người.

Người Việt đôi khi cũng có không khí ấy nhưng chỉ trong bàn nhậu. Cái dở là khi đó lại rất dễ xung đột. Thay vì trở nên vui vẻ, thân ái con người dễ thành mù quáng, nóng giận và hung bạo!

Hai kiểu phê, kết cục lại rất khác nhau!

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Ai có trách nhiệm giữ gìn truyền thống?

{By: Hoàng Minh Châu}

Ba mẹ tôi có phương pháp dạy con đơn giản, bằng cách kể đi kể lại các tấm gương của những người họ quen biết trong cuộc đời. Gương tốt có, gương xấu có. Con cái hãy tự soi và chọn cho mình tấm gương nên theo, tấm gương nên tránh.

Phương pháp này, dân gian có tên gọi hẳn hoi. Đó là: "Trông người lại nghĩ tới ta".
Lại trông sang người Nhật.

Người Nhật luôn học được những thứ hay ho nhất của thế giới. Thời cổ đại, họ học từ Trung Hoa. Thời cận đại, họ học từ phương Tây.

Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là, dù học từ bên ngoài nhiều như vậy, nhưng lúc nào họ cũng giữ được nguyên vẹn cá tính Nhật Bản. Ngày nay, rất ít dân tộc trên thế giới giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của mình, trước sự tàn phá của quá trình toàn cầu hóa và internet, như người Nhật. 

Tôi hỏi một anh bạn thân người Nhật.
- Thanh niên Nhật có thích xem kịch Nô không?
- Không - Bạn trả lời.
- Họ có thích mặc kimono không?
- Không.
- Họ có thích thưởng thức geisha không?
- Không.
- Thế họ có thích thưởng thức trà đạo, hương đạo... không?
- Không. Họ là Tuổi trẻ và Tuổi trẻ bao giờ cũng chỉ thích cái mới - Anh bạn Nhật khảng định.
- Vậy nước Nhật làm sao bảo tồn được văn hóa truyền thống, nếu Tuổi trẻ - là tương lai của nước Nhật - không thích?
- Đơn giản thôi, khi về già họ sẽ thích.

Hóa ra là thế!

Ở Việt Nam, chúng ta cứ lo lắng, tuổi trẻ bây giờ không thích ca trù, không thích mặc áo tứ thân, không thích áo dài khăn đống... Tuổi trẻ ở đâu cũng thế, tất nhiên chỉ thích cái mới.
Cái đáng lo không phải là Tuổi trẻ quay lưng với truyền thống, mà là những người già cũng không còn muốn giữ truyền thống.
Giữ gìn truyền thống là trách nhiệm của những người lớn tuổi. Thế hệ chứng kiến những truyền thống của tổ tiên lần lượt biến mất không có lỗi. Lỗi thuộc về thế hệ trước đó.
Thế hệ trước phải có trách nhiệm gìn giữ nề nếp tổ tiên cho đến khi thế hệ sau đủ chín, để hiểu được giá trị to lớn của truyền thống. Chỉ khi đó họ mới có thể quý trọng truyền thống, đi theo nó và tiếp tục gìn giữ nó cho các thế hệ sau.
Qua chuyện này, may quá nhận ra, về hưu rồi, vẫn có việc để làm, vẫn còn chỗ hữu dụng: GIỮ NẾP NHÀ - ĐỢI TRẺ CON KHÔN LỚN.

Tinh thần doanh nghiệp

{By: Minh Triet}

1996, bọn tôi 30 người là chủ tịch, tổng giám đốc, giám đốc kinh doanh, giảm đốc tài chính,... các doanh nghiệp lớn của VN: VNA, VCB, BIDV, FPT,... có dịp đi Mĩ học và tham quan.

Tại sân bay JFK ở New York chúng tôi gặp 1 chị người Việt tầm 50, ăn mặc giản dị, đeo trước ngực 1 tấm bìa carton cỡ 2 tờ A4 ghi: tôi cần chuyển sang chuyến bay ABC của hãng XYZ để bay tiếp đi Los Angeles. Xin hãy giúp đỡ. Cám ơn.

Bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Tất nhiên chúng tôi nhiệt tình giúp chị chuyển máy bay. Tiện thể tôi hỏi
- Chị đi Mĩ lần đầu?
- Vâng
- Chị có biết tiếng Anh?
- Chỉ biết hello với thank you
- Chị đi thăm người nhà?
- Không, tôi không quen ai ở Mĩ cả. Tôi đi gặp đối tác bàn chuyện xuất khẩu tôm cá Việt Nam sang Mĩ.
- Không có phiên dịch thì làm việc thế nào?
- Ở Los Angeles có nhiều người gốc Việt, tôi sẽ nhờ. Mang phiên dịch từ VN đi thì tốn kém quá. Công ty của chúng tôi còn nhỏ lắm, không đủ tiền mua 2 vé máy bay.

Tôi vô cùng khâm phục chị, một doanh nhân quả cảm. Cho đến lúc đó chưa ai trong chúng tôi từng đi Mĩ một mình.

Chúc chị thành công.

PS: 1995 Mĩ mới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2016

Khởi nghiệp (1)

{By: Minh Triet}

Khoảng 96-97. Một người  Hàn Quốc gõ cửa và bước vào văn phòng của tôi. Anh vác theo một cái bị rất to, bằng nửa cái bàn làm việc, mặt sũng mồ hôi.

Anh giới thiệu là giám đốc một công ty sản xuất đồ nội thất. Tôi ngạc nhiên sao lễ tân lại cho anh vào văn phòng vì chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực ko liên quan nội thất. Tuy vậy tôi kiên nhẫn nghe anh trình bày vì kính trọng sự nhiệt tình của anh.

Anh nói bằng tiếng Việt bập bẹ. Tôi bảo anh nói tiếng Anh. Cũng ko khá hơn tiếng Việt.

Anh lấy từ trong bị ra từng mẫu và say sưa giới thiệu các mặt hàng mà cty của anh sẽ sản xuất tại VN. Thì ra anh mới bắt đầu. Trước đó anh là kĩ sư của một công ty danh tiếng nhất HQ. Anh bỏ việc và bắt đầu sự nghiệp riêng của mình.

Tôi không quan tâm hàng hoá của anh sản xuất nhưng rất ấn tượng về lòng quả cảm, sự nhiệt tình và ý chí của anh. Tôi giữ lại danh thiếp và mỗi khi cần mua đồ nọi thất đều bảo thư kí tìm mua hàng của công ty anh.

Bây giờ công ty của anh niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trị giá 1000 tỷ đồng.


Người lái xe ôm Bờ Hồ

{By: Nam Nguyễn}

Phố Hàng Khay có một bác xe ôm đã hành nghề rất lâu đời. Chỗ đứng yêu thích của bác ấy là bên góc ngã tư Đinh Tiên Hoàng-Hàng Khay, nơi xưa kia còn là mậu dịch bán hoa. Chỉ nhớ bác ấy đã chạy xem ôm từ đời đầu, túc là phải từ những năm đầu 80.

Người ở phố Hàng Khay đều biết bác này- xe ôm Thanh “ma”. Cần chạy xe ôm đi đâu thì hay bảo nhau: “ra đầu đường mà đi xe thằng Thanh “ma” đi!”. Người lớn hay thậm chí trẻ con gọi là “thằng” hay là gì thì bác này cũng đều cười hề hề, coi như chẳng có vấn đề gì, ít ai biết rằng bác là dân giang hồ, đã mười mấy năm đi tù rồi, “ma” là biệt danh xã hội của bác này đấy, còn xe ôm là nghề của bác khi đã hoàn lương.

Người ở phố mà đi thì bác không mặc cả, muốn trả bao nhiêu thì trả, nhưng bác phóng nhanh lắm nên nhiều người cũng hãi! Những lúc bác ấy cáu lên thì cũng gớm lắm, lúc đó bác gọi “thằng” tất, kể cả những cụ đã ngoài bảy chục!

Bây giờ chỗ góc ngã tư Bờ Hồ ấy không đứng xe ôm được nữa, bác về phố Hàng Trống nhà bác ấy để chạy xe ôm. Ai qua đầu Hàng Trống mà thấy một tay xe ôm rất “ngầu”, hay mặc bộ đồ quân phục bụi bặm, thì chắc là Thanh “ma” đấy! Vẫn còn trẻ chán, bác sinh năm 1935...

Lại chuyện về hay ở?

{By: Khúc Trung Kiên}

Chả có gì mới, nhưng cũng phải đề cập chút cho nó có chính kiến rõ ràng. Là chuyện đi học, rồi ở đâu đó sống và làm việc hay "về"? Cái chữ về ở đây có nhiều nghĩa: về quê, về tỉnh mình sinh ra, nghĩa đang nói nhiều nhất là về nước (sau khi du học).

1) Mỗi người nói chung nên chọn sống và làm việc ở chỗ nào phù hợp với mình nhất. Có cơ hội nhất cho cuộc sống, hoặc cho đam mê, hoặc cho gia đình, con cái,... Tuỳ theo lựa chọn của họ. Đó là quyền cơ bản của con người, nó vốn có từ tự nhiên. Chả ai lo cho cuộc sống của người khác nên cũng không thể trách khi người ta chọn con đường của mình.

2) Nói chung thì là thế. Nhưng nếu trước đó bạn đã ký một cam kết nào đó để nhận tài trợ hay học bổng thì hiển nhiên là cần thực hiện cam kết đó. Tài năng hay không thì vẫn phải thực hiện cam kết như thường. Nếu muốn thay đổi thì phải được các bên liên quan chấp nhận. Không thể phá vỡ cam kết rồi lại trách người khác không tôn trọng nguyện vọng của mình.

3) Con cái không chê cha mẹ nghèo. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng không thể quay lại trách móc đất nước hay quê hương không thể sử dụng bạn. Càng không thể dè bỉu, coi thường hay khinh miệt nơi đã sinh ra, đã nuôi nấng bạn ít nhất cho đến khi bạn kiếm được đồng tiền đầu tiên từ lao động của mình.

Một điều quan trọng nữa, nếu một lúc nào đó thấy mệt mỏi với những đua tranh bên ngoài, hoặc giả chẳng may gặp lúc sa cơ lỡ vận. Sẽ có rất ít nơi có những người sẵn sàng đón bạn trở về. Có thể sẽ chỉ có một nơi duy nhất là mảnh đất lạc hậu và nghèo khó hình chữ S.

Xấu hổ!

{By: Khúc Trung Kiên}

Chúng ta hay xấu hổ. Xấu hổ vì gian hàng Việt Nam ở hội chợ quốc tế lèo tèo, không chuyên nghiệp. Xấu hổ vì người ta ghi lời nhắc nhở ở những khu du lịch bằng tiếng Việt. Xấu hổ khi tiếp viên hàng không bị bắt ở Nhật vì vận chuyển đồ ăn cắp...

Những cái đó tốt và chính đáng! Có điều chúng ta toàn xấu hổ vì hành động của người khác, hoặc vì những thứ to quá, lớn quá. Những cái xấu hổ mang tính quốc gia! Xấu hổ hộ Messi khi cậu ấy ăn vạ, hộ Mourinho khi ông này có vẻ thái quá khi phạt cô bác sĩ của Chelsea,...

Xấu hổ là một món quà quý giá mà tạo hoá đã ban cho con người.
Nó giúp người ta dừng lại khi cảm thấy mình đang làm việc không nên.
Nó là cơ chế tự kiểm soát, không phải để điều chỉnh hành vi người khác.

Xấu hổ hộ người khác chả giúp gì cho họ.
Xấu hổ tầm quốc gia cũng chả giúp nhiều cho đất nước.

Chỗ ngã tư Trần Thái Tông - Dương Đình Nghệ hàng ngày có rất nhiều người thản nhiên vượt đèn đỏ vì ở đó không có cảnh sát. Nhiều người đeo cà vạt và đi giày bóng lộn. Nhiều người chở con đến trường. Chả ai tự thấy xấu hổ.

Khi đái bậy bên đường bị người khác nhìn thấy, ta xấu hổ. Cái đó chẳng có ích gì. Giá như có thể xấu hổ khi đái bậy mà không ai nhìn thấy! Chỉ khi tự mình thấy xấu hổ, món quà tuyệt vời ấy của tạo hoá mới giúp được con người!

Nếu có một ước mong, hãy mong rằng mình còn biết xấu hổ, theo nghĩa nguyên sơ của nó, như hồi 5 tuổi chợt phát hiện ra rằng đang mặc quần thủng chim!

Cầu thủ nào đó ăn vạ thì cứ kệ cậu ta!

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Nhớ quê (1)

{By: Khúc Trung Kiên}

Tụ tập mãi, nhậu nhẹt hoài cũng chán
Lại về quê, khoai sắn với dưa hành
Rời phố thị, lao nhao buôn cùng bán
Giữa ruộng vườn, man mác lá rau xanh

Cơm bụi

{By: Nguyễn Thành Nam}

Đại hội văn hóa doanh nghiệp. Toàn đại gia, chém gió phần phật. Xong, đi kiếm cái ăn.

Tôi thích ăn cơm. Cả mấy dãy phố, toàn bún chả, bún nem với cháo lòng, bánh mì. Có lẽ mọi người ngại làm cơm, nhiều món, mà khó tính tiền, phục vụ nhiêu khê. Nên cứ bún, cháo cho dễ. Đúng chủ đề đại hội: văn hóa doanh nghiệp ta, ai cũng thích làm cái dễ, khi nào không kiếm được tiền thì lại xoay sang cái dễ khác. Âu cũng là cái liễn.

A đây rồi, thấy có mấy người đang ăn cơm trên hè. Quán đâu. Kia, cô gái áo hoa, ngồi cạnh 1 nồi cơm to tướng, luôn tay xới cơm đầy đĩa đưa cho khách. Sang một cái bàn khác lấy thức ăn, kiểu búp phê. Nhộng, cá kho, thịt luộc, trứng rán, tôm hùm bao tử (aka tép) xào khế, đậu phụ, lạc rang, măng, rau cải, rau dền, dưa chua… khá phong phú.

Rồi, bê đĩa đầy tú hụ, đến bàn một thiếu phụ mập mạp béo tốt trả tiền, lấy đũa, thìa, tăm, giấy…. Chị liếc nhìn đĩa cơm tôi, (có 2 món mặn, 2 món rau và dưa chua), rồi phán 22 ngàn. Cô gái váy đen đằng sau, ra dáng gái văn phòng: 23 ngàn (thấy có thêm miếng trứng). Cậu giai sau nữa, cà vạt, mặt non choẹt, chắc lái xe taxi: 17 ngàn.

Canh thì một thùng to ở góc tít đằng xa. Uống bao nhiêu thì múc. Hè phố đầy những bàn ghế nhựa, cầm đĩa cơm, muốn ngồi đâu thì ngồi. Cơm rất ngon, tôi ăn sạch sẽ. Giá quá ổn. Nhưng vẫn thắc mắc không hiểu chị béo kia tính tiền theo cách nào mà nhanh lại chính xác thế.

Đợi lúc vắng khách, tôi lân la hỏi chị mập.

Ồi có gì đâu anh. Em xác định là 1 đô / 1 đĩa. Xân xiu quanh đó thôi, 20,21,22,23 ngàn. Thế sao có cậu chỉ có 17 ngàn? À, nó là dân mới quê ra lái taxi, em không có thời gian đi làm từ thiện, bớt nó một ít coi như làm phúc.

Tôi chào chị. Thấy tiếc là đại hội văn hóa doanh nghiệp kia không mời chị.

(Kỷ niệm Quán cơm bụi Không Tên nằm trên hẻm, gần chỗ nhà hàng Lã Vọng, nối đường Nguyễn Thị Thập và Lê Văn Lương, Hà nội, gần Hội Văn hóa Doanh nghiệp Việt nam)

Cảm nhận Myanmar

{By: Hoàng Minh Châu}

Hai năm sống ở Myanmar tôi thấy, đó là một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, hệ thống pháp luật cũng chưa mạnh, nhưng không có trộm cắp .

Mặc dù vậy, tất cả các biệt thự, của những gia đình giầu có, đều tường cao cửa kín, dây thép gai bao bọc rất cẩn thận.

Tôi hỏi, ở đây không có trộm cắp, vì sao các anh phải quá cẩn thận như vậy.

Câu trả lời thật bất ngờ. Những người dân lương thiện không trộm cắp là vì con quỷ tham lam trong người họ đang ngủ yên. Đừng đánh thức nó dậy bằng sự cám dỗ.

Nếu bạn có tài sản quý giá và lơ là trong bảo quản , thì bạn đã phạm hai sai lầm: một là đánh thức lòng tham đang ngủ yên trong lương dân, hai là làm mất tài sản của chính bạn.

Tôi nghĩ, để một đất nước không có trộm cắp, cần có hai điều kiện: người dân sống lương thiện và những người có của cải phải biết tự bảo vệ tài sản của mình.

Cây vòi voi

{By: Khúc Trung Kiên}

Các học sinh chuyên toán hồi trước thường bị bệnh ngoài da: ghẻ, hắc lào và một căn bệnh khá lạ mà giờ hầu như không thấy là lang ben. Trên mặt, cổ và vai có những vết trắng loang lổ, hơi ngứa và không biết chữa bằng cách nào. Bệnh này do một loại nấm da. Mình cũng bị, loang lổ đầy mặt và cổ.

Ông nội mình giỏi đông y. Ông bảo tìm hoa cây vòi voi, vào buổi sáng khi sương còn đọng trên hoa, vò nát và chà lên những vết lang ben. Vòi voi là một loại cây cỏ, cao khoảng 30-40cm và có hoa trông giống cái vòi của con voi. Loại cây này ở những bãi cỏ trong trường mình hồi đó có nhiều.

Mấy buổi sáng mình thấy sương đọng ướt đẫm trên cỏ và hoa vòi voi, làm thử theo lời ông nội vài lần. Rồi cũng quên mất. Vài tuần sau không còn một vết lang ben nào, các vết trắng loang lổ biến mất hoàn toàn từ bao giờ cũng không rõ. Từ đó cũng không lần nào bị lại nữa.

Sông núi nước Nam

{By: Khúc Trung Kiên}

Cách đây khoảng 2-3 năm, anh bạn đã than vãn về chuyện bản dịch thơ quen
thuộc:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành địa phận ở sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Sách giáo dục in bản dịch mới đổi thành:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ sao xâm phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ

Nay lại thấy báo chí viết chuyện phụ huynh bức xúc vụ này. Kể cũng bức xúc thật. Đọc cứ ngang như cua gạch, ngôn ngữ chợ búa, chả thơ tí nào. Nhưng nghĩ kỹ lại, có lẽ cải cách nó phải thế. Để giáo dục gần với thực tiễn hơn.

Đang tính lần cải cách tới sẽ đề xuất bản dịch lục bát, cho nó dân tộc và thời đại. Kiểu như này:

Vua Nam, sông núi nước Nam
Sách trời in sẵn còn tham nỗi gì
Chúng mày xéo hết cả đi
Không thì ông đập nát bi cả lò

Cho nó khí thế! :)

Sự học nên do ai quyết định?

{By: Khúc Trung Kiên}

Cái sự học của cả xã hội đang do những người thích học nhất quyết định: các giáo sư, tiến sĩ,... những người dành phần lớn cuộc đời để đi học (theo nghĩa đen).


Điều này chưa chắc đúng. Kiểu như luật giao thông lại do mấy tay ưa tốc độ soạn thảo. Những người thích học thì cứ nghĩ xã hội phải học càng nhiều càng tốt. 
Sự học nên do những người không thích học nhiều quyết định. Họ sẽ tìm cách để xã hội phải học ít nhất (theo nghĩa là phải đến trường) mà lại có hiệu quả cao nhất!


Nghiên cứu và khoa học

By: Minh Triet

Khi mới thành lập công ty, lương GĐ là 10tr, lễ tân là 5tr. 
Cty làm ăn tốt. 10 năm sau lương GĐ là 120 tr.
Cô lễ tân ngày xưa nay làm trưởng phòng nhân sự, lương 60 tr.
Cô lễ tân mới tuyển có lương 6 triệu.
Các nhà ngiên cứu kết luận

1. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Trước kia là 2 lần, nay là 20 lần.
2. 1/3 dân số thuộc tầng lớp trên chiếm 65% tổng thu nhập của xã hội
3. 1/3 dân số thuộc tầng lớp dưới chỉ được hưởng 3% tổng thu nhập của xã hội.

Họ quên mất rằng cô lễ tân xưa nay đã là trưởng phòng và thu nhập đã tăng 12 lần.
Cô lễ tân mới là đói tượng khác hẳn, không phải cô lễ tân xưa.
Phần lớn các nghiên cứu xã hội đều dựa trên mô hình ntn. Có vẻ rất khoa học.

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Khởi nghiệp từ ý tưởng bất ngờ

{By: Minh Triet}

Những năm 1990, đ pha lê Tiệp rt được ưa chuộng Việt Nam. Anh bạn đang học tại Tiệp, gi đ pha lê v đ kinh doanh. Dùng giy báo, gi đ bọc đ cho khi vỡ.

Mẹ anh bo bọc bằng giy với gi tn cước lại vô tích sự, nên bọc bằng cái gì đó chng vỡ mà v Việt Nam lại có ích. Anh mua bm tr con đ lót vào thùng hàng pha lê.

Hoá ra VN bán bm nhanh và lời hơn pha lê nhiu.

Từ đó anh cùng người anh ruột xây dựng nhà máy sx bm, băng vs đ bán VN, dn dn ln lướt c các hãng tên tui ca nước ngoài. Chục năm sau doanh nghiệp ca 2 anh được bán cho một công ty nước ngoài với giá hàng trăm triệu mĩ kim.

Hãy nghe lời mẹ.


Làm thế nào để được hạnh phúc?

{By: Khúc Trung Kiên}

Một người muốn tìm được chân lý cuộc đời, tìm sư phụ, hỏi làm sao để được sống vui vẻ, hạnh phúc?

Sư phụ giảng giải: trước hết con hãy sống hoà thuận với thiên nhiên. Trong nhà con nên có nhiều cây cỏ! Ngoài ra, phải có nhiều sách, sách giúp con trau dồi trí tuệ, hiểu được lẽ phải, hạn chế lòng tham.

Người đó chăm chú ghi chép và rất tâm đắc: thày đã giúp con vén được đám mây mù. Con sẽ theo lời thày: trồng nhiều cây và đọc sách. Thế còn tiền bạc thì sao ạ? Không lẽ trong nhà không cần tiền bạc?

Sư phụ phảy tay, tỏ vẻ thất vọng: con thật là u mê! Để sống hạnh phúc, trong nhà con không cần có tiền bạc! Thứ đó nên để trong tài khoản ngân hàng!

Tháp nhu cầu Maslow

{By: Khúc Trung Kiên}

Tháp nhu cầu Maslow là cách phân loại các nhu cầu của con người thành 5 mức, từ thấp lên cao. Với nguyên tắc căn bản là nhu cầu mức thấp cần được thoả mãn trước khi nói đến những nhu cầu mức cao hơn.


Tháp nhu cầu Maslow


Có thể diễn giải các lớp nhu cầu theo phân loại này một cách đơn giản thông qua việc nuôi chó và hành vi của con người đối với con vật nuôi phổ biến này.



Mức 1: Nhu cu tn tại (hay sinh lý), là những nhu cu cơ bn (ăn, ng, bài tiết, th,...). Nếu nhu cu này không được đáp ứng thì người ta có th b qua an toàn hay sĩ diện. Ví dụ: khi bí quá, ai cũng có th "tiu đường"

Khi đói ăn, thiếu áo mặc hay ch ng, người ta nuôi chó ch yếu đ ăn thịt hoặc bán ly tin. Trừ khi đã thành tập quán xã hội, việc bo người ta đừng ăn thịt chó là ít tác dụng.

Mức 2: Nhu cu an toàn. Nhu cu tn tại được tho mãn mức nào đó, người ta quan tâm nhiu hơn đến an toàn. ATGT, ATTP, s tiết kiệm, y tế, giáo dục,... thuộc loại mức này. Khi đó, nuôi chó có mục đích là đ giữ nhà: các loại chó dữ, béc giê được ưa chuộng.

Mức 3: Nhu cu tình cm. Con người mun quan tâm & mun được quan tâm. Nhu cu tình cm d được tho mãn và ít ri ro nht là nuôi chó và động vật (thú cưng) nói chung. Ai quan tâm và yêu thương chúng, chúng sẽ dành tình cm cho người đó, hoàn toàn không gi di.

Mức 4: Tự khng định. In danh thiếp với c dãy chức danh, khoe hình ăn chơi trên facebook, mun được ni tiếng,... là đ tho mãn loại nhu cu này. Không có xe sang hay túi Levis thì khoe hình thú cưng cũng tt.



Mức 5: Tự phát trin. Đây là nhu cu thúc đy các tư tưng, các phát minh khoa học, hay sáng tạo nghệ thuật. Việc nuôi chó không có vai trò lớn, trừ khi nó tạo cm hứng cho những ý tưng tuyệt vời: "tiếng gọi nơi hoang dã" hay "chó Bim trng tai đen"...

Tiền có thể mua được hạnh phúc?

{By: Khúc Trung Kiên}

Các nhà khoa học đã chứng minh là: CÓ THỂ! Logics cũng khá đơn giản: người ta hạnh phúc khi được đến thăm một vùng đất mơ ước; giúp đỡ được ai đó, hay làm được điều gì đó mình thích... Thật khó để có thể thực hiện được những điều đó nếu như không có tiền hoặc đang tối mặt tối mũi để kiếm tiền.

Mua sắm là bằng chứng thuyết phục hơn. Đa số mọi người sẽ rất hạnh phúc khi cuối cùng đã mua được một món đồ mà mình thích: chiếc iPhone, đôi dày, bộ váy đẹp hay to hơn là chiếc xe hoặc ngôi nhà.

Tất nhiên có những thứ khác cũng mang lại hạnh phúc như: gặp lại người bạn cũ; giúp đỡ ai đó lúc khó khăn; làm quen với một cô gái đẹp hoặc như xem một trận bóng đá hay,...

Nhưng các nghiên cứu nghiêm túc chỉ ra rằng mua sắm thường mang lại hạnh phúc ... lâu bền hơn! Khi đội tuyển VN vô địch Tiger cup, người Việt vô cùng hạnh phúc, nhưng chỉ trong vài ngày. Một món đồ mua sắm được người ta còn dùng được lâu, có thể còn được trầm trồ rất lâu.

Câu hỏi đặt ra là: nếu đã mua được thì giá là bao nhiêu?

Bình thường giá khi mua một cái gì đó phụ thuộc vào việc người ta mua cái gì? Chất lượng ra sao? Nhưng trong trường hợp này lại rất khác. Đáng ngạc nhiên là giá của hạnh phúc không phụ thuộc vào chất lượng của nó mà lại phụ thuộc vào việc ai mua nó!

100 ngàn đồng có thể giúp một đứa trẻ nghèo hạnh phúc hơn một thiếu gia với 100 triệu đồng. Một căn hộ chung cư nhỏ giúp cho một cặp vợ chồng mới cưới hạnh phúc hơn căn biệt thự với một đại gia,... Đó là lý do để khi có thể hãy đưa tiền cho những người mua được nhiều hạnh phúc hơn là bạn tự mua.

Dù sao thì các lập luận khoa học cũng chứng minh điều mà xưa nay các học giảđáng kính thường không công nhận. Phụ nữ chả cần khoa học cũng đã hiểu điều này hơn đàn ông. Đừng ngạc nhiên khi các bà vợ mang hết tháng lương vừa lĩnh đi mua sắm.

Có điều chẳng có nhà khoa học nào chịu nghiên cứu vẻ mặt của các ông chồng!

Start-up - Khởi nghiệp

{By: Khúc Trung Kiên}

Bản chất là bắt đầu thực hiện một ước mơ to, từ một tổ chức/nhóm nhỏ. Nôm na thì con thuyền nhỏ, giương buồm ra khơi.

Rất nhiều cảm hứng, đại dương đang vẫy gọi.
Vui thì vui rồi, nhưng phải hiểu những nguy cơ.

Lật thuyền: thuyền nhỏ nhưng phải đủ chắc chắn, tốt nhất là có khả năng tự cân bằng. Nếu gặp sóng to có chao đảo, say sóng, nôn mửa nhưng không chết. Rất nhiều thuyền lật phát là chìm luôn.

Hết nước ngọt: nhỏ không thể có nhiều dự trữ, khó mà đi dài trên biển. Chỉ có hai cách: có thể lấy nước/lương thực từ biển, hoặc được tiếp tế thường xuyên. Nếu không, không chết thì phải vào bờ.

Thủng thuyền: Thường là chìm nghỉm, thuỷ thủ đoàn đeo áo phao và chờ cứu hộ vớt. Khả năng thứ 2 là tự sửa, tìm điểm tạm dừng để sửa chữa rồi đi tiếp. Vụ sửa chữa này nếu có kế hoạch chủ động thì tốt hơn.

Còn vô số các nguy cơ khác như: thuỷ thủ quay ra oánh nhau, mất thiết bị định vị, mất phương hướng hay gặp phải cướp biển,...

Sợ thế. Hay là thôi, chẳng đi nữa cho lành?

Đi chứ. Đại dương hấp dẫn, dữ dội, nhiều rủi ro nhưng lại có nhiều kho báu. Hơn nữa trên bờ chật chội, không đi thì có khi thằng khác nó cũng ủn mình xuống biển.

Con thuyền mà không giương buồm ra khơi, trước sau gì cũng mục nát. Lỡ trôi dạt trên biển, vẫn có khả năng dạt vào một hòn đảo có nhiều hoa thơm, trái lạ và các thiếu nữ thổ dân xinh đẹp. Không muốn đi tiếp thì ở lại đó cũng tốt chán.

Có câu chuyện, một người hỏi vị thuyền trưởng:

- Ông của ngài mất ở đâu?
- Trên biển
- Thế cha ngài?
- Cũng mất trên biển
- Thế mà ngài vẫn đi biển?
- Thế ông của ngài mất ở đâu?
- Trong nhà
- Còn cha ngài?
- Cụ cũng mất trong nhà?
- Thế sao ngài ở trong nhà?

Để bắt đầu ra khơi cũng không cần nhiều lắm, có khi chỉ với một cánh buồm. Đại dương vẫn luôn nhiều gió!

8.3 - Phụ nữ!

{By: Khúc Trung Kiên}

Tạo hoá tạo ra đàn ông, ri Người lại tạo ra phụ nữ. Thế là có chiến tranh và tình yêu, thế là có hạnh phúc và đau kh, thế là có si mê và thù hận, thế là có tàu sân bay và những lng hoa hng.

Người ta hay nói v đàn ông và phụ nữ như hai na ca nhân loại. Tôi không cho đy là cách phân chia hợp lý. Hai na thì có th tách rời nhau, đàn ông và phụ nữ thì không.

Đa s những người quan trọng nht đời tôi là phụ nữ. Đa s những người quan tâm đến tôi nht là phụ nữ. Đa s những người tôi quan tâm nht cũng là phụ nữ. Nói chung, đàn ông hạnh phúc hay đau kh nếu không vì nhân loại thì chc là vì phụ nữ!

Nói gì thì nói, khi đá bóng tôi mun đá với những người đàn ông. Nhưng tôi tuyệt đi ch mun người khoác tay tôi đi dạo ph là phụ nữ. Nếu ngi ngm hoàng hôn, tôi cũng mun bên cạnh mình là một người phụ nữ.

Nếu phi đi đu, tôi không mong đi th ca mình là phụ nữ, ch vì một lý do đơn gin: đu với đàn ông còn có chút cơ may chiến thng, đu với phụ nữ thì thua chc! Mong mun thế có nhiu không?