Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

ĐẶC THÙ

{By: Hoang Minh Chau}

Cái mới, khó được chấp nhận, không phải vì nó không hay, mà vì người ta đang quen với cái cũ. Ở Việt Nam, cái cũ còn bền vững hơn, vì nó ẩn náu dưới một khái niệm rất vi diệu "đặc thù của chúng tôi". Ngại thay đổi cái gì thì chúng ta gọi cái ấy là đặc thù.

Trong hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, quy trình công việc thì lạc hậu, tác phong làm việc thì không chuyên nghiệp. Nhưng mọi người đã quen với nó. Họ không muốn thay đổi, vì thay đổi là phải làm lại từ đầu, phải học lại từ đầu. Họ gọi chúng là đặc thù của doanh nghiệp. Và thế là, mỗi khi triển khai ứng dụng một công nghệ mới hay một phần mềm mới, đối tác đều được yêu cầu, phải đáp ứng các đặc thù của doanh nghiệp, tức là phải phù hợp với quy trình lạc hậu và tác phong làm việc tuỳ tiện (được gọi là tiện lợi) của họ. Tất nhiên, ứng dụng như thế thì hiệu quả thường rất thấp.

Tôi nghĩ, chỉ trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta mới cần duy trì sự khác biệt, là bản sắc của dân tộc. Còn các lĩnh vực khác như: công nghiệp, thương nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, ngân hàng tài chính,... cái gì ta cũng nhờ học hỏi từ thế giới mới biết, mà cũng bày đặt "đặc thù" thì thật buồn cười.

Trong suốt những năm làm kinh doanh, tôi chỉ thuyết phục được duy nhất một khách hàng Việt Nam từ bỏ "đặc thù của mình", khi triển khai ứng dụng phần mềm mới.

Đó là vào năm 1999, khi chúng tôi triển khai phần mềm quản lý nguồn lực Oracle ERP, cho một Xí nghiệp liên doanh dầu khí. Đây là một Xí nghiệp liên hợp, có quy mô rất lớn và độ phức tạp rất cao.
Lúc đầu, các báo cáo chuẩn do phần mềm ERP Oracle cung cấp không được Xí nghiệp chấp nhận, vì chúng không đáp ứng với các đặc thù của Xí nghiệp. Các báo cáo mới không giống các báo cáo cũ, cả về hình thức cũng như phân bố nội dung. Họ yêu cầu chúng tôi sửa lại cho giống với hệ thống báo cáo đang sử dụng.

Chúng tôi xin được gặp Lãnh đạo Liên doanh để trình bày. Tôi giải thích rằng, ERP Oracle là một ứng dụng nổi tiếng thế giới. Nếu chúng ta sử dụng hệ thống báo cáo chuẩn do nó cung cấp, tức là chúng ta thừa hưởng kinh nghiệm quản lý, quy trình tiên tiến và tác phong chuyên nghiệp của hàng ngàn doanh nghiệp lớn toàn cầu đã tích hợp trong phần mềm này. Ứng dụng ERP là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến quy trình và tái cấu trúc quản trị theo chuẩn thế giới. Nếu chúng ta sửa lại cho phù hợp với quy trình cũ của xí nghiệp, ngoài việc không được thừa hưởng thành quả tiến bộ của thế giới, ứng dụng còn chạy chậm hơn và phát sinh nhiều lỗi hơn.

Thấy khách hàng vẫn chưa bị thuyết phục, tôi suy nghĩ rồi nói: "Các anh nhập giàn khoan về, giữ nguyên đưa vào sử dụng ngay, hay là sửa lại theo đặc thù của Việt Nam? Chắc là giữ nguyên? Nếu quy trình vận hành của nó khác với quy trình vận hành của giàn khoan cũ thì các anh sẽ đào tạo lại chuyên môn và bố trí lại nhân sự, chứ không phải sửa giàn khoan, đúng không? Vì các anh hiểu rằng, đây là một hệ thống phức tạp và hoàn chỉnh, không ai dại gì mà sửa lung tung. Và phần mềm ERP cũng thế. Nó cũng rất phức tạp và hoàn chỉnh. Nó không cần chỉnh sửa trước khi đưa vào sử dụng. Các quy trình và mô hình quản trị cũ của xí nghiệp nên thay đổi để phù hợp với nó thì tốt hơn.

Thật may mắn là Lãnh đạo Xí nghiệp liên doanh đã nhìn ra vấn đề và chấp nhận thay đổi "những đặc thù" của mình, để có thể sử dụng hệ thống báo cáo mới - hệ thống báo cáo chuẩn do phần mềm cung cấp. Chính vì nguyên nhân này mà hệ thống ERP được triển khai thành công, đúng thời hạn và mang lại hiệu quả cao cho Xí nghiệp cho tới ngày hôm nay.

Tiếc rằng, những doanh nghiệp Việt Nam như thế không nhiều. Tình hình rất khác đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Hiếm khi chúng tôi nghe thấy một doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu đáp ứng một cái gì đó đặc thù. Khi triển khai ERP, hầu như các doanh nghiệp nước ngoài đều sử dụng nguyên xi hệ thống báo cáo chuẩn do phần mềm cung cấp: vừa thuận lợi cho người triển khai, vừa hiệu quả cho người sử dụng, đặc biệt là khi nâng cấp phần mềm, các báo cáo được tự động cập nhật.
Nhìn lại thực tế ở VN, tôi thấy, có nhiều cái cũ lạc hậu cần đổi mới, thì chúng ta lại vô tư biến nó thành đặc thù. Chả trách, tiến sĩ Phạm Chi Lan đã tặng cho Việt Nam đặc danh "Nước không chịu phát triển".

Đã đến lúc, cần loại bỏ cụm từ "đặc thù Việt Nam" ra khỏi suy nghĩ của chúng ta và tất cả cần hiểu một điều: trong thế giới phẳng ngày nay, cơ hội và thách thức của các dân tộc đều giống nhau, dân tộc nào càng nhiều đặc thù càng khó hội nhập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét