Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Lỗi lạc hay lên mây?

{By: Nguyễn Thành Nam}

Thời này mà không lên mây “go cloud” để học và dạy, là lỗi lạc, tức là lỗi thời và lạc hậu!

Đó là quan điểm của tôi trong cuộc hội thảo mini tại nhà 1 người bạn ở Mỹ, có mặt trưởng khoa công nghệ (tạm gọi là giáo sư R) và trưởng khoa kinh doanh (giáo sư N) của mấy trường đại học bang (State University) có máu mặt của Mỹ.

R cực lực phản đối. Online chỉ là chiêu dụ sinh viên yếu kém của mấy trường sinh sau đẻ muộn, muốn khác biệt. Như Phoenix ấy, đổ tiền tấn ra quảng cáo, trong khi đáng nhẽ tiền ấy phải vào trường sở, giáo sư để cải thiện chất lượng sinh viên. Giờ đang sa sút.

Coginitive Science (tạm dịch là: khoa học nhận thức) đã chứng minh rằng, chỉ có giao tiếp trực tiếp là cách truyền đạt trí thức tốt nhất. Vả lại không tin được mấy ông sinh viên, vắng mình ra đời nào ông ấy chịu học. Như con tao cũng vậy, suốt ngày đã ôm iPad rồi, phải đến giảng đường chứ.

Tao không biết khoa học nói thế nào, nhưng mày cũng đã phải thừa nhận là thời gian con mày ở trên mạng càng ngày càng nhiều hơn. Sao không lên đấy mà dạy cho nó, mà lại cấm đoán, đi ngược lại với các nguyên tắc sư phạm. Tiếng Việt bọn tao nói: trời không chịu đất thì đất phải chịu trời.

N thận trọng hơn. Tao cũng đã từng nghĩ như mày R ạ.Bọn Phoenix sa sút không phải là vì nó kém đâu. Chẳng qua trước đây chúng nó 1 mình 1 chợ.Bây giờ nhiều trường có tiếng cũng nhảy vào giành thị phần online. Bọn tao đang thử. Mở 2 khóa song song. 1 khóa lên lớp bình thường, 1 khóa online. Nhưng sếp tao cũng không thích online, nên bắt đặt giá online gấp đôi trên giảng đường. Lại còn vẽ đường là nếu chán online quá có thể chuyển ngang sang học trên giảng đường, trả lại tiền.

Bọn mày biết kết quả thế nào không. Chỉ có bọn học trên giảng đường chuyển sang online, không có đứa nào chuyển ngược lại. Quả thật là tao cũng chẳng biết thế nào cả.

Thử gì nữa, làm thôi. Cách đây gần 15 năm, bọn tao cũng đã đứng trước một lựa chọn tương tự: làm báo truyền thống, hay chuyển thẳng sang báo điện tử thuần túy. Bọn tao đã đặt cược vào tương lai và bây giờ VnE là tờ báo lớn nhất Việt nam. Tháng 9 này tao sẽ khai trương một trường "trên mây" tại Việt nam cấp bằng kỹ sư Công nghệ phần mềm. Không cưỡng lại xu hướng được!

Thằng Nam nói đúng đấy, N tiếp lời tôi, nếu online trở thành xu hướng, các trường đại học Bang của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì các trường đó được thiết kế theo khu vực địa lý dân cư. Bây giờ lên mây, xóa nhòa khoảng cách, không khéo chỉ còn vài ba trường tồn tại được. Winner take all. Các trường khác có lẽ đi làm giáo trình thuê… Thê thảm:-(

R tỏ ra bối rối, nhưng cũng không tranh luận tiếp.
Bẵng đi một thời gian, thấy R liên lạc lại:
- Tao suy nghĩ rất nhiều sau buổi tranh luận hôm nọ. Có lẽ bọn tao cũng phải thử, bắt đầu bằng một khóa cao học online về Công nghệ phần mềm, mày thấy thế nào.
- Quá hay ấy chứ, học bọn tao lấy bằng cử nhân xong, sẽ khuyến khích chúng nó lấy bằng cao học của mình. Bọn tao sẽ khai trương vào tháng 10 đấy, có tên rồi www.funix.edu.vn.
- Chúc mừng mày!

Một ngày cuối tháng 8, R gọi, mai tao đến Đà nẵng, có gặp nhau được không? No problem, để tao vào. R tiếp tôi ở sảnh Novotel, gọi Americano. Tôi gạt phắt, đến Đà nẵng phải ra biển, nhậu hải sản.
Thế là chúng tôi ra 4U uống La Rue, ăn mực nướng chém gió về đổi mới giáo dục đại học. R xuất thân lao động, nên rất hiểu sự khát khao học tập của dân Việt nam.

Tôi thì ca ngợi nền giáo dục đại học Mỹ, nhưng quá đắt đỏ và rất ít người có thể chấp nhận được. Chúng tôi cãi nhau về tính thực tế của chương trình. Việc làm hay nền tảng? Và cái gì là nền tảng cần ngay còn cái gì chưa cần thiết, có thể sẽ học sau?

Ngà ngà, R tâm sự: mày cũng chưa hẳn thuyết phục được tao. Nhưng để tao kể cho mày 1 câu chuyện. Bố tao làm nghề thợ khoan (kiểu khoan cắt bê tông ấy). Ở bang tao, nghề này kiếm được lắm. Lương bét ra cũng được 75k(75 ngàn đô)/năm. Trong khi đó lương tiến sĩ Toán chỉ được khoảng 40k. Mày thấy buồn cười không?

Sao mày không mở béng chuyên ngành Khoan trong trường mày? Trớ trêu chính ở chỗ đấy. Trường tao mà mở chuyên ngành Khoan, thì sẽ chỉ đào tạo ra những nhà khoa học Khoan. Vẫn không Khoan được! Thôi chúng mày cứ đào tạo các nhà khoa học Khoan. Bọn tao dạy Khoan, xong lại gửi sang chúng mày kiếm $75k. Có vẻ hợp lý hơn !

Chúng tôi chốt lại, sẽ mở chương trình thạc sĩ CNTT tiếp nối với FUNiX. Online 100% cùng với sự mentor từ Mỹ và Việt nam, các dự án thực tế của học viên tại Việt nam sẽ được tính để bớt thời gian học.

Khóa đầu sẽ có 100 sinh viên cao học. Tôi chém với R như đinh đóng cột sau 1 chai bia nữa, mặc dù FUNiX lúc đó còn chưa ra đời:-)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét