Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Barack Obama nói chuyện tại đại học Rutgers (1)

{Người dịch: Kim Chi}

Nhân dịp TT Barak Obama thăm chính thức Việt Nam, chị Kim Chi đã dịch và giới thiệu bài phát biểu của ông tại ĐH Rutgers ngày 15/5/2016. Bản dịch gần như đầy đủ, có một số phần lược dịch.

Hello Rutgers!

Một trong những bổng lộc trong công việc của tôi là được trao bằng danh dự. Nhưng phải nói thật nhé, treo mấy bằng này lên không làm tôi tăng được điểm nào ở nhà cả, bây giờ Malia và Sasha chỉ bảo ‘OK bố được bằng rồi nhé, bây giờ chúng con cũng phải lên đường đi lấy bằng đây. Chào bố mẹ, xin hẹn gặp lại - á quên bố mẹ cho con xin ít tiền nữa ạ?’

Tôi có mặt ở đây hôm nay vì được các bạn mời. Thật tình, tôi nhận được rất nhiều lời mời. Nào là để khai giảng, nào là để nói chuyện với sinh viên tốt nghiệp, có tới cả ngàn lời mời chứ không ít gì. Nhưng trường đây là nơi duy nhất đã phát động chiến dịch mời Tổng thống trong ba năm liền bằng mọi phương tiện khiến tôi phải để ý. Bao nhiêu là emails, thư từ, tin tweets, làm clip của các bạn đăng lên YouTube chỉ để mời tôi tới trường.

Tôi còn nhận được cả ba lá thư do bà ngoại của một sinh viên gửi cho tôi đề đạt nguyện vọng. Cuối cùng chính vì mấy cái thư viết tay của bà cụ mà tôi nhận lời đấy. Tôi cứng ở đâu thì cứng, chứ bà đã bảo là cứ phải nhũn như con chi chi. Chỉ riêng việc các bạn biết khai thác sức mạnh của bà ngoại chứng tỏ các bạn thuộc hạng thượng thặng rồi.

Hôm nay các bạn đang sánh vai cùng các Hiệp sĩ Scarlet Knight truyền thống với sức mạnh vô song và tinh hoa trí tuệ đã đưa tên tuổi của đại học này lên đỉnh cao mà những người sáng lập đã khó mà tưởng tượng nổi.

Cách đây hai trăm năm mươi năm, khi nước Mỹ mới chỉ manh nha là một ý tưởng, Tổng đốc Hoàng gia lúc đó là con trai của Ben Franklin đã ban lệnh thành lập trường Đại học Queen's College. Chỉ sau đó vài năm, một số sinh viên đầu tiên đã ngồi học ở nơi vốn là quán rượu được cải tạo thành giảng đường. Và từ nơi rượu chè ấy mà trường đại học Rutgers đã vươn lên trở thành trường đại học có các viện nghiên cứu đứng hàng đầu nước Mỹ.

Đây là nơi đã phát minh ra công nghệ 3D làm bàn tay giả cho trẻ em tật nguyền, đã lấy bằng sáng chế vật liệu làm mái nhà tự động nạp năng lượng mặt trời đủ cấp điện cho tòa nhà bằng nguồn năng lượng sạch và cũng là nguồn năng lượng tái sinh nhờ ánh nắng.

Mỗi ngày trên sân trường này có hàng vạn bạn trẻ đang hòa mình vào cái nồi lẩu vĩ đại tập hợp trí tuệ phong phú và vốn sống văn hóa đa dạng có lẽ là nơi hội tụ đặc sắc nhất của đời sống sinh viên Mỹ.

Ở thành phố New Brunswick đây, trên lớp các bạn có thể tranh luận triết học với bạn học là người Nam Á, rồi trên xe buýt tới trường lại có thể nói chuyện với một bạn Mỹ là con gia đình người Mỹ La tinh thế hệ đầu tiên ở Mỹ, rồi vào trường dự nhóm thực hành kiến thức về tâm lý học với một cựu chiến binh vốn là sinh viên thời ban bố đạo luật chống khủng bố - the Post-9/11 GI Bill.

Nơi đây chính là bức tranh Mỹ. Trên mọi phương diện, lịch sử của đại học phản ánh sự tiến hóa của nước Mỹ – con đường quốc gia đã trải qua để trở nên vĩ đại hơn, hùng cường hơn, một đất nước giàu có hơn và năng động hơn và quan trọng nhất là chúng ta đã trở thành một dân tộc nhân ái hơn và rộng mở hơn.

Nhưng tiến bộ của Mỹ không bao giờ là một hành trình trôi chảy và vững chãi. Tiến bộ không bao giờ là một con đường kẻ vạch thẳng tắp. Tiến bộ cũng nghiêng ngả và chòng chành trong giông bão. Tiến bộ ở Mỹ thật gian nan và đầy biến động và cũng có khi đẫm máu. Tiến bộ nơi đây cũng vẫn là hành trình thăng trầm và không tránh khỏi những lúc người ta cảm thấy dường như để ghi được hai bước tiến lên thì ta phải chấp nhận lùi lại một bước đã.

Nghe thấy đúng là đời sinh viên của ai mà chẳng phải thế, đời sinh viên của tôi cũng có khác gì đâu. Nhưng nếu đem những tiến bộ đo với lịch sử loài người thì nước Mỹ vẫn là một quốc gia non trẻ – còn xuân xanh hơn cả tuổi đời của đại học này đấy.

Tiến bộ là con đường đầy ổ gà như bao đời vẫn thế. May sao trên con đường đó, chúng ta có những kẻ dám ước mơ và dám làm điều gì mới mẻ, những kẻ dám dấn thân, những người hoạt động xã hội nhiệt thành, và những người đó đã in dấu ấn trong lịch sử.

Tôi rất thích câu này của Dr. Martin Luther King, Jr. rằng "Cái vòm cao xa của thiên hà luân lý là vô tận, nhưng nó luôn cong về hướng công lý."

Tôi cũng tin rằng cái vòm cao của dân tộc ta, cái vòm cao của thế giới không chỉ hướng tới công lý hoặc tự do hoặc bình đẳng hoặc sự hưng thịnh của chính nó. Cái vòm ấy lệ thuộc vào chúng ta, vào sự lựa chọn của chúng ta, nhất là vào những thời điểm trong lịch sử khi đang diễn ra những thay đổi lớn lao khi tất cả mọi điều tưởng như đều đang ở tầm tay ta cả.

Các bạn tốt nghiệp hôm nay vào năm 2016 này chính là thời khắc như thế. Từ lúc mở ra thế kỷ này, chúng ta đã chứng kiến nhiều kinh hoàng nào là tấn công khủng bố, nào là chiến tranh trên nền một cuộc Suy thoái Lớn.

Chúng ta chứng kiến những chuyển biến về kinh tế, kỹ thuật và văn hóa đang làm thay đổi tận gốc cách chúng ta làm việc, cách chúng ta giao tiếp, cách chúng ta sống và cách chúng ta tạo lập cho mình một gia đình. Tốc độ thay đổi không hề chậm lại mà mỗi ngày mỗi nhanh hơn. Những thay đổi không chỉ cho chúng ta cơ hội lớn lao mà cũng mở ra những hiểm nguy ghê gớm.

May mắn sao, thế hệ các bạn được trang bị tất cả để vững bước đưa quốc gia tới tương lai tươi sáng hơn. Tôi tin rằng các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn đúng đắn – không sợ hãi, không chia rẽ, không tê liệt mà hướng tới sự hợp tác cùng nhau phát kiến và cùng chung niềm hi vọng.

Tôi tin như thế vì tính đổ đồng thì thế hệ các bạn thông minh hơn chúng tôi, được giáo dục tốt hơn chúng tôi - nhưng phải nói là thế hệ chúng tôi viết hay hơn vì chúng tôi dùng bút với mực nên còn phải vò đầu bứt tai một hồi mới viết ra một câu, một chữ cho đúng cho chuẩn, chứ không như bây giờ chỉ bấm bấm nhanh như điện thế đâu.

Các bạn cũng hơn chúng tôi là thế giới mở ra trước các bạn cũng rộng rãi hơn, các bạn được chiêm nghiệm văn hóa của các dân tộc phong phú hơn nên các bạn cũng trở thành những con người nhiều màu sắc và đa dạng hơn. Các bạn nhận thức rõ hơn về môi trường. Các bạn có sự thông thái của thời hiện đại và có hoài nghi lành mạnh về xung quanh.

Các bạn có phương tiện để lãnh đạo, nhưng tôi sẽ không ở đây để chỉ bảo rằng các bạn phải làm gì để thế giới này được tốt hơn. Tự các bạn sẽ phải nghĩ ra cách mà làm thôi.

Các bạn nhìn mọi điều với con mắt tươi trẻ, không bị ám ảnh bởi định kiến, không bị che mắt bởi các điểm mù và không bị trì trệ và không dễ cáu kỉnh bất an như cha mẹ, ông bà và những người đầu óc đã già như tôi."

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét