{By: Khúc Trung Kiên}
Bản chất là bắt đầu thực hiện một ước mơ to, từ một tổ chức/nhóm nhỏ. Nôm na thì con thuyền nhỏ, giương buồm ra khơi.
Rất nhiều cảm hứng, đại dương đang vẫy gọi.
Vui thì vui rồi, nhưng phải hiểu những nguy cơ.
Lật thuyền: thuyền nhỏ nhưng phải đủ chắc chắn, tốt nhất là có khả năng tự cân bằng. Nếu gặp sóng to có chao đảo, say sóng, nôn mửa nhưng không chết. Rất nhiều thuyền lật phát là chìm luôn.
Hết nước ngọt: nhỏ không thể có nhiều dự trữ, khó mà đi dài trên biển. Chỉ có hai cách: có thể lấy nước/lương thực từ biển, hoặc được tiếp tế thường xuyên. Nếu không, không chết thì phải vào bờ.
Thủng thuyền: Thường là chìm nghỉm, thuỷ thủ đoàn đeo áo phao và chờ cứu hộ vớt. Khả năng thứ 2 là tự sửa, tìm điểm tạm dừng để sửa chữa rồi đi tiếp. Vụ sửa chữa này nếu có kế hoạch chủ động thì tốt hơn.
Còn vô số các nguy cơ khác như: thuỷ thủ quay ra oánh nhau, mất thiết bị định vị, mất phương hướng hay gặp phải cướp biển,...
Sợ thế. Hay là thôi, chẳng đi nữa cho lành?
Đi chứ. Đại dương hấp dẫn, dữ dội, nhiều rủi ro nhưng lại có nhiều kho báu. Hơn nữa trên bờ chật chội, không đi thì có khi thằng khác nó cũng ủn mình xuống biển.
Con thuyền mà không giương buồm ra khơi, trước sau gì cũng mục nát. Lỡ trôi dạt trên biển, vẫn có khả năng dạt vào một hòn đảo có nhiều hoa thơm, trái lạ và các thiếu nữ thổ dân xinh đẹp. Không muốn đi tiếp thì ở lại đó cũng tốt chán.
Có câu chuyện, một người hỏi vị thuyền trưởng:
- Ông của ngài mất ở đâu?
- Trên biển
- Thế cha ngài?
- Cũng mất trên biển
- Thế mà ngài vẫn đi biển?
- Thế ông của ngài mất ở đâu?
- Trong nhà
- Còn cha ngài?
- Cụ cũng mất trong nhà?
- Thế sao ngài ở trong nhà?
Để bắt đầu ra khơi cũng không cần nhiều lắm, có khi chỉ với một cánh buồm. Đại dương vẫn luôn nhiều gió!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét