{By: Hoàng Minh Châu}
Mặc dù hôm đó, Chelsea chơi rất hay và giành chiến thắng 3:0, nhưng đây không phải là một bài viết về chủ đề bóng đá. Chủ đề của bài viết này là "Kiểm soát đám đông".
Hôm đó có hai sự kiện làm tôi chú ý.
1. Khi trận đấu chưa bắt đầu, tôi thấy cảnh sát đã tiến đến một cổ động viên mặc trang phục của đội Olympiakos, đang ngồi cùng hàng với chúng tôi trên khán đài trung lập. Họ nhắc nhở cổ động viên này, hoặc là đổi vé chuyển đến khán đài dành riêng cho cổ động viên đội khách và ở đó anh có quyền thể hiện sự ủng hộ cuồng nhiệt của mình cho đội Olympiakos; hoặc nếu anh vẫn muốn tiếp tục ngồi ở khán đài trung lập thì nên thay trang phục trung tính, vì sự an toàn của chính anh ta. Cổ động viên này đã nghe theo lời khuyên và mặc áo của đội Olympiakos vào trong áo khoác.
2. Khi trận đấu đang diễn ra, một cổ động viên khác đứng dậy và cổ vũ rất ồn ào cho đội Olympiakos. Cảnh sát đến và nhắc nhở rằng đây không phải khu vực an toàn cho cổ động viên đội khách, nhưng anh ta không nghe. Sau vài tình huống đứng lên hò hét kích động, anh ta đã được cảnh sát, lịch sự nhưng rất kiên quyết, mời ra khỏi sân.
Tôi rất ngạc nhiên: tại sao lại hà khắc với cổ động viên đội khách như vậy?
Anh bạn cùng đi với tôi giải thích: đó là sự thận trọng cần thiết mà cảnh sát phải làm khi muốn tình trạng an ninh của một trận đấu, với hơn bốn chục ngàn khán giả tham gia, luôn ở trong tầm kiểm soát.
Khi có rất nhiều người tụ tập trong một không gian nhỏ, luôn tồn tại những nguy cơ to lớn, vì theo các nghiên cứu về tâm lý đám đông, hành vi tiếp theo của một đám đông là rất khó lường.
Có ba thành phần trong đám đông, tiềm ẩn gây nguy cơ:
1. Là nhóm những người nhút nhát, rất dễ hoảng sợ
Tháng 5/1985, trong trận chung kết cúp C1 châu Âu giữa Liverpool – Juventus diễn ra tại Heysel của Bỉ, chỉ một mảng tường của sân đổ sập, đã khiến cho nhiều khán giả hoảng sợ, tạo ra một sự hỗn loạn. 39 người đã thiệt mạng vì đám đông chen lấn xô đẩy, dẫm lên nhau mà chết.
Trước đó, vào tháng 10/1982, hơn 300 người đã chết sau một vụ chen lấn xô đẩy trong một cầu thang chật hẹp và lạnh lẽo ở trận đấu Spartak-Haarlem tại Matxcova, nhưng truyền thông Liên Xô lúc đó đã che dấu thông tin thiệt hại của sự cố này.
2. Là nhóm những người hung hăng, rất dễ tức giận
Tháng 4/1989, trận đấu được chờ đợi cực kỳ hấp dẫn giữa hai đội bóng đang ở đỉnh cao phong độ, Liverpool-Nottingham Forest tại FA Cup, đã trở thành ngày đen tối của lịch sử bóng đá Anh quốc. Xuất phát từ sự cổ vũ quá cuồng nhiệt của một cổ động viên đội khách, sự xô xát đã xảy ra, bắt đầu từ một vài người, sau đó là cuộc chiến thực sự với sự tham của hàng trăm cổ động viên mỗi bên. Kết quả là 96 người thiệt mạng.
Hooligan của nước Anh nổi tiếng thế giới từ sau vụ bạo động này. Danh sách các hooligan được hình thành và họ bị ngăn chặn đến xem các trận đấu lớn, các giải châu lục và quốc tế.
3. Sự nguy hiểm của nhóm hai được nhân lên bởi nhóm ba: nhóm những người không có chính kiến, không có trách nhiệm. Họ luôn bị cuốn theo hành vi và tâm lý của đám đông, dễ bị kích động, thấy có người hô đập phá thì đập phá, hô cướp thì cướp, hô chém giết thì chém giết. Điều đáng nói là nhóm này thường chiếm đa số.
Ngày nay, đám đông còn là nơi ẩn nấp lý tưởng của bọn khủng bố. Đám đông vừa che dấu chúng, vừa là con tin của chúng. Đây là mối quan tâm to lớn nhất đối với các quốc gia được coi là thù địch với các thế lực khủng bố quốc tế.
Vì thế, các nước phương Tây đều tăng cường hệ thống an ninh khi có đám đông tụ tập. Biểu tình cũng là sự tập hợp của một đám đông, nhưng nguy cơ lớn hơn vì những người tham gia biểu tình thường có xu hướng đang bức xúc.
Mặc dù, trong các nước phương Tây, dân chúng được tự do tổ chức biểu tình ôn hoà, nhưng để cái quyền đó được thực thi trong cuộc sống, hệ thống luật pháp có rất nhiều việc phải làm. Không ai dám đảm bảo, một cuộc biểu tình bắt đầu trong ôn hoà, sẽ không kết thúc trong bạo động, vì hành vi của đám đông, như phân tích ở trên, bị tác động bởi nhiều nguyên nhân, là rất khó lường.
Để hạn chế nguy cơ, hệ thống luật pháp phương Tây đưa ra nhiều biện pháp kết hợp:
1. Hạn chế nguy cơ bằng Luật biểu tình: mỗi cuộc biểu tình đều phải đăng ký trước thông điệp và biểu ngữ, số lượng người tham gia, thời gian bắt đầu và kết thúc, địa điểm và tuyến đường cụ thể. Cảnh sát sẽ can thiệp ngay lập tức khi những hạn chế này bị vi phạm.
2. Tăng cường lực lượng cảnh sát với các nhiệm vụ: chống nguy cơ khủng bố, bảo vệ người tham gia biểu tình và đảm bảo sự ôn hoà của đoàn biểu tình từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc.
3. Người tổ chức biểu tình phải có hiểu biết về luật biểu tình, về quyền và giới hạn của quyền tham gia biểu tình.
4. Giáo dục ý thức, văn hoá của người tham gia biểu tình.
Ở Việt Nam chúng ta, trong thời gian qua đã diễn ra một số cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, hay phản đối chính sách bành trướng Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Nam Hải.
Quốc Hội Việt Nam cũng đang khẩn trương thông qua Luật biểu tình. Tự do biểu tình trong ôn hoà là quyền lợi chính đáng và quan trọng của người dân trong mọi quốc gia dân chủ. Chúng ta cần tôn trọng quyền này.
Nhưng chúng ta cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền này được thực thi, mà không gây ra những hậu quả đáng tiếc. Những người tổ chức biểu tình cũng cần phối hợp với nhà chức trách, tránh xảy ra tình huống nguy hiểm khi một đám đông bị mất kiểm soát.
Và những người có trách nhiệm kiểm soát đám đông, nên được trang bị kiến thức quản lý đám đông một cách bài bản hơn, tránh hành động theo cảm tính gây phản cảm, vì người có nhiệm vụ bảo đảm sự ôn hoà của đám đông, nhưng hành xử thiếu hiểu biết, có thể lại chính là nguyên nhân kích động đám đông nổi giận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét