Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

ÔNG ĐẠI SỨ

{By: David Mann “The Ambassador” }
{Người dịch: Kim Chi}

Không có nhiều người nước ngoài hiểu Việt Nam như Ted Osius, từ quê hương Maryland, lần đầu tiên đặt chân Osius tới Việt Nam là năm 1996, nhà ngoại giao trẻ măng tới làm việc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Thời đó Osius vẫn còn đạp xe đạp chạy đi khắp mọi nơi ở Hà Nội, còn có thể thực hành vài câu tiếng Việt với ông hàng nước, bà hàng hoa mà chẳng ai để ý.

“Khi nghe tôi thốt ra mấy câu tiếng Việt, người ở miền Bắc thì bảo tôi nói giọng Nam, còn người ở miền Nam thì bảo tôi nói giọng Bắc. Hồi đó ngoài phố toàn là xe đạp thôi, xe máy chỉ lác đác.”

Osius đi nhiệm kỳ ở Việt Nam lần đầu cũng đúng vào lúc hai nước mở ra quan hệ mới – là mối quan hệ đã mang lại những thành quả đáng ngạc nhiên tưởng không thể nào đạt được trong thời gian hai mươi năm kể từ khi bình thường hóa và cấm vận thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam được dỡ bỏ.

Osius đã trở lại một nơi hoàn toàn khác. Không phải đơn thuần là Việt Nam nay đã thay đổi rất nhiều, mà cũng vì nhà ngoại giao trẻ trung ngày nào nay ở cương vị đại sứ vào thời điểm quan hệ nay nâng lên tầm đối tác toàn diện làm nền tảng cho sự gắn kết chặt chẽ hơn về chính trị, kinh tế và chiến lược mà 20 năm trước đây còn là giấc mộng xa xôi.

Osius nói “Đối với tôi việc được trở lại đây quả là giấc mơ đã thành, tôi biết tiếng Việt lại đã từng làm việc ở đây từ 1996 tới 1998, nên đúng là tôi được trở lại chốn xưa yêu dấu. Được có mặt ở đây vào thời điểm này cũng thật là tuyệt để xây móng cho mối quan hệ mới.”

Mối quan hệ mới này được dựng trên cơ sở chín trụ cột hợp tác trong mọi lĩnh vực từ giáo dục đến môi trường, như đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đề ra từ năm 2013. Osius nói trách nhiệm trong cương vị đại sứ là phải biến những nội dung lớn lao ấy thành hiện thực.

“Tổng thống Obama đã nói với tôi hãy làm cho đối tác này thật sự có ý nghĩa, phải làm sao biến những điều ghi trên giấy thành sự thật. Tôi muốn thấy quan hệ hợp tác ấy sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục, thương mại và kinh tế, về nhân quyền, về an ninh và môi trường, khoa học, công nghệ và y tế. Tôi cho là chúng ta đang xây dựng tầm nhìn chung cho 20 năm tới. Đó không phải chỉ là tầm nhìn của tôi mà còn là tầm nhìn của Việt Nam, đó là tầm nhìn mà chúng ta cùng xây dựng và thực hiện.”

Osius cũng mang tới làn gió mới của thế kỷ 21 cho hoạt động ngoại giao, đặc biệt chú trọng việc kết nối với giới trẻ của Việt Nam thông qua mạng xã hội và thường xuyên nhận các lời mời tới phát biểu tại các trường đại học của Việt Nam. Nỗ lực đó thật bõ công ông đại sứ, chỉ tính từ tháng 12 năm ngoái khi ông bắt đầu lên Facebook, tới giờ ông đã có tới 12 ngàn người theo dõi.

“Cứ nghĩ mà xem, trước đây nào ai dám mơ đại sứ mà lại tương tác trực tiếp được với hàng ngàn bạn trẻ trên Facebook. Ngày nay nhờ internet mà mọi người trở nên rộng mở hơn trong các cuộc thảo luận, công khai hơn trong các liên hệ với nhau và cũng là nơi thể hiện rõ ràng hơn những ước muốn về tương lai.”

Việt Nam là quốc gia mà thái độ trong vấn đề đa dạng về giới vẫn đang còn đang manh nha, Đại sứ Osius nói Việt Nam đã rất tốt với ông, đối với người chồng của ông là Clayton Bond và đối với hai đứa con ông là Tabo, 16 tháng, và Lucy, mới sinh đầu năm nay. “Tôi là đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở vùng Đông Á công khai là người đồng tính. Chỉ cách đây vài năm thôi thì chuyện này khó đấy. Hồi tôi mới vào ngành ngoại giao thì cũng không ai dám hở ra đâu, nhưng ngày nay đã khác nên tôi vừa được có chồng có con mà vẫn được bổ nhiệm đến nơi mà tôi có nhiều kinh nghiệm. Tôi đã được đánh giá trên cơ sở năng lực của mình, khả năng cống hiến của mình, những thành tích tôi đã đạt được từ trước tới nay chứ không phải dựa vào sự phát xét về gia đình tôi. Đó là điều mới và đó cũng là điều thật vô cùng mạnh mẽ.”

Osius cũng muốn gia đình mình hòa với văn hóa Việt Nam với hi vọng là các con ông sẽ tạo dựng sự gắn bó với Việt Nam như ông. “Trong nhà tôi có người Việt giúp các việc cho gia đình nên họ cũng như là người nhà của chúng tôi, họ yêu quý các cháu và gần gũi các cháu nên tiếng Việt là tiếng nói đầu đời của các con tôi làm tôi vô cùng sung sướng.”

Với hành trình 27 năm làm nghề ngoại giao, đã đi nhiệm kỳ tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Jakarta, New Delhi, Bangkok và Manila, việc ông chú trọng vào châu Á là chương trình hành động của đời mình ngay từ khi mới bước vào nghề. “Châu Á là nơi mọi việc đang diễn ra” ông giải thích “ngay từ khi bắt đầu nhận việc tại bộ ngoại giao tôi đã chuẩn bị cho việc phục vụ tại châu Á. Từ đó tới nay tôi chưa bao giờ phải nhìn lại và chưa bao giờ hối tiếc.”

Nhưng Việt Nam, ông nói, sẽ mãi mãi là quê hương thứ hai của ông. “Đối với tôi đây đúng là giấc mơ đã trở thành sự thật. Tôi xiết bao yêu quý đất nước này bởi vì người Việt thật nồng hậu và quý khách. Tôi đã yêu Việt Nam hơn tất cả những nơi mà tôi đã từng được đến làm việc trong các nhiệm kỳ trước đây.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét