Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Barack Obama nói chuyện tại đại học Rutgers (7) - phần cuối



{Người dịch: Kim Chi}

------- tiếp theo phần 6 --------

Hãy hỏi họ những câu hỏi thật hóc búa. Phải để họ trong áp lực chịu trách nhiệm giải trình như để đôi chân họ ở trên lửa. Hãy để họ bảo vệ quan điểm của họ. Trường hợp ai đó có những ý tưởng không hay hoặc không phải thì các bạn hãy chứng minh cho họ thấy là họ đã sai.

Hãy tham gia. Hãy tranh luận. Hãy đứng lên bảo vệ những gì mà các bạn tin tưởng là đúng đắn.
Không sợ hãi khi các bạn trực diện với ai đó. Đừng để mình cảm thấy là mình phải bịt tai lại chỉ vì các bạn quá mỏng manh và ai đó có thể xúc phạm tới sự nhậy cảm của mình.

Hãy đối diện với họ nếu họ không có trí khôn và không hiểu được lẽ phải. Hãy thuyết phục bằng lẽ tự nhiên, bằng phân tích đúng sai, bằng từng lời từng chữ. Làm như thế, các bạn sẽ làm cho quan điểm của mình mạnh lên và cũng nhờ đó mà các bạn cũng trau dồi được cho mình kỹ năng tranh luận và kỹ năng làm rõ ý kiến. Cũng có khi trong quá trình ấy các bạn lại học hỏi được điều gì đó rồi nhận ra rằng mình không phải đã biết hết mọi thứ trên đời.

Rồi các bạn lại có nhận thức mới, các bạn sẽ không chỉ nắm vững được quan điểm của đối phương mà có thể là chính các bạn cũng sẽ thấm thía hơn quan điểm của chính mình.
Dù cách nào thì các bạn cuối cùng sẽ thắng. Và điều quan trọng hơn là nền dân chủ của chúng ta sẽ thắng.

Rồi các bạn sẽ thấy bằng những bước đi ấy, các bạn sẽ đem lại sự thay đổi cho thế giới.

Để tiến lên các bạn phải chuẩn bị bản thân sẵn sàng đi trên đường dài. Dù các bạn chọn sự nghiệp nào – làm ăn kinh doanh, việc làm phi lợi nhuận, làm công chức, làm giáo dục, làm y tế, làm nghệ thuật – dù ở lĩnh vực đi nữa rồi các bạn sẽ không tránh khỏi những lúc bị bầm dập.

Các bạn phải sẵn sàng để cũng có lúc phải đương đầu với những kẻ ngốc. Các bạn sẽ bị căng thẳng và bực bội. Rồi các bạn sẽ phải làm việc dưới một vị sếp không phải là người hay ho cho lắm. Các bạn không phải lúc nào cũng đạt được mọi cái mình muốn – có thể là không có được điều đó nhanh như mình tưởng. Nhưng mấu chốt là cứ phải kiên trì trên con đường ấy. Các bạn phải hết sức nhẫn nại và vững tin.

Và thành công, dù chỉ là một thành công nhỏ bé, dù chỉ là thành công không được trọn vẹn, thì thành công vẫn cứ là thành công. Tôi vẫn thường nói với các con tôi rằng được một chút tốt hơn là một chút tốt rồi.

Một chút đó có thể không phải là hoàn hảo, một chút đó chưa có gì là ghê gớm, nhưng một chút đó là cái có còn hơn không.

Ttừng bước nhỏ tạo thành sự tiến bộ – cả trong xã hội lẫn trong cuộc sống của chúng ta. Các bạn đừng mất hi vọng nhất là khi bị dồn vào bức tường. Các bạn đừng mất hi vọng khi phải trực diện với những kẻ mở miệng là chỉ biết nói mỗi chữ không.

Và nhất là đừng để những cái kháng lại mình biến mình thành kẻ yếm thế cay độc. Sự yếm thế và cay độc mới dễ làm sao. Nhưng các bạn có bao giờ thấy những người yếm thế và cay độc đạt được điều gì to lớn trong cuộc đời này chưa.

Người bạn tôi cũng là dân tiểu bang New Jersey đây, tên là Bruce Springsteen, từng hát "họ để cả cuộc đời chờ đợi một khoảnh khắc ôi tiếc thay khoảnh khắc ấy lại chẳng chịu tới." 

Hãy đừng để mình trở thành điều viển vông. 
Hãy đừng lãng phí thời gian chờ đợi cái vô vọng.

Trong lịch sử chúng ta, một thế hệ người Mỹ mới đã vươn lên và uốn cho vòm lịch sử hướng về hướng được tự do hơn, được cơ hội tiến lên nhiều hơn và được nền công lý quang minh hơn. Hôm nay đến lượt các bạn, những sinh viên tốt nghiệp năm 2016, bây giờ là chính các bạn sẽ định hình vận mệnh quốc gia, và chính các bạn sẽ quyết định vận mệnh của mình.

Hãy vững bước vào đời. Hãy chắc chắn là 250 năm trước mắt sẽ tốt đẹp hơn 250 năm vừa qua.

Chúc thượng lộ bình an. Chúc các bạn may mắn.
Chúa phù hộ đất nước chúng ta vô cùng yêu quý.

Xin cám ơn các bạn

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Barack Obama nói chuyện tại đại học Rutgers (6)

{Người dịch: Kim Chi}

----- tiếp theo phần 5 -----

Những phẩm chất đáng trọng nhất của con người như là sự tử tế, lòng cảm thông, sự thành thật và đức tính chăm chỉ có giá trị cao hơn rất nhiều so với khả năng kỹ thuật hoặc trình độ chuyên môn.

Thế nhưng khi các vị lãnh đạo của chúng ta lại tỏ ra chẳng thèm để ý đến thực tế như đang xảy ra, khi mà họ cứ nhai đi nhai lại những điều dối trá mà chẳng phải chịu trách nhiệm gì cả và họ cứ thế dựng lên những chuyện vớ vẩṇ để cố tình bỏ qua các ý kiến của chuyên gia thì quả là chúng ta đang nguy rồi.

Chỉ khi các bạn lên chiếc máy bay rồi, các bạn mới sực nghĩ tới việc không hiểu tay pilot này có khả năng điều khiển máy bay cho ta được chuyến bay an toàn hay không.

Khi người ta bác bỏ thực tế, khi người ta không cần quan tâm tới những điều xác đáng, khi người ta bỏ qua cả khoa học thì đó chính là lúc người ta đang trên đường đi tới suy tàn.

Tôi nhớ tới những lời của Carl Sagan, người từng học trung học tại New Jersey - "Chúng ta có thể đánh giá sự tiến bộ của mình bằng sự can đảm của điều thắc mắc và tầm sâu sắc của câu trả lời và thái độ sẵn sàng chấp nhận sự thật chứ không phải chỉ chấp nhận những điều làm cho người ta được vừa lòng mà thôi."

Chúng ta phải làm cho các vị lãnh đạo và chính bản thân chúng ta phải có trách nhiệm giải trình để biết rằng người ở vị trí lãnh đạo có hiểu điều người ấy đang nói là nghĩa thế nào hay không.

Các bạn hãy có niềm tin vào nền dân chủ. Dân chủ không phải lúc nào cũng xinh như mộng đâu. Nhưng dân chủ phải được gìn giữ và bồi đắp từng chút một, bởi từng người một, bởi từng thế hệ một, chúng ta đã đạt được sự tiến bộ cho nền dân chủ ở đây theo cách đó.

Đó là cách mà chúng ta cấm lao động trẻ em. Đó là cách chúng ta làm sạch không khí và nguồn nước của chúng ta. Đó là cách chúng ta thực hiện các chương trình An sinh xã hội và Chăm sóc y tế giúp cho hàng triệu người già thoát khỏi cảnh sống nghèo khổ.

Không có điều thay đổi nào như thế có thể làm chóng vánh trong một ngày. Tất cả những thay đổi đó là kết quả của nhiều năm tranh đấu, tổ chức và xây dựng liên minh và hiệp thương đi tới thỏa thuận và cũng nhờ những thay đổi trong ý kiến của công chúng. Điều đó diễn ra bởi vì những công dân Mỹ quan tâm đã tham gia vào quá trình chính trị của đất nước.

(còn nữa)

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Barack Obama nói chuyện tại đại học Rutgers (5)

{Người dịch: Kim Chi}

------ tiếp theo phần 4 ------

Các vị tiền bối của chúng ta - Franklin, Madison, Hamilton, Jefferson – thuộc thế hệ Khai sáng. Họ là những vĩ nhân đã tìm lối đi cho người ta thoát khỏi cơn cuồng mê tín dị đoan, chủ nghĩa bè phái và thời xứ quân bộ lạc.

Ông cha chúng ta tin tưởng vào tư duy bằng lẽ phải và tin tưởng làm các thực nghiệm một cách có lý trí và tin tưởng rằng mỗi công dân chỉ cần được cung cấp thông tin xác đáng là đủ khả năng làm chủ vận mệnh của mình.

Tất cả những ước muốn đó được ghi rõ trong hiến pháp của chúng ta. Tinh thần khai sáng đó đã trao cho các nhà phát minh của chúng ta, các nhà thám hiểm của chúng ta niềm tin không tắt vào mục đích cuộc đời họ.

Tinh thần khai sáng đó đã sản sinh cho chúng ta những con người như Edison, Wright Brothers, George Washington Carver, Grace Hopper, Norman Borlaug và Steve Job. Tinh thần đó là dòng máu nuôi dưỡng quốc gia này.

Và hôm nay đây, trong mỗi cái điện thoại di động ở trong túi áo túi quần các bạn ngay lúc này là con đường cho các bạn đến với nguồn thông tin vô hạn, nguồn thông tin khổng lồ hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại, vậy mà các bạn chỉ cần lấy ngón tay chạm nhẹ một cái là đã tới rồi.

Nhưng mỉa mai thay, dòng thác thông tin đó lại không làm cho chúng ta phân biệt được đâu là sự thật. Theo một cách nào đó, thông tin lại làm cho chúng ta trở nên quá tự tin vào sự ngu dốt của bản thân mình.

Chúng ta cứ tưởng như tất cả những điều hiện lên trên mạng là sự thật cả. Chúng ta lướt mạng để tìm những thông tin nhằm củng cố cho định kiến đã có sẵn trong đầu.

Các ý kiến cá nhân được bôi vẽ như là sự thật bất biến. Những mớ lý luận về những âm mưu hoang dại nhất được tung hô như là lời của thánh thần.

Đến bây giờ chắc các bạn cũng hiểu, tôi chắc rằng những điều các bạn học được ở đại học giúp các bạn hiểu được rằng – nếu chưa hiểu thì các bạn cũng sẽ hiểu khi ra đời cũng nhanh thôi – rằng ở ngoài kia chẳng thiếu các bậc cao nhân sách vở đầy mình mà chỉ bị thiếu mỗi một thứ gọi là trí khôn hoặc gọi là cái lẽ thường tình mà thôi.

Tôi nói thật đấy, nếu các bạn chưa từng gặp ai như thế thì cứ đi ra đường là sẽ có dịp gặp ngay. Những vị này có cái đặc biệt là họ in lên trán cho thiên hạ phải trông thấy rõ một xấp bằng cấp này nọ, thế nhưng các bạn chỉ cần nói chuyện gì đó rồi chịu khó nghe họ nói dăm ba câu là các bạn sẽ biết ngay là người này có hiểu được cái điều chính họ đang thốt ra hay không.

(còn nữa)

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Barack Obama nói chuyện tại đại học Rutgers (4)

{Người dịch: Kim Chi}

------ tiếp theo phần 3 -------

Khi các bạn nhìn một vấn đề, chẳng hạn như vấn đề thương mại, thấy rõ là chúng ta đang ở kỷ nguyên của các chuỗi cung cấp hàng hóa toàn cầu, thấy rõ các tầu chở hàng chạy ngày đêm trên các tuyến hàng hải chằng chịt vượt đại dương, thấy cả việc kinh doanh trên mạng làm cho biên giới quốc gia chỉ còn mang ý nghĩa xưa cũ lắm rồi.

Nhiều người cũng lo lắng một cách có lý rằng sự toàn cầu hóa như thế – là một trong những sự thay đổi đang diễn ra mạnh mẽ – thì việc làm bị chuyển ra nước ngoài, rồi các việc kinh doanh toàn cầu như thế làm cho công nhân và doanh nghiệp trong nước bị rơi vào thế bất lợi.

Nhưng giải pháp của vấn đề không thể nào là chấm dứt thương mại với các nước.

Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, ý tưởng đó là bất khả thi. Giải pháp cho chúng ta là phải làm thương mại theo cách đúng đắn, bằng việc thương thảo với các nước để cho các nước đó phải nâng tiêu chuẩn áp dụng cho người lao động ở nước họ, để cho các nước đó phải nâng tiêu chuẩn môi trường ở nước họ, và chúng ta đảm bảo chắc chắn là họ không áp đặt chế độ thuế không công bằng đối với hàng hóa của Mỹ, chúng ta phải đảm bảo chắc chắn họ không ăn cắp tài sản trí tuệ và bản quyền công nghệ Mỹ.

Đó là cách để chúng ta đảm bảo các chuẩn mực quốc tế là phù hợp với các giá trị của chúng ta – bao gồm cả chuẩn mực về nhân quyền. Đó cũng chính là lý do chúng tôi giúp thông qua việc nâng mức lương tối thiểu ở Mỹ. Đó là cách chúng ta giúp cho người làm việc cạnh tranh trên cuộc chơi ngay thẳng và chính trực.

Xây tường chặn sẽ không thực hiện được điều đó đâu. Xây tường chặn sẽ chẳng có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế nước ta và càng không có cả khả năng tăng cường an ninh quốc gia.

Bằng cách cô lập hoặc bôi nhọ để làm ô danh người Hồi giáo, với hàm ý là họ cần phải được đối xử khác khi họ vào nước ta – đó không chỉ là sự phản bội các giá trị của chúng ta – đó không chỉ là sự phản bội đối với chính nhân cách của chúng ta mà nó còn sẽ chia rẽ các cộng đồng người Mỹ ở quốc nội và nó còn chia rẽ các quốc gia đối tác quan trọng nhất của nước Mỹ trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống lại bạo lực cực đoan.

Chỉ cần gợi ý là chúng ta có thể xây tường dài vô hạn trên từng thước đất biên giới quốc gia và đánh đồng những thử thách trước mắt của chúng ta với vấn đề người nhập cư và coi họ là nguyên nhân của khó khăn hiện nay- không những là hành động đi ngược lại với lịch sử chúng ta – là cái nồi lẩu tập hợp người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới về tạo thành hợp chủng quốc – mà còn mâu thuẫn với hành trình phát triển và trái với hướng đi đã mang lại thành công cho nước Mỹ.

Chúng ta được như hôm nay là nhờ vào sự tăng trưởng và trên nền tảng những phát minh khoa học trên động lực vô song là sức hút mạnh mẽ những bàn tay tuyệt vời nhất và những khối óc thông minh nhất của những con người khát khao sáng tạo đã đổ về đây từ mọi ngóc ngách trên trái đất này.

Đó là cách chúng ta trở thành nước Mỹ. Vậy tại sao chúng ta lại muốn chặn đứng hành trình lịch sử ấy vào thời điểm này?

(còn nữa)

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Barack Obama nói chuyện tại đại học Rutgers (3)

{Người dịch: Kim Chi}


Với cương vị Tổng thống, trách nhiệm cao nhất của tôi luôn luôn là sự an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ. Với cương vị công dân, tất cả chúng ta đều đặt tổ quốc lên trên hết.

Nhưng nếu trong hai thập kỷ vừa qua có dạy cho chúng ta điều gì thì bài học rút ra là những thử thách lớn nhất đặt ra cho chúng ta không thể nào giải quyết được bằng sự cô lập.

Khi những quốc gia xa xôi kia bắt đầu tan rã cũng chính là nơi phát sinh ra kẻ khủng bố, là nơi ngoi lên tư tưởng hủy diệt và sự tuyệt vọng đó lại có ngày đáp xuống đất nước ta.

Khi các nước đang phát triển không có hệ thống y tế vận hành hẳn hoi thì những loại bệnh dịch như Zika hoặc Ebola có thể lan ra và đe dọa cả người Mỹ. Vậy xây tường có chặn được việc đó không?

Nếu chúng ta muốn xóa bỏ những chỗ hổng đang được các công ty đa quốc gia và người giàu lợi dụng để trốn thuế, thì chúng ta cần phải được sự hợp tác của các nước khác trong hệ thống tài chính toàn cầu để cùng phối hợp với nhau thực thi luật pháp về tài chính.

Đơn giản là nếu muốn giúp mình thì ta phải giúp người trước đã. Chúng ta không thể nào giúp mình bằng lối cắt cầu với thế giới hoặc bằng cách xây tường bao bọc ta bên trong rồi để thế giới ở bên ngoài.

ENGAGEMENT không chỉ mang nghĩa là cuộc triển khai lực lượng quân sự. Có nhiều khi chúng ta phải có hành động quân sự để bảo vệ chính mình và đồng minh. Chúng ta ngưỡng mộ và ghi công mỗi quân nhân, nam cũng như nữ, trong quân đội của chúng ta, họ đang là những chiến sĩ góp sức, góp tài làm nên sức mạnh của quân đội của chúng ta đứng ở hàng thiện chiến nhất trên thế giới từ trước tới nay.

Nhưng tôi cũng lo ngại nếu chúng ta cho rằng toàn bộ gánh nặng của ENGAGEMENT với thế giới là trách nhiệm của chỉ có trong số 1 phần trăm là những quân nhân tại ngũ, còn ai khác chỉ việc ngồi ngắm sự đời khỏi cần động chân tay làm gì cho mệt.

Không được đâu. Những người lính của chúng ta không sức nào gánh được trên vai tất thảy những gánh nặng ấy.

ENGAGEMENT có nghĩa là chúng ta phải sử dụng tất cả những gì có trong tay để tạo nên sức mạnh của toàn quốc gia trong khi chúng ta phải đồng hành cùng thế giới để làm nên sức mạnh chung của cả thế giới cùng chúng ta đương đầu với những thử thách trước mặt vốn không phải là việc của riêng ai.”

(còn nữa)

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Barack Obama nói chuyện tại đại học Rutgers (2)

{Người dịch: Kim Chi}

..... tiếp theo phần 1 ......

Tôi chỉ có vài gợi ý thế này, hi vọng các bạn cũng thấy hữu ích khi bước vào đời chinh phục thế giới.

Chúng ta hay nghe thấy người ta ca thán nào là ‘thời chúng tôi thế này thế kia’ rồi nữa là ‘cứ như các anh các chị bây giờ thì đổ thóc giống ra mà ăn’, nhưng là một quốc gia vĩ đại chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về lịch sử của mình. Chúng ta được thừa hưởng đất nước như hôm nay là thành quả xây đắp bằng những giọt mồ hôi của công sức lao động và sự dũng cảm đầy hi sinh của bao thế hệ cha ông, lại trải qua mài giũa khó nhọc của thời gian.

Cũng thường tình thôi là vào những lúc có nhiều biến động, không lường trước được tương lai làm cho con người ta thường hay thích thú chiêm ngưỡng những huy hoàng trong tưởng tượng về một thời đã qua.

Thời xưa ấy là khi cái gì cũng hay, điều gì cũng tốt, kinh tế thăng hoa, chính khách như thánh, trẻ con toàn thiên thần và nước Mỹ muốn làm gì thì làm rồi mọi sự trên thế giới thế nào cũng tốt đẹp cả.

Thời xưa ấy là thời nào? Xin nói ngay: chẳng có thời nào như thế đâu.

‘Thời chúng tôi ngày xưa’ - thời ngày xưa không phải lúc nào cũng hay cả. Phải công nhận cũng có những giai đoạn trong lịch sử mà nền kinh tế chúng ta phát triển nhanh hơn nhiều và khi mà guồng máy chính phủ cũng chạy nhịp nhàng hơn.

Cũng có những thời điểm trong lịch sử, chẳng hạn như khi vừa hết chiến tranh thế giới thứ hai, hoặc lúc vừa kết thúc chiến tranh lạnh là những lúc mà thế giới dễ ngả theo ý chí của chúng ta hơn. Nhưng đó chỉ là những mảnh rời rạc, những thời khắc thật nhanh, những đoạn rất là ngắn.

Thực sự là dù đánh giá ở góc độ nào nào thì so với 50 năm trước đây, hoặc 30 năm trước đây, hoặc chỉ cần so với tám năm trước thôi thì nước Mỹ ngày nay vẫn là quốc gia tốt đẹp hơn nhiều và thế giới ngày nay cũng là thế giới tốt đẹp hơn nhiều so với trước đây.

Nước Mỹ ngày nay là quốc gia tốt đẹp hơn và thế giới cũng tốt đẹp hơn so với khi tôi tốt nghiệp đại học. Tôi được chứng kiến sự sụp đổ của tấm màn thép và sự lụi tàn của chế độ phân biệt chủng tộc. Nền dân chủ ngày nay đang tỏa rộng hơn.

Chúng ta hầu như đã chấm dứt được một số bệnh dịch nguy hiểm như là bệnh bại liệt. Chúng ta xóa dần sự nghèo đói. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cũng giảm mạnh. Nhưng tôi không kể ra thế để các bạn tự mãn đâu. Chúng ta vẫn còn vô số vấn đề lớn phải giải quyết.

Sự thay đổi là dòng chảy không bao giờ ngừng trong lịch sử chúng ta. Cội nguồn sâu xa làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ là chúng ta không bao giờ nhâm nhi vuốt ve quá khứ và cũng không bao giờ nhụt chí, không bao giờ lùi bước trước tương lai.

Chúng ta nắm lấy tương lai và biến tương lai thành cuộc đời mình. Đó cũng chính là lý do mà người trẻ như các bạn hôm nay đang làm thay đổi tất cả – bởi vì các bạn không bao giờ nhụt chí, các bạn không bao giờ lùi bước trước tương lai.

Thế giới hôm nay cũng kết nối chưa từng thấy. Mỗi ngày chúng ta càng thấy rõ sự kết nối ấy càng trở nên hiện hữu hơn và gắn kết hơn. Sự tương tác cũng trở nên nhiều chiều hơn đưa tới những tác động sâu xa hơn và rộng rãi hơn.

Không ai bây giờ còn có thể tồn tại bằng tư duy xây tường ngăn chặn được nữa vì tất cả những cố gắng mông muội ấy sẽ không thay đổi được dòng kết nối mạnh mẽ như thác đổ đang diễn ra ở khắp mọi nơi.

(còn nữa)

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Barack Obama nói chuyện tại đại học Rutgers (1)

{Người dịch: Kim Chi}

Nhân dịp TT Barak Obama thăm chính thức Việt Nam, chị Kim Chi đã dịch và giới thiệu bài phát biểu của ông tại ĐH Rutgers ngày 15/5/2016. Bản dịch gần như đầy đủ, có một số phần lược dịch.

Hello Rutgers!

Một trong những bổng lộc trong công việc của tôi là được trao bằng danh dự. Nhưng phải nói thật nhé, treo mấy bằng này lên không làm tôi tăng được điểm nào ở nhà cả, bây giờ Malia và Sasha chỉ bảo ‘OK bố được bằng rồi nhé, bây giờ chúng con cũng phải lên đường đi lấy bằng đây. Chào bố mẹ, xin hẹn gặp lại - á quên bố mẹ cho con xin ít tiền nữa ạ?’

Tôi có mặt ở đây hôm nay vì được các bạn mời. Thật tình, tôi nhận được rất nhiều lời mời. Nào là để khai giảng, nào là để nói chuyện với sinh viên tốt nghiệp, có tới cả ngàn lời mời chứ không ít gì. Nhưng trường đây là nơi duy nhất đã phát động chiến dịch mời Tổng thống trong ba năm liền bằng mọi phương tiện khiến tôi phải để ý. Bao nhiêu là emails, thư từ, tin tweets, làm clip của các bạn đăng lên YouTube chỉ để mời tôi tới trường.

Tôi còn nhận được cả ba lá thư do bà ngoại của một sinh viên gửi cho tôi đề đạt nguyện vọng. Cuối cùng chính vì mấy cái thư viết tay của bà cụ mà tôi nhận lời đấy. Tôi cứng ở đâu thì cứng, chứ bà đã bảo là cứ phải nhũn như con chi chi. Chỉ riêng việc các bạn biết khai thác sức mạnh của bà ngoại chứng tỏ các bạn thuộc hạng thượng thặng rồi.

Hôm nay các bạn đang sánh vai cùng các Hiệp sĩ Scarlet Knight truyền thống với sức mạnh vô song và tinh hoa trí tuệ đã đưa tên tuổi của đại học này lên đỉnh cao mà những người sáng lập đã khó mà tưởng tượng nổi.

Cách đây hai trăm năm mươi năm, khi nước Mỹ mới chỉ manh nha là một ý tưởng, Tổng đốc Hoàng gia lúc đó là con trai của Ben Franklin đã ban lệnh thành lập trường Đại học Queen's College. Chỉ sau đó vài năm, một số sinh viên đầu tiên đã ngồi học ở nơi vốn là quán rượu được cải tạo thành giảng đường. Và từ nơi rượu chè ấy mà trường đại học Rutgers đã vươn lên trở thành trường đại học có các viện nghiên cứu đứng hàng đầu nước Mỹ.

Đây là nơi đã phát minh ra công nghệ 3D làm bàn tay giả cho trẻ em tật nguyền, đã lấy bằng sáng chế vật liệu làm mái nhà tự động nạp năng lượng mặt trời đủ cấp điện cho tòa nhà bằng nguồn năng lượng sạch và cũng là nguồn năng lượng tái sinh nhờ ánh nắng.

Mỗi ngày trên sân trường này có hàng vạn bạn trẻ đang hòa mình vào cái nồi lẩu vĩ đại tập hợp trí tuệ phong phú và vốn sống văn hóa đa dạng có lẽ là nơi hội tụ đặc sắc nhất của đời sống sinh viên Mỹ.

Ở thành phố New Brunswick đây, trên lớp các bạn có thể tranh luận triết học với bạn học là người Nam Á, rồi trên xe buýt tới trường lại có thể nói chuyện với một bạn Mỹ là con gia đình người Mỹ La tinh thế hệ đầu tiên ở Mỹ, rồi vào trường dự nhóm thực hành kiến thức về tâm lý học với một cựu chiến binh vốn là sinh viên thời ban bố đạo luật chống khủng bố - the Post-9/11 GI Bill.

Nơi đây chính là bức tranh Mỹ. Trên mọi phương diện, lịch sử của đại học phản ánh sự tiến hóa của nước Mỹ – con đường quốc gia đã trải qua để trở nên vĩ đại hơn, hùng cường hơn, một đất nước giàu có hơn và năng động hơn và quan trọng nhất là chúng ta đã trở thành một dân tộc nhân ái hơn và rộng mở hơn.

Nhưng tiến bộ của Mỹ không bao giờ là một hành trình trôi chảy và vững chãi. Tiến bộ không bao giờ là một con đường kẻ vạch thẳng tắp. Tiến bộ cũng nghiêng ngả và chòng chành trong giông bão. Tiến bộ ở Mỹ thật gian nan và đầy biến động và cũng có khi đẫm máu. Tiến bộ nơi đây cũng vẫn là hành trình thăng trầm và không tránh khỏi những lúc người ta cảm thấy dường như để ghi được hai bước tiến lên thì ta phải chấp nhận lùi lại một bước đã.

Nghe thấy đúng là đời sinh viên của ai mà chẳng phải thế, đời sinh viên của tôi cũng có khác gì đâu. Nhưng nếu đem những tiến bộ đo với lịch sử loài người thì nước Mỹ vẫn là một quốc gia non trẻ – còn xuân xanh hơn cả tuổi đời của đại học này đấy.

Tiến bộ là con đường đầy ổ gà như bao đời vẫn thế. May sao trên con đường đó, chúng ta có những kẻ dám ước mơ và dám làm điều gì mới mẻ, những kẻ dám dấn thân, những người hoạt động xã hội nhiệt thành, và những người đó đã in dấu ấn trong lịch sử.

Tôi rất thích câu này của Dr. Martin Luther King, Jr. rằng "Cái vòm cao xa của thiên hà luân lý là vô tận, nhưng nó luôn cong về hướng công lý."

Tôi cũng tin rằng cái vòm cao của dân tộc ta, cái vòm cao của thế giới không chỉ hướng tới công lý hoặc tự do hoặc bình đẳng hoặc sự hưng thịnh của chính nó. Cái vòm ấy lệ thuộc vào chúng ta, vào sự lựa chọn của chúng ta, nhất là vào những thời điểm trong lịch sử khi đang diễn ra những thay đổi lớn lao khi tất cả mọi điều tưởng như đều đang ở tầm tay ta cả.

Các bạn tốt nghiệp hôm nay vào năm 2016 này chính là thời khắc như thế. Từ lúc mở ra thế kỷ này, chúng ta đã chứng kiến nhiều kinh hoàng nào là tấn công khủng bố, nào là chiến tranh trên nền một cuộc Suy thoái Lớn.

Chúng ta chứng kiến những chuyển biến về kinh tế, kỹ thuật và văn hóa đang làm thay đổi tận gốc cách chúng ta làm việc, cách chúng ta giao tiếp, cách chúng ta sống và cách chúng ta tạo lập cho mình một gia đình. Tốc độ thay đổi không hề chậm lại mà mỗi ngày mỗi nhanh hơn. Những thay đổi không chỉ cho chúng ta cơ hội lớn lao mà cũng mở ra những hiểm nguy ghê gớm.

May mắn sao, thế hệ các bạn được trang bị tất cả để vững bước đưa quốc gia tới tương lai tươi sáng hơn. Tôi tin rằng các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn đúng đắn – không sợ hãi, không chia rẽ, không tê liệt mà hướng tới sự hợp tác cùng nhau phát kiến và cùng chung niềm hi vọng.

Tôi tin như thế vì tính đổ đồng thì thế hệ các bạn thông minh hơn chúng tôi, được giáo dục tốt hơn chúng tôi - nhưng phải nói là thế hệ chúng tôi viết hay hơn vì chúng tôi dùng bút với mực nên còn phải vò đầu bứt tai một hồi mới viết ra một câu, một chữ cho đúng cho chuẩn, chứ không như bây giờ chỉ bấm bấm nhanh như điện thế đâu.

Các bạn cũng hơn chúng tôi là thế giới mở ra trước các bạn cũng rộng rãi hơn, các bạn được chiêm nghiệm văn hóa của các dân tộc phong phú hơn nên các bạn cũng trở thành những con người nhiều màu sắc và đa dạng hơn. Các bạn nhận thức rõ hơn về môi trường. Các bạn có sự thông thái của thời hiện đại và có hoài nghi lành mạnh về xung quanh.

Các bạn có phương tiện để lãnh đạo, nhưng tôi sẽ không ở đây để chỉ bảo rằng các bạn phải làm gì để thế giới này được tốt hơn. Tự các bạn sẽ phải nghĩ ra cách mà làm thôi.

Các bạn nhìn mọi điều với con mắt tươi trẻ, không bị ám ảnh bởi định kiến, không bị che mắt bởi các điểm mù và không bị trì trệ và không dễ cáu kỉnh bất an như cha mẹ, ông bà và những người đầu óc đã già như tôi."

(còn nữa)

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Một vùng đất nước

{By: Khúc Trung Kiên}

Ba ngày nghỉ, lượn được một vòng qua mấy địa điểm nổi tiếng của Thanh Hoá. Một tỉnh khá đặc biệt: có diện tích thuộc hàng rộng nhất nước, có núi, có biển, có biên giới, có đảo và có cả một dòng sông gần như nằm trọn vẹn ở Việt Nam, gần trọn trong tỉnh: sông Mã.

1. Suối cá thần. Thuộc huyện miền núi Cẩm Thuỷ, gần sát biên giới Việt - Lào. Những câu chuyện tâm linh truyền miệng có tính linh thiêng đã giúp bảo vệ đàn cá ở con suối chảy từ hang núi. Việc khai thác du lịch không thật tốt tiềm ẩn nguy cơ cho đàn cá, không bị bắt ăn thịt nhưng môi trường sống của chúng có thể bị ô nhiễm.



2. Thành nhà Hồ. Cách thành phố Thanh Hoá khoảng gần 50km, là một công trình kiến trúc đá. Nhiều phần còn khá nguyên vẹn. Hầu như không có dịch vụ gì đáng kể, bù lại cảm giác ở đây rất dễ chịu, thoáng đãng. Có lẽ khi xây dựng thành Hồ Quý Ly đã tính toán rất kỹ về phong thuỷ.



3. Biển Hải Hoà, Tĩnh Gia. Là điểm gần như cuối cùng về phía nam của Thanh Hoá. Cũng phải đi thực tế ra thăm biển xem thế nào, dù đây là vùng biển về phía bắc và cách xa điểm nóng Hà Tĩnh. Biển vẫn đẹp, hải sản vẫn nhiều, cứ ăn thôi. Đồ ăn ở Hà Nội cũng chả chắc gì an toàn hơn.


Việc ngăn chặn, kiểm soát những nguồn thải công nghiệp độc hại là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, còn một nguồn ô nhiễm lớn hơn vẫn đang vận hành hết cỡ, có khả năng sẽ huỷ diệt cả biển lẫn rừng: rác sinh hoạt, thuốc hoá học, khai thác kiểu tận diệt, thái độ và hành vi thiếu trách nhiệm của con người. Loanh quanh thế mà cũng gần 500km.

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2016

Điều gì là khó?

{By: Khúc Trung Kiên}

Cha mẹ dạy con điều gì là khó nhất? Toán, ngoại ngữ, văn học, lịch sử, bơi hay các kỹ năng mềm? Những điều đó có thể khó, có thể dễ phụ thuộc vào từng đứa trẻ, từng gia đình và kỹ năng của bố mẹ.

Nhưng ở ta nói chung, những điều sau đây theo tôi là khó nhất cho mọi trường hợp, mọi gia đình:

- Ý thức tuân thủ luật pháp, tôn trọng khác biệt
- Tư duy tích cực, lạc quan, tin ở con người
- Khả năng thoả hiệp trong xử lý mâu thuẫn

Là những thứ gần như ngược lại với môi trường sống mà bọn trẻ vẫn phải tiếp xúc hàng ngày. Dạy chúng thật là khó. Dù sao vẫn phải làm thôi.

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

TIN VÀO NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP

{By: Hoàng Minh Châu}

Chúng ta đều tin, Đất nước sẽ có một tương lai tươi sáng. Vì thế, dù còn rất nhiều vấn đề, nhưng chắc chắn, Việt Nam cũng có không ít điểm sáng. Thành tựu của Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, tuy thấp hơn cái chúng ta kỳ vọng, nhưng có lẽ, vẫn nhiều hơn những gì mỗi người được biết!

Tháng trước, tôi có dịp quay lại thành phố Quy Nhơn sau 7 năm 4 tháng. Tôi gần như không nhận ra thành phố cũ. Rất nhiều thay đổi tích cực đã diễn ra. Quy Nhơn mới, với đường biển dài và đẹp, ôm quanh thành phố, tạo thành hình bán nguyệt duyên dáng, nước xanh trong và bờ cát mịn.

Chính quyền ở đây đã không cắt nát bờ biển để kêu gọi các dự án đầu tư, như nhiều nơi khác. Họ đã giữ bờ biển nguyên sơ cho các bãi tắm công cộng toàn dân. Đến Quy Nhơn, bạn có thể tắm biển ngay ở những bãi tắm gần khách sạn của bạn mà không phải đi xa. Không khí trong lành. Đường phố khá sạch sẽ.

Một bác tài taxi hay chuyện, đã kể cho tôi nghe về những thay đổi của thành phố này trong mấy năm qua. Bác nói: "Bờ biển lúc này rất sạch. Đồ ăn ngon và rẻ. Bây giờ khách du lịch ngày một đông hơn. Khách Sài Gòn, khách Hà Nội đến đây rất nhiều. Cả khách quốc tế nữa. Cuộc sống của người dân cũng khá hơn".

Mặc dù yêu mến và có không ít kỷ niệm với thành phố này, nhưng tôi hoàn toàn không biết gì về những thay đổi ở đây trong mấy năm qua. Tôi thấy mình ngỡ ngàng, giống như một bác Việt kiều về thăm quê năm ngoái, sau 40 năm xa cách. Bác nói: "Ở nước ngoài nghe toàn chuyện xấu trong nước, tới mức sợ không dám về.

Nhưng quê hương dễ gì bỏ được, đành nhắm mắt đưa chân, liều về một chuyến. Về rồi mới thấy không phải như thế. Tôi đã rất ngạc nhiên với những thay đổi của Sài Gòn. Đường xá rộng lớn hơn. Nhà cửa to đẹp hơn. Bà con cũng sống tốt hơn. Trong suy nghĩ của chúng tôi là họ đang thất nghiệp, đang ăn bo bo và ở trong những ngôi nhà nát như ngày xưa". Rồi bác hỏi tôi: "Tuy là trong nước còn nhiều vấn đề, nhưng cũng có nhiều thành tựu đáng trân trọng. Vì sao báo chí không thông tin đến bà con kiều bào ở nước ngoài"?

Tôi không biết trả lời sao. Tôi nhớ, mình có đọc mấy bài, trên một số tờ báo lớn, giới thiệu các thành tựu của Đất nước "sau ba mươi năm đổi mới". Nhưng có lẽ bây giờ ít người đọc các bài báo này. Ở nước ngoài chắc còn ít hơn. Nếu có đọc thì cũng cho rằng đó là những bài báo tô hồng. Những tin tức về các vấn đề tiêu cực luôn có rất nhiều độc giả quan tâm.

Làm sao để có thể thông tin trung thực, không chỉ là các vấn đề tiêu cực, mà cả về những thành tựu, về những tấm gương "người tốt việc tốt", đến mọi người, trong hoàn cảnh thiếu niềm tin vào những điều tốt đẹp như hiện nay?

Có lẽ, đây là thách thức to lớn của hơn 800 cơ quan báo chí, 60-70 đài truyền hình, hơn 200 tờ báo mạng của Việt Nam? Làm sao để người Việt Nam, còn sống là còn tin vào những điều tốt đẹp?

"Người không tin vào điều thiện, sẽ không có khả năng chiến thắng cái ác" - Khuyết Danh

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Cuộc sống có thể có bất công

{By: Khúc Trung Kiên}

Gái lớn học foundation bên Úc. Kết quả cuối cùng được lấy theo 5 (hoặc 6 - không nhớ chính xác) môn có điểm cao nhất, là đầu vào để đăng ký vào đại học. Có môn con học tốt và kết quả trong năm là cao nhất trong các môn học.

Thi hết môn cũng rất tự tin, chắc là kết quả sẽ tốt. Hôm báo điểm: bài thi bị vi phạm nguyên tắc copyright, 0 điểm. Có phần trích dẫn trong sách giáo khoa nhưng ghi chú không đầy đủ. Đó là một cú sốc lớn.

Chắc đã khóc nhiều lắm, khi skype với ba cũng còn khóc. Rõ ràng con gái cảm thấy bất công vì đã cố gắng, học tập nghiêm túc (tuy không phải rất chăm) và cũng có năng lực môn học đó.

Đây là tình huống khó. Tôi biết rõ nhưng không dễ dàng để giúp con hiểu và chấp nhận thực tế là cuộc sống, tại một thời điểm/tình huống cụ thể thường không công bằng. Mọi việc sau đó vẫn ổn, bỏ mất môn tốt nhất nhưng điểm các môn khác vẫn đủ để vào những trường hàng đầu ở Úc.

Cái hay là con gái học được những bài học lớn:

1. Cuộc sống không phải lúc nào cũng công bằng, muốn hay không cũng phải học cách chấp nhận. Nếu chủ động chấp nhận thì bất công cũng giảm đi và chỉ mang tính thời điểm.

2. Luôn có thể gặp những rủi ro, đó cũng là một dạng bất công. Nhưng nếu ta có phòng ngừa tốt, có những cố gắng để hạn chế hậu quả thì đối mặt với rủi ro dễ dàng hơn.

Gần đây, gái nhỏ cũng gặp một tình huống gần như vậy. Cũng khóc & buồn. Chỉ làm được một việc là động viên con. Ai cũng cố gắng hướng đến những điều tốt đẹp, nhưng đôi khi chúng lại ẩn đằng sau những chuyện không mong muốn. Cần biết chấp nhận.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Dân mình là ai? (3) - Huy Hoàng

{By: Nguyễn Thành Nam}

Nhân ngày Thống nhất. Tiện chủ đề đang trao đổi với Ngô Bảo Châu: nước mình-dân mình. Nước mình ở đâu thì rõ rồi, có mốc chủ quyền có sổ đỏ, và một số đất, đảo… đang tranh chấp. Còn dân mình là ai? 

Huy Hoàng

Tháng 6/2015, tôi quay trở lại Nigeria. Lagos đón tôi và cả đoàn thật yên bình! Chẳng bù cho lần đầu tiên cách đây gần 4 năm. Lo nơm nớp. Naira đã vượt mức 200 một $US nhưng giá cả thị trường vẫn ổn định. Tổng thống cũ Goodluck Jonathan đã chấp nhận kết quả bầu cử mới. 

Khách sạn Oriental, Lekki, nơi tôi ở, hồi đó vẫn còn đang là công trình ngổn ngang. Buổi sáng không có tiếng chim kêu chích chích lãng mạn. Chỉ nghe tiếng rì rầm của máy lạnh trong khách sạn tiện nghi do những người Trung quốc xây dưng. 

Điện thoại reo! Anh Nam à, em đây. Em sang đón anh đi uống bia Star nhé.

Thật không thể tin được. Là Hoàng. Một trong những nhân viên đầu tiên và là người nằm lỳ nhất của FPT tại Nigeria. Về nước, mỗi người một nơi, cũng chẳng mấy khi gặp. Không ngờ lại gặp em ở đây. 

Sau khi hợp tác với FPT đổ vỡ, bác đối tác mời riêng em anh ạ. Em cũng suy nghĩ mãi. Lúc đó lại mới lấy vợ, nên quyết đi xây dựng sự nghiệp nuôi vợ con. Có ông anh họ, biết em sang nằm vùng bên này, cũng đang bàn đánh một số mặt hàng. Anh biết rồi, ở đây nhiều cơ hội lắm.

Tôi im lặng nghe em kể. Mừng cho em. Vậy là cũng có 1 kỹ sư CNTT ở lại, một hạt giống nảy mầm, sau chuyến phiêu lưu của chúng tôi. Tự dưng nhớ câu chuyện Minh Đen tâm sự: đi cùng đợt với em hồi đó, có một chị nhà buôn quần áo ở Đông Xuân, khét tiếng. Tiền bạc, kinh nghiệm đầy mình. Sau 6 tháng, chị ấy chịu không nổi bật bãi, còn lại mỗi em dựng nên cả thị trường này.

Có chút chạnh lòng. Thấy mình giống như bà chị Đồng Xuân nọ. 
Có tất cả, mà không làm được gì. 

Hoàng hoàn toàn không nổi bật trong đội chúng tôi. Em đi trong chuyến đầu tiên và ngay lập tức chấp nhận ở lại đất nước xa lạ, nhẹ nhàng. Đi làm về, tưới rau, nấu cơm, rửa bát, em chui vào phòng “tự kỷ”, ít khi tham gia chém gió. Một chút kỷ niệm tặng em – người FPT duy nhất trụ lại được Nigeria.

Tối thứ 7 đó Hoàng là superman lái xe đưa tôi và Vui ra bãi biển. Một đám đánh nhau. Hoàng điềm nhiên chụp ảnh. Bọn chúng xông vào giật máy ảnh. Anh ôn tồn giải thích: tao chụp hoàng hôn, bọn mày ngu tối làm sao mà hiểu được. Chúng đòi xem. Anh mở cho chúng xem, xóa mấy cái rồi bỏ máy ảnh vào túi đi thẳng. 

Đêm, ăn uống hoang tàng ở Imperal Chinese về, có mấy chú cảnh sát ra chiếu đèn, anh đâm thẳng vào. Chúng sợ quá, nhảy sang bên. 

Sao đâm tao? Chúng mày bảo tao đứng giữa đường để tắc đường à, ngu thế! 
Bằng lái đâu? Để nhà! Phạt 5 ngàn Naira! 

Mặc cả 3 ngàn, lúc đưa anh bớt lại 1 ngàn. Bảo cho bọn nó thế là quá nhiều rồi. 

Chủ nhật mới kinh, đi Lekki Reserve. Lại gặp cảnh sát. Lần này ở trên đường cao tốc. Tưởng hôm qua Hoàng rút kinh nghiệm. Hóa ra hôm nay vẫn không mang bằng lái. Thì ra anh bảo để bằng lái ở nhà là để ở Việt nam. Và ở Việt nam anh cũng chưa lái xe bao giờ. Thảo nào hôm qua cứ đòi đâm vào cảnh sát.

Lái xe không bằng trên đường cao tốc. Tội to, thiệt hại lớn. Anh bảo thì cũng như thuê taxi chứ có gì mà lăn tăn. Bù lại chúng tôi được chiêm ngưỡng rừng châu Phi, ăn eba với peper sup, nghe chim kêu vượn hú và ngắm đại bàng Nigeria bay lượn. Cũng đáng!

Tôi thích những con đường châu Phi! Kapuscinski viết trong cuốn “Gỗ mun” rằng, với người châu Phi, thời gian không tồn tại độc lập, không làm chủ con người. Ngược lại họ làm chủ thời gian. Thay vì 8h phải đến họp, họ bảo, bao giờ có người đến thì sẽ họp. Các con đường châu Phi cũng vậy. 

Cao tốc cũng như đường làng. Không có cột cây số, cũng chẳng cần biển báo. Đi mãi, đi mãi, hun hút đường. Thấy Google bảo chỉ có 35km, vậy mà đồng hồ xe đo gần 90km vẫn chưa tới.
Hỏi Lekki Reserve ở đâu, ai cũng chỉ cứ đi tiếp. Mãi thấy một chỗ có hồ nước rất đẹp, mặc dù có tên khác, chúng tôi vẫn quyết định dừng lại và gọi đây là Lekki Reserve. Thế là đến nơi.

Con đường hoang vắng chạy trong hoàng hôn. Giữa những cánh đồng cỏ và rừng dừa. Đây đó, những đám lửa cháy, mờ khói. Quanh mỗi đám cháy, không hiểu sao có những đàn cò trắng muốt đứng suy tư. Trên một cái đầm xa xa, 3 người da đen đang chèo một con thuyền độc mộc. 

Ở dưới cái đầm đó, chắc chắn có cá sấu.
Hoàng khẳng định. Cứ coi là như vậy đi. Ở đây là châu Phi mà Hoàng! 

Chúc em thành công nuôi vợ khỏe con khôn:-)



Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Dân mình là ai? (2) - Anh Hài

{By: Nguyễn Thành Nam}

Nhân ngày Thống nhất. Tiện chủ đề đang trao đổi với Ngô Bảo Châu: nước mình-dân mình. Nước mình ở đâu thì rõ rồi, có mốc chủ quyền có sổ đỏ, và một số đất, đảo… đang tranh chấp. Còn dân mình là ai? 

Anh Hài

Anh tên Hài, nhập đội muộn một chút. Với vai trò thợ xây. So với dàn lập trình viên, sale, manager, leaders… thì thật là nhỏ bé. Mà vóc dáng anh cũng nhỏ thật.

Ngay ngày đầu tiên, anh rủ tôi đi xem mấy công trường đang xây chung quanh, lay lay mấy cái giàn giáo cao lênh khênh lắp bằng tre, sờ sờ mấy viên gạch rỗng, kết luận mấy chuyện xây nhà ở đây là nhỏ, có lẽ anh em mình nên bàn cách lùa mấy con gà hoang này vềcắt tiết cải thiện :)

Tối hai anh em ra sân ngồi hút thuốc tán phét, Hài kể, cứ tưởng Nigeria thế nào, hóa ra quá dễ chịu. Hồi em ở Libya nóng thôi rồi. Mà không hiểu sao cát nóng bỏng mà họ lại trồng được cam bạt ngàn, ngọt lự anh ạ. Khề khà, anh kể tiếp những phiêu lưu đời mình, nấu bếp ở Đông Âu, trồng cam ở Ả rập. Rồi những ngày làm công trên các hòn đảo của Polinesia,ngắm phụ nữ thổ dân thỗn thện. Người đàn ông nhỏ bé này thực sự là một công dân toàn cầu.

Tôi băn khoăn, em đã gần 50, sao vẫn còn phải lang thang kiếm sống vậy. Không đâu anh, ở quê, em có đội xây dựng, làm ăn cũng được.  Các cháu đang học đại học, giỏi giang, ngoan ngoãn. Có điều máu giang hồ trong người cứ sục sôi. Nên khi có thằng cháu quen bảo FPT đang tuyển người sang châu Phi, em đâm đơn liền.

Từ ngày có Hài, căn nhà chúng tôi trở nên gọn ghẽ hơn. Ống nước thôi rò rỉ, ổ điện tém gọn gàng, sân gạch thêm phẳng, luống rau thêm tươi. Vui nhất là chị em. Số là nước ở đó toàn bơm từ giếng lên, mấy cái màng lọc trông bẩn bẩn, chị em sợ không dám tắm. Trong nhà có mấy cái máy điều hòa hỏng , chảy nước tong tỏng, không hiểu Hài làm thế nào mà máy lại hỏng thêm, nước chảy ồ ồ. Chị em kê xô hứng, mỗi ngày cũng được mấy chục lít “nước sạch”, chịu khó thì cũng tắm ổn.

Khi có khủng hoảng, bên đối tác bảo chỉ giữ lại 5 trong số 37 thành viên. Hài là người đầu tiên trong danh sách. Bác đối tác ca cẩm: “sao tất cả chúng mày không được như thằng Hài này”!

Về nước, anh một mực mời chúng tôi về nhà chơi. Quê anh ở Thái Bình, gần bãi biển Đồng Châu, gắn với tôi thời thơ ấu. Chúng tôi làm một con lợn sữa, lòng, tiết canh, quay.. rượu mềm môi. Hài bảo, anh em ăn mạnh dạn, đừng lo, con lợn này ở đây chỉ 200 ngàn thôi. Tôi giật mình, ủa, lợn bị tai xanh hay sao mà rẻ vậy. Không phải anh ơi, bà con trong vùng này nuôi lợn sữa để xuất khẩu sang Thụy Điển. Họ chỉ nhận những con nào da trơn bóng, không có sẹo siếc gì. Con nào chẳng may hay cọ chuồng bị loại, dân bán rất rẻ. 

Mẹ kiếp, hóa ra mấy con lợn sữa quay mà mình ăn trong các khách sạn Hà nội toàn là lợn bị sẹoJ Mà đùa thế thôi, lợn sẹo thì ảnh hưởng quái gì đến lòng lợn tiết canh.

Ra về, chúng tôi khen, ở đây thật thư giãn. Tưởng Hài sẽ đãi bôi, nói Hà nội các anh này nọ, nào ngờ chú thẳng toẹt: vâng anh, xét về chất lượng cuộc sống, chắc chắn quê bọn em hơn Hà nội các anhJ
Thế đấy, ở châu Phi anh cũng hơn, về Việt nam anh cũng hơn! 

Nụ cười "chất lượng cuộc sống", hơn đứt bọn anh rồi:-)





Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016

Dân mình là ai? (1) - Minh Đen

{By: Nguyễn Thành Nam}

Nhân ngày Thống nhất. Tiện chủ đề đang trao đổi với Ngô Bảo Châu: nước mình-dân mình. Nước mình ở đâu thì rõ rồi, có mốc chủ quyền có sổ đỏ, và một số đất, đảo… đang tranh chấp. Còn dân mình là ai? 

Không biết, đành xin kể về 3 đại diện cho “dân mình” mà tôi tình cờ được gặp, trong chuyến phiêu lưu sang Nigeria năm 2012. Đoàn chúng tôi được coi là tinh túy cả về trí thức lẫn bản lĩnh, dám sang châu Phi lập nghiệp. Vậy mà, giữa những tiến sĩ Đức, thạc sĩ Pháp và các chuyên gia CNTT, họ-3 nhân vật nọ vẫn nổi lên rực rỡ và mang lại cho tôi những bài học đời thật sâu sắc.

Minh đen

Tôi lúng túng thực sự, làm sao đối tác có thể lại tức giận như vậy được. Ông ta đi lại trong phòng gầm lên như một con thú bị thương: Nam, mày giết tao rồi.  Chắc chắn tôi đã làm gì đó rất sai. Anh em đang vô cùng hoang mang, thậm chí hoảng sợ.

Tôi nhấc điện thoại: Minh, anh em mình đi uống bia, anh có việc hỏi em một chút. Sau khi nghe tôi kể, Minh bảo:  Em rất cảm động vì anh là một lãnh đạo cao cấp mà lại đi hỏi ý kiến dân đen như em. Nhưng chắc anh sai vì đã viện hợp đồng và đòi bằng chứng. Bác ấy đã đưa tiền cho anh không đòi hỏi gì, thì bây giờ bác ấy cần, anh cũng phải đưa lại như vậy.

Làm ăn ở đây đã 7 năm, chưa bao giờ em phải viết biên nhận, mà cũng chưa bao giờ mất tiền. Thực ra thì cũng có 1 lần, cậu lái xe đi thu tiền xong trốn mất. Nhưng sau đó 3 tuần cậu ấy gọi điện lại xin lỗi, đã dùng tiền của sếp để trợ giúp gia đình khẩn cấp, giờ xin làm việc không công 1 năm để bù lại.

Thế đấy, Minh-biệt hiệu Đen, một chàng trai mới chỉ tốt nghiệp phổ thông, quê ở Gia lai, sang châu Phi từ ngày 22 tuổi để buôn bán quần áo cho ông chú, đã là chỗ dựa vững chãi cho hơn 30 cán bộ ưu tú của FPT. Từ việc lớn như tôi kể trên, đến việc nhỡ như mua lợn mán, giết tê tê, xin bằng lái xe, hay việc nhỏ tí như trồng rau, luộc gà, đổi tiền.

Một lần tôi và Minh được thương vụ Việt nam mời đi ăn tiếp tân của 1 cậu bên sứ quán Mỹ. Tiếng Anh là ngôn ngữ chung, đương nhiên. Được một lúc thấy Minh đang xì xồ với một cán bộ ngoại giao Togo. Nghe kỹ hóa ra tiếng Pháp. Hỏi, em biết tiếng Pháp à? Thấy hắn ngượng nghịu: vâng, chính ra là tiếng Pháp em mới thạo, tiếng Anh là buộc phải dùng thôi!

Vui nhất có một lần hắn lái xe đưa tôi đi chơi. Đến chỗ ngã tư, thấy bóng cảnh sát, hắn dừng xe, đưa cho tay cảnh sát $1 bảo “for your café”. Tôi ngạc nhiên lắm, em làm gì sai à? Không anh, không có gì sai mà đưa thì mới gọi là “tiên hạ thủ vi cường” chứ. Quả nhiên, thấy tay cảnh sát tuýt còi dừng hết các xe khác để cho xe chúng tôi đi.

Sang Tây Phi, muốn biết thế nào là bản địa, hãy gọi Minh Đen. Bây giờ hắn đã có vợ con ở Việt nam, phải dành nhiều thời gian ở nhà. Sự nghiệp “khai thác” châu Phi đã được hắn dạy dỗ và giao lại cho mấy đứa em.

Minh Đen, mentor của tôi tại Lagos, Nigeria, 2012



Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

1975

{By: Minh Chiet}

Nước Mĩ - cái nôi của công nghệ.
Ngày nay chúng ta khó hình dung cuộc sống thiếu:

  1. Máy tính cá nhân
  2. Internet
  3. Điện thoại di động
  4. Google
  5. Facebook

Và tất cả 5 thứ trên được tích hợp trên cái iPhone nhỏ xíu.

  • 1-1975 chiếc máy tính cá nhân đầu tiên Altair 8800 được bán rộng rãi.
  • 4-1975 Gates và Allen thành thành lập Microsoft
  • 30-4-1975 Mĩ rút khỏi VN


Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

Acsimet, Newton, Apple & Eureka!

{By: Hoang To}

Hồi bé nghe chuyện nhà bác học Acsimet trần truồng nhảy ra khỏi bồn tắm miệng kêu "Eureka!", hay Newton bị quả táo rơi trúng đầu đều có cảm giác hụt hẫng thiêu thiếu. Tại sao phải nhảy vọt ra vội vã thế? Tại sao đau điếng người mà ko nói gì? Hoá ra thế này:

Một lần Acsimet
Nhà bác học đại tài
Ăn mấy món lạ bụng
Cả đêm bị đi ngoài

Sớm sau ông vào tắm
Một ít lại chui ra
Nổi bềnh trên mặt nước
"Oh shit... Eureka!"

Từ đó thành định luật
Nước đẩy vật nổi lên
Nhưng chi tiết "Oh shit"
Các sử gia bỏ quên!

Cụm "Oh shit" cảm thán
Nguyên gốc từ tích này
Chỉ tiếc rằng hậu thế
Giờ chả mấy người hay...

***
Ngồi chơi dưới gốc táo
Newton đang buồn rầu
Bỗng từ cành trĩu trịt
Một quả rơi trúng đầu

Thoáng qua cơn choáng váng
Nhìn trái táo dưới chân
Điên tiết ông buột miệng:
"Fuck you, the apple!"

Sau Google, Facebook
Đều bắt chước Newton
Và cả tôi cũng thế
Mỗi lần đơ iPhone...

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Patric Aronson

{By: Minh Chiet}

Là người Mĩ, làm GĐ cho 1 cty lớn của Mĩ ở VN, giỏi tiếng Việt. Cty tôi dự định kinh doanh mặt hàng mà cty của anh đang dẫn đầu TG.

Anh nói tôi phải xin được gp kinh doanh mặt hàng này trước rồi cty anh mới ký HĐ với cty tôi.
Quen thói ba bị, tôi bảo:
- Chuyện vặt, mai anh cho tay P. 1 ngàn $ là có gp ngay

Patric tái mặt như thấy con hổ mang bành
- Em ko biết tiếng việt. Hôm nay anh em mình không gặp nhau. Em không nói gì với anh về giấy phép, anh không nói gì với em về chuyện cho ai đó 1 ngàn để có giấy phép nhé.

rồi chạy như ma đuổi khỏi vp của tôi.

Sau anh giải thích rằng người Mĩ không được hối lộ, bàn chuyện hối lộ. Biết chuyện người khác hối lộ mà ko tố cáo cũng phạm tội đồng lõa hối lộ. Kể cả trên lãnh thổ nước khác. Tù mọt gông chứ chẳng chơi.

Tất nhiên mọi chuyện đâu vào đấy. Tôi xin được GPKD, ký HĐ với cty anh và việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió.

Anh mời tôi và anh bạn TH sang Mĩ thăm trụ sở cty anh. Anh đánh xe đến đón chúng tôi ở KS. Đó là 1 cái minivan mới, rất đẹp và rất to, ghế sau bị tháo hết, hôi như chuồng chó. Xe Mĩ to nên 3 người ngồi ghế trước thoải mái.

Làm việc với lãnh đạo cty, tham quan nhà máy xong, trong lúc chờ tiệc chiêu đãi tôi hỏi Chủ tịch cty
- Hút thuốc ở đâu?
- Trên lãnh thổ cty không được hút thuốc. Muốn hút thì phải đi xe ra khỏi khu vực, khoảng 15 mile.

Cứt thật. Patric bảo tôi và TH đi theo ra bãi đỗ xe. Chui vào trong xe, nổ máy, bật điều hòa, hút xả láng.
- He he, xe này mẹ em chỉ dùng để chở chó đi chơi. Mối lần về Mĩ em lấy xe này đi vì hút thuốc trong xe được.

Nghe nói con chó cưng của mẹ anh bị viêm phổi mãn tính vì hít phải khói thuốc lá. Mấy tay bác sĩ chó không hiểu vì sao.  Bà chủ thì không hút thuốc.