Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

THOÁT LY

{By: Hoang Minh Chau}

Nhân dịp có bố ngoài quê vào chơi, bạn tôi mời mấy đứa thân đến nhậu, cầy tơ với rượu đế. Cụ ông tên là Phạm Văn Sang, năm nay đã 87 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nhậu vô tư, không kém gì đám con cháu.

Chẳng hiểu sao, lo lắng của tiến sĩ Phạm Chi Lan "Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây", lại thành chủ đề của câu chuyện bên bàn nhậu. Trước dó ít ngày, đại biểu Quốc Hội Trương Trọng Nghĩa cũng phát biểu “Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi?

Một đứa bạn vốn là giáo viên dạy quản trị kinh doanh đã nhanh chóng giới hạn chủ đề thảo luận bằng ba nhân vật cụ thể, là những người thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước, nói ra ai cũng biết.
1. Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn.
2. Giáo sư vật lý Đàm Thanh Sơn.
3. Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu.

Với các câu hỏi:
- Vì sao họ không về nước làm việc?
- Họ có yêu nước không?
- Những cánh chim đầu đàn không về nước, ai sẽ xây dựng nền âm nhạc Việt Nam, ai sẽ xây dựng ngành vật lý Việt Nam, ai sẽ xây dựng ngành toán học Việt Nam?

Cuộc thảo luận diễn ra khá sôi nổi với các ý kiến trái chiều.

Đa số các ý kiến cho rằng "họ tuy là những nhân vật tài năng xuất chúng, nhưng ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân, không quan tâm gì đến đất nước".

Một số ý kiến khác vẫn dành niềm tin cho các tinh hoa đất nước. "Tôi đọc các bài viết của giáo sư Ngô Bảo Châu. Tôi thấy giáo sư là người yêu nước. Giáo sư là người sinh ra trong chiến tranh, nên chắc không phải người chạy trốn đất nước vì an ninh an toàn của bản thân.

Dù được đất nước chào đón và cam kết tạo điều kiện làm việc tốt, nhưng có thể, giáo sư biết mình cũng chưa giúp gì được nhiều cho nền toán học Việt Nam vào thời điểm hiện tại. Ngược lại, từ nước ngoài, giáo sư có thể giúp được nhiều hơn cho công tác nghiên cứu và đào tạo trong nước"...

Cụ ông Phạm Văn Sang ngồi nhâm nhi, lắng nghe con cháu tranh luận. Tới hồi gay cấn, ông mới vuốt chòm râu thưa, có ý kiến tham gia:

- Chuyện nước ông không biết thế nào, chứ chuyện làng thì ông rõ. Nhà ai có con cháu thoát ly được, là cả họ mừng.
- Vì sao vậy?
- Làng ông đất chật người đông. Đi bớt người nào là nhà cửa rộng ra được chừng ấy. Những người còn lại cũng có nhiều ruộng vườn hơn để tăng gia.
- Nhưng thanh niên thoát ly hết thì việc làng ai lo?
- Ôi giời, con chị nó đi con dì nó lớn. Ở làng ông, cái gì cũng thiếu, chỉ không thiếu người thôi.
- Nhưng người đi thoát ly toàn người tài giỏi?
- Không giỏi làm sao thoát ly được? Ông có vẻ ngạc nhiên hỏi lại.
- Họ không quay về thì sao?
- Họ có quê hương, họ không quay về, thì bản thân họ thiệt thòi, chứ còn sao nữa.

Cả đám há hốc mồm, nửa tiếng sau vẫn chưa ngậm lại được, vì nghĩ lại, tất cả chúng tôi đều là những đứa thoát ly từ làng quê năm xưa!

Ôi, tưởng tiến sĩ Phạm Chi Lan nói chuyện thiên hạ, hóa ra là nói chuyện của chính mình.

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Tôi tài giỏi!

{By: Khúc Trung Kiên}

Chiều nay có nói chuyện với một bạn về thương hiệu và xây dựng thương hiệu. Rồi lại đọc được mấy tin đã cũ về việc một số bạn trẻ tham gia học khóa đào tạo về phát triển tính tự tin, với một bài thực hành gây chú ý: đứng ở ngã tư đường từng bạn hét thật to "tôi tài giỏi"!

Tôi biết về những bài học như vậy, và không có phản đối hay chê trách gì hành động đó của các bạn trẻ. Với văn hóa và tính cách của người Việt hành động được như thế cũng không đơn giản, các bạn ấy phải nỗ lực vượt qua những e ngại và sự rụt rè của bản thân. Điều đó là có ích.

Tự nhiên liên hệ đến vấn đề về thương hiệu, cụ thể là thương hiệu cá nhân. Có vài điều có thể trao đổi. Đây là vấn đề nghiêm túc, đặc biệt với các bạn trẻ, vì nó có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp và phát triển con người của các bạn sau này.

Trước hết phải hiểu thương hiệu là gì

Có nhiều định nghĩa, nhưng chung quy lại thì có thể nói thương hiệu của một cá nhân là hình ảnh tổng hợp của các yếu tố: 1) sự mong đợi; 2) trí nhớ xã hội; 3) những câu chuyện đã có; 4) những quan hệ của cá nhân trong tâm trí của những người khác như bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, hay xã hội nói chung.

Đừng lầm lẫn thương hiệu với những mong muốn hoặc ngộ nhận từ bản thân. Ví dụ: một cô gái có thể rất thần tượng Jennifer Lopez và rất muốn mình có hình ảnh giống như cô ấy. Đấy sẽ không bao giờ là thương hiệu nếu không có giọng hát hay như Lopez, dù có muốn đến đâu.

Thương hiệu không phải là cái nhìn thấy khi tự ngắm hay mơ tưởng về mình, mà là hình ảnh trong tâm trí người khác.

Thương hiệu cũng không phải là bức ảnh chụp trong một thời điểm cụ thể. Nó tích tụ trong trí nhớ của xã hội, trong những câu chuyện người khác nói về bạn. Nếu muốn có hình ảnh là người đạo đức và trung thực, tốt nhất đừng bao giờ táy máy trong siêu thị hay ở bất cứ đâu.

Hãy thận trọng với mọi hành động của mình từ khi còn trẻ, một hành động bất cẩn bây giờ rất có thể sẽ phá hỏng sự nghiệp của bạn sau 10 hay 20 năm nữa.

Các mối quan hệ cũng sẽ thành một phần trong thương hiệu. Đừng bỏ qua một mối quan hệ tốt, cho dù có thể nó chưa giúp ích gì cho bạn. Đồng thời cũng phải cảnh giác với những mối quan hệ có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu.

Tự tin là mình tài giỏi tất nhiên là rất tốt. Nhưng đó có phải là một phần trong thương hiệu hay không là do bạn có đáp ứng mong đợi về điều đó (của xã hội) ở bạn hay không? Có ai nhớ là bạn đã thể hiện khả năng vượt trội hay không? Có ai kể về sự tài giỏi đó hay không? Và bạn có được những mối quan hệ phù hợp hay không?

Không đơn giản là cứ hét lên ở ngã tư là sẽ thành tài giỏi.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Khởi nghiệp - Chử Đồng Tử

{By: Minh Chiet}

CĐT nhà nghèo. Bố chết, có mỗi cái khố chôn theo bố. Đi đánh dậm gặp công chúa, chui xuống cát. Công chúa tắm đúng chỗ đó, thấy cu - lấy. Vua không đồng ý - đuổi. Dắt nhau đi buôn, vì có vợ là Công chúa nên làm ăn thuận lợi - giàu.

Bỏ đi mấy ngày lên núi bảo gặp thánh, ngộ được đạo, tín đồ theo đông. Vua nghi có ý làm phản mang quân đánh. Ko chống Vua mà bùng lên trời - thành Thánh.

Bài học từ chuyện Chử Đồng Tử

1. Ngu là bất hiếu:  có cái khố mà chôn theo cha, hết phương tiện làm ăn. Con cái là cuộc sống kéo dài của bố mẹ. Chắc chắn bố mẹ ko muốn triệt đường làm ăn của con.
2. Đánh dậm gặp may: không biết làm gì thì cứ đánh dậm, đừng buông tay.
3. lừa được Công chúa nhưng lừa Vua không dễ. Vua nói chung khôn vãi.
4. Phải biết PR: Lấy tên công chúa làm thương hiệu để buôn bán - quá giỏi, ngày nay ít người làm được
5. Giàu rồi thì phải sang: đi học kiếm cái bằng, càng tù mù càng tốt. Đừng dại để lộ nơi mua bằng - mất thiêng.
6. Đừng làm ngứa mắt nhà cầm quyền. Giàu có rồi thì phải triều cống. Sống khiêm tốn.
7. Không đối đầu với Vua. Khi Vua gây sự thì xuất ngoại cho lành.
8- Phải có cu: toàn bộ câu chuyện sẽ ko xảy ra nếu CĐT không có cu.

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Lãng mạn

{By: Nguyễn Thành Nam}

12.4 năm 1961, Iury Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.

Chuyến bay kéo dài vẻn vẹn 108 phút đã thắp lên ước mơ lãng mạn trong tâm hồn hàng triệu triệu người trên thế giới. Trong đó có đôi vợ chồng trẻ người Nga ở thành phố Moscow. Họ quyết định đặt tên đứa con chuẩn bị ra đời của mình là Iury.

55 năm sau, Iury Milner, tiến sĩ vật lý tại đại học tổng hợp Moscow, học trò của Andrei Sakharov, dấn thân vào kinh doanh sau khi thất vọng với trình độ vật lý của mình,  đã quyết định thổi tiếp giấc mơ lãng mạn mà Iury Gagarin và bố mẹ anh đã thắp lên ngày đó.

Ngày 12.4.2016, tại NewYork, cùng với Stephen Hawkin,  Iury Milner công bố tài trợ cho chuyến bay giữa các vì sao tới chòm Alpha Centauvri, nằm cách trái đất hơn 4.3 năm ánh sáng. Dự án dự kiến sẽ mất ít nhất 20 năm để thực hiện và tiêu tốn của anh và bạn bè khoảng $10 tỷ đô la Mỹ.

Phát biểu trước báo giới, Iury miêu tả những con tàu vũ trụ của anh bé như chiếc iPhone, giương các cánh buồm ánh sáng, được một tia laser cực mạnh thổi với tốc độ 1/5 tốc độ ánh sáng, như một đàn bướm bay đến ngôi sao gần nhất Trái đất chụp ảnh gửi về để post lên facebook.

Tôi đọc tin này khi đang ở Bangladesh, đất nước của lụt lội, nghèo đói và lãng quên. Dewel, một doanh nhân địa phương kể: chúng tao không có nhiều cái để tự hào. Nhưng chúng tao biết cách tập hợp những con người tưởng như không thể tổ chức được, đào tạo những con người tưởng như không thể đào tạo được, đưa những con người tưởng như đã rơi xuống đáy của xã hội trở lại với ánh sáng mặt trời.

Năm 1972, một người Bangladesh, phụ trách tài chính của hãng Shell tại London, về thăm quê nhà. Chứng kiến những cảnh tượng tàn khốc do chiến tranh và bão lụt gây ra, anh quyết định ở lại để giúp đồng bào mình.

Fazel Abed, khi đó 36 tuổi, quyết tâm bắt tay vào thực hiện giấc mơ lãng mạn của đời mình, xây dựng một doanh nghiệp xã hội có thể giúp đỡ hàng triệu đồng bào mình, mà vẫn có thể tự chủ tài chính mà không dựa vào nguồn đóng góp của các nhà từ thiện.

Hôm nay, BRAC, tổ chức do Abed lập ra đã trở thành tổ chức xã hội lớn nhất thế giới, không cần dựa vào chính phủ, với hơn 100 ngàn nhân viên,  tổ chức kinh doanh cho 70 ngàn thợ thủ công không biết bán hàng ở đâu, dạy 1.5 triệu trẻ em không có điều kiện đến trường,  cho hơn 7 triệu gia đình vay tiền không thế chấp, giúp đỡ y tế cho 92 triệu nông dân ko thể tiếp cận cơ sở y tế, và quan trọng nhất là tự tạo ra doanh thu gần 500 triệu đô la Mỹ.

Thế giới thật đẹp nhờ những con người lãng mạn.

Còn mình, chẳng làm được gì,  đành nuôi dưỡng mộng mơ lãng mạn. bằng giai điệu trong sáng của bài hát Nga: “Bạn ơi, Tôi tin tưởng!”

Rồi đây sau bao năm êm trôi, bạn ơi, xin chớ quên tên người
Từng bay qua bao nhiêu tinh tú, góp công đầu tiên sáng chói.
Đã hoàn thành muôn ngàn ước mơ cho loài người trên mặt đất ta,
Qua lớp mây trôi trên trời cao vời trông quê hương thân yêu.

Cám ơn anh, Iury Gagarin!

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Bài học tình huống

{By: Khuc Trung Kien}

Là việc cho trẻ em tham gia vào/nghiên cứu các tình huống thực tiễn hoặc mô tả thực tiễn để từ đó rút ra các bài học. Người ta kể rằng Bill Gates yêu cầu các con làm việc nhà để có tiền tiêu vặt. Ông muốn các con học bài cơ bản: có làm mới có ăn.

Trong một tình huống khác, cũng là Bill Gates đã thuê một biệt thự có giá 10 triệu đô la trong 2 tuần để con gái nghỉ hè. Hình như là thưởng cho một năm cố gắng. Chắc ông muốn con hiểu rằng, nếu cố gắng thì một số người có thể được thưởng nhiều hơn người khác.

Tình huống thực ra không quan trọng, quan trọng là người ta muốn học được bài học nào từ tình huống đó.

Có một câu chuyện tình huống, ông bố muốn dạy con bài học kinh doanh. Ông bảo con trèo lên cây và nhảy xuống để ông đỡ. Đứa bé nhảy xuống. Ông bố rụt tay lại vào bảo đứa con đang mếu máo vì ngã đau:
- Tuyệt đối không được tin khi có đứa bảo con nhảy vào nguy hiểm, kể cả khi đó là bố mình!

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

LUẬT VÀ CUỘC SỐNG

{By: Hoàng Minh Châu}

Một nữ nhân viên lên xin phép bạn "thưa sếp, em muốn phá thai". Ở Việt Nam thì dễ rồi, bạn chỉ cần nói "đó là việc cá nhân của cô, liên quan gì đến tôi". Nhưng ở phương Tây, nếu bạn hành xử như thế, khi có sự cố, bạn có thể bị quy vào tội vô trách nhiệm. Vì cô ấy là nhân viên của bạn, bạn có quyền hạn với cô ấy, nên theo luật, bạn cũng phải có trách nhiệm với cô ấy. Việc cần làm là bạn phải hỏi tư vấn, xem việc phá thai cần bao nhiêu thời gian, để bố trí cho cô ấy nghỉ làm việc. Bạn phải giao cho cô ấy công việc nhẹ nhàng trong tuần đầu sau đó và bạn có trách nhiệm bảo mật thông tin, nếu cô ấy yêu cầu...

Một nhân viên khác đến gặp bạn, xin được chuyển giới tính. Ở Việt Nam, chỉ cần báo phòng nhân sự sửa lại trạng thái Nam/Nữ trong hồ sơ nhân viên là xong. Nhưng ở Mỹ thì không đơn giản thế. Theo luật Mỹ, một người muốn được phép chuyển giới tính, phải có một năm thay đổi cách ăn mặc, để truyền đạt thông tin về giới tính mới cho những người xung quanh. Trong một năm này, đương sự sẽ sử dụng phòng vệ sinh nào, nam hay nữ? Cả hai đều không được. Chẳng lẽ phải làm thêm phòng vệ sinh riêng? Lấy đâu ra kinh phí, diện tích? Nếu ở Việt Nam, cho đương sự nghỉ việc là xong. Nhưng ở Mỹ, chỉ vì lý do đó mà bị đuổi việc, đương sự có thể kiện công ty tội kỳ thì giới tính...

Những ví dụ như trên rất nhiều. Chúng cho thấy, việc thực thi luật trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Không riêng ở VN, mà ở Mỹ hay châu Âu, là những nước có hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, cũng khó như thế.

Tuy nhiên có một chút khác biệt về cách tiếp cận: khẩu hiệu ở Việt Nam là "sống làm việc theo pháp luật", còn phương châm ở Mỹ là "sống làm việc để không phạm luật". Và hầu hết người Mỹ không phạm luật vì sợ bị phạt. Còn ở Việt Nam, chúng ta hi vọng người dân tự giác tuân thủ pháp luật.

Sau vụ khủng bố mới đây tại Bỉ, nhiều người tranh luận về chính sách đối với cộng đồng Hồi giáo Trung Đông nhập cư. Nhiều ý kiến cho rằng, cộng đồng này, thực tế không đóng góp gì đáng kể cho Châu Âu, mặc dù họ đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Nhưng họ vẫn chưa bằng lòng. Họ không chỉ đòi xây nhà thờ Hồi giáo mà còn chất vấn những người xung quanh, tại sao chúng mày không cầu kinh, tại sao chúng mày không tin Đức thánh Ala...

Họ gây ra rất nhiều sự phiền phức và bất an cho xã hội. Nếu tư duy theo kiểu Việt Nam, thì chỉ cần đóng cửa biên giới hay trục xuất họ về nước là xong. Nhưng Bỉ hay Châu Âu không thể hành xử như vậy, vì sẽ phạm luật kỳ thị tín ngưỡng hay vi phạm nhân quyền mà Hiến pháp/Luật pháp của nước họ đã quy định.

Điều đáng học tập ở đây là: từ chính phủ đến các cơ quan công quyền đều không có quyền đứng trên luật. Dù khó khăn, dù phải trả giá đắt, nhưng sự tôn nghiêm của hiến pháp và pháp luật luôn được bảo vệ. Rất hiếm khi thấy một cơ quan công quyền của Mỹ phạm luật.

Muốn không phạm luật thì phải hiểu luật. Câu "không biết không có tội" chỉ có ở Việt Nam! Điều quan trọng đầu tiên của các bộ luật phương Tây là: việc không biết luật, không thể biện minh cho việc vi phạm luật. Vì thế các cơ quan công quyền Việt Nam nên có bộ phận Luật đủ mạnh để đảm bảo các quy định đưa ra không phạm luật, tránh ban hành mấy hôm lại bập bập... thu hồi.

Và lãnh đạo phải gương mẫu. Theo quan sát của tôi hiện nay, cán bộ càng có chức quyền, càng hay vi phạm các quy định. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ mà bạn có thể bắt gặp hàng ngày trên các tuyến giao thông. Một xe biển xanh đi quá tốc độ. Cảnh sát làm ngơ. Họ đoán, ngồi trên đó là các sếp lớn.

Trong trường hợp này, không chỉ có các sếp đi xe biển xanh cho mình quyền đứng trên luật, mà các cảnh sát đại diện cho cơ quan công quyền cũng không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ pháp luật. Người dân có mắt, không chỉ có một, mà hàng trăm triệu. Họ thấy hết. Nếu luật ban hành không áp dụng với quan, thì chả trách dân kêu ca: luật ra thêm bao nhiêu, dân khổ thêm bấy nhiêu.

Việt Nam chúng ta đang trong quá trình chuyển hoá thành nhà nước pháp quyền, còn tồn tại nhiều vấn đề là chuyện đương nhiên. Không cần phải bi quan. Quan trọng là, chúng ta có hay không, ý thức học hỏi để từng bước hoàn thiện mà thôi?

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Nên biết luật nơi mình đến

{By: Minh Chiet}

1. Ông cháu tôi đã 25, đi làm ở một công ty công nghệ 3 năm rồi. Nó theo đoàn của công ty đi London chơi. Thằng này mê chụp ảnh. Thấy mấy con thiên nga đang bơi ở hồ. Loay hoay chụp mấy kiểu. Có một bà tây đang cho con trai nhỏ tè. Lọt vào ống kính. Bả túm cổ ông cháu đưa đến đồn cảnh sát. Đại khái buộc thằng này tội có thể sử dụng ảnh nude của bé trai để rửa mắt cho bọn ấu dâm.
Cả đoàn sợ xanh mắt.  May là cảnh sát Anh chưa có hồ sơ gì xấu về ku này. Họ chỉ bắt nó xóa toàn bộ số ảnh có thằng bé.

2. Con gái đưa em họ đi chơi ở London, vào tiệm kính mát. Cô em chỉ 1 cái kính thời trang
- Chị ơi, xem quả kính này kinh không
Cô bán hàng da đen tóm cả hai đưa lôi đến đồn cs.
- Chúng nó gọi tao là King Kong
Phải nhờ nhân viên sứ quán VN ở LĐ giải thích rằng ‘kinh không” nghiã là “so cool”.
May họ tha.

3. Cô bạn người Mĩ đưa đi xem phim ở BKK. Trước khi chiếu phim có mục đứng dậy chào ảnh Vua Thái. Tôi chưa hiểu thủ tục. Cô Mĩ bảo: đứng dậy ngay, ngồi là tù đấy.

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Trường chuyên lớp chọn?

{By: Khúc Trung Kiên}

Chủ đề này có một số lần được nhắc đến, gần đây lại có cuộc tranh luận gì đó trên TV liên quan nên lại thấy cãi nhau loạn xạ. Tin chắc rằng theo kiểu: nên hay không nên có trường chuyên lớp chọn thì sẽ không bao giờ ngã ngũ, vấn đề có lẽ ẩn sâu đằng sau,...

Có quan niệm sai lầm từ lâu: chuyên là để đào tạo học sinh giỏi!

Nguồn gốc sâu xa của việc dạy chuyên không phải là để đào tạo học sinh giỏi mà là giúp học sinh có thể đi sâu vào các định hướng phát triển nghề nghiệp sau này. Dễ thấy rằng những kiến thức cơ bản phổ cập thì chương trình lớp 9 (hết cấp 2) hiện nay chỉ cần bớt nội dung của một số môn và thêm vào một số nội dung mới là đủ cho một người bình thường.

Nếu như vẫn còn e ngại thì một vài nội dung có thể bổ sung trong năm lớp 10 như các môn bắt buộc. Gần như toàn bộ thời gian và nội dung còn lại trong chương trình cấp 3 nên là định hướng nghề nghiệp sau này sao cho phù hợp với năng lực, sở thích, năng khiếu, lựa chọn tương lai của học sinh và nhu cầu xã hội.

Chẳng có lý do gì để một người sau này làm thợ điện lại phải học các nội dung toán, lý, hóa, sinh vật, văn học hay lích sử trong chương trình lớp 11, 12 hiện nay. Thay vào đó nên học sâu hơn về diện dân dụng, các kỹ năng thực hành, và những ứng dụng liên quan.

Đã có những nỗ lực cải tiến theo hướng đó như việc phân ban đã từng áp dụng trước đây, tuy nhiên việc đó mắc những sai lầm về nguyên tắc:

- Phân ban cũng chỉ là để theo định hướng thi đại học
- Phân ban theo môn học chứ không theo định hướng nghề nghiệp
- Phân ban nhưng chỉ là để các môn trong ban học nhiều hơn
- Phân ban nhưng toàn bộ chương trình (các môn khác) giữ nguyên

Cái đó là cải tiến nửa vời, hiển nhiên sẽ không mang lại thay đổi cơ bản cho giáo dục. Không bớt được nội dung đang có nên không thể bổ sung một cách thực sự, đủ những gì mà xã hội hiện đại cần như ngoại ngữ, tin học, phương pháp tư duy, kỹ năng viết, kỹ năng thực hành,...

Trong khi đó hầu hết các nước, kể các cả nước ASEAN như Thailand, Philippines, Malaysia,... đã thay đổi căn bản nền giáo dục của họ theo hướng phù hợp với thế giới hiện đại và dễ dàng hòa nhập với các nước tiên tiến phương tây, Hàn Quốc, Nhật Bản,..

Khi học hết cấp 2 như ở ta. Học sinh có thể lựa chọn roadmap khá đa dạng phù hợp với năng lực và mong muốn của mình:

1) Lớp 10, 11 -> foundation -> đại học
2) O-Level (2 năm) -> foundation -> đại học
3) O-Level -> A-Level - đại học
4) O-Level -> college
5) O-Level -> học nghề kỹ thuật
6) Học nghề
7) Còn nhiều cách khác, tôi chưa tìm hiểu kỹ

Dù theo cách nào thì nội dung học vẫn tập trung cho mục đích cuối cùng là học sinh học để làm gì? Các môn bắt buộc rất ít. Hồi con gái tôi học O-Level ở Singapore chỉ có 2 môn là bắt buộc: văn học và tiếng Anh. Mỗi kỳ học sinh tự lựa chọn 3-4 môn nữa trong số hơn chục môn có thể, phù hợp với đầu vào của chặng tiếp theo; ngành nghề học đại học hoặc sở thích/năng khiếu của mình.

Như vậy giai đoạn tương đương cấp 3 ở VN là việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên sâu cả về kiến thức và kỹ năng cho việc tiếp theo đó học sinh muốn làm gì? muốn phát triển theo hướng nào? Muốn đi sau vào lĩnh vực nào?...

Phải chăng đấy chính là chuyên?

Điểm khác biệt là: học sinh phải học ít hơn (5-6 môn mỗi học kỳ) nhưng lại được chuẩn bị tốt hơn rất nhiều cho giai đoạn tiếp theo. Còn vô khối thời gian để tham gia hoạt động xã hội, thể thao, vui chơi hoặc thậm chí là nghiên cứu về loài tảo!

Điểm khác biệt là: chuyên để học sinh có thể lựa chọn các môn học và đường đi phù hợp với năng lực, mong muốn và sở thích của mình cũng nhưng tính toán đến nhu cầu của thị trường lao động sau này.

Điểm khác biệt là: chuyên không phải để dạy một số học sinh giỏi, trên cơ sở tuyển chọn đầu vào ngặt nghèo mà chuyên là để học sinh ra trường có kỹ năng và kiến thức phù hợp với định hướng và yêu cầu của xã hội.

Điểm khác biệt là: trừ một số ngành đòi hỏi năng khiếu đặc biệt, bất cứ học sinh bình thường nào nếu thực sự yêu thích, mong muốn và quyết tâm theo một ngành nào đó đều có cơ hội để theo đuổi đam mê của mình!

Điểm khác biệt rất quan trong nữa: chuyên là để lớp trẻ có cơ hội phát triển tốt nhất phù hợp với ý nguyện và năng lực của bản thân chứ không phải theo mong muốn, áp đặt hay sĩ diện của bố mẹ.

Rất nên chuyên! Chỉ làm sao để chuyên cho đúng cách mà thôi! Tốt nhất là tất cả các trường THPT đều là trường chuyên, tất nhiên mỗi trường sẽ có một hoặc một số chương trình thế mạnh.

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Lỗi lạc hay lên mây?

{By: Nguyễn Thành Nam}

Thời này mà không lên mây “go cloud” để học và dạy, là lỗi lạc, tức là lỗi thời và lạc hậu!

Đó là quan điểm của tôi trong cuộc hội thảo mini tại nhà 1 người bạn ở Mỹ, có mặt trưởng khoa công nghệ (tạm gọi là giáo sư R) và trưởng khoa kinh doanh (giáo sư N) của mấy trường đại học bang (State University) có máu mặt của Mỹ.

R cực lực phản đối. Online chỉ là chiêu dụ sinh viên yếu kém của mấy trường sinh sau đẻ muộn, muốn khác biệt. Như Phoenix ấy, đổ tiền tấn ra quảng cáo, trong khi đáng nhẽ tiền ấy phải vào trường sở, giáo sư để cải thiện chất lượng sinh viên. Giờ đang sa sút.

Coginitive Science (tạm dịch là: khoa học nhận thức) đã chứng minh rằng, chỉ có giao tiếp trực tiếp là cách truyền đạt trí thức tốt nhất. Vả lại không tin được mấy ông sinh viên, vắng mình ra đời nào ông ấy chịu học. Như con tao cũng vậy, suốt ngày đã ôm iPad rồi, phải đến giảng đường chứ.

Tao không biết khoa học nói thế nào, nhưng mày cũng đã phải thừa nhận là thời gian con mày ở trên mạng càng ngày càng nhiều hơn. Sao không lên đấy mà dạy cho nó, mà lại cấm đoán, đi ngược lại với các nguyên tắc sư phạm. Tiếng Việt bọn tao nói: trời không chịu đất thì đất phải chịu trời.

N thận trọng hơn. Tao cũng đã từng nghĩ như mày R ạ.Bọn Phoenix sa sút không phải là vì nó kém đâu. Chẳng qua trước đây chúng nó 1 mình 1 chợ.Bây giờ nhiều trường có tiếng cũng nhảy vào giành thị phần online. Bọn tao đang thử. Mở 2 khóa song song. 1 khóa lên lớp bình thường, 1 khóa online. Nhưng sếp tao cũng không thích online, nên bắt đặt giá online gấp đôi trên giảng đường. Lại còn vẽ đường là nếu chán online quá có thể chuyển ngang sang học trên giảng đường, trả lại tiền.

Bọn mày biết kết quả thế nào không. Chỉ có bọn học trên giảng đường chuyển sang online, không có đứa nào chuyển ngược lại. Quả thật là tao cũng chẳng biết thế nào cả.

Thử gì nữa, làm thôi. Cách đây gần 15 năm, bọn tao cũng đã đứng trước một lựa chọn tương tự: làm báo truyền thống, hay chuyển thẳng sang báo điện tử thuần túy. Bọn tao đã đặt cược vào tương lai và bây giờ VnE là tờ báo lớn nhất Việt nam. Tháng 9 này tao sẽ khai trương một trường "trên mây" tại Việt nam cấp bằng kỹ sư Công nghệ phần mềm. Không cưỡng lại xu hướng được!

Thằng Nam nói đúng đấy, N tiếp lời tôi, nếu online trở thành xu hướng, các trường đại học Bang của Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì các trường đó được thiết kế theo khu vực địa lý dân cư. Bây giờ lên mây, xóa nhòa khoảng cách, không khéo chỉ còn vài ba trường tồn tại được. Winner take all. Các trường khác có lẽ đi làm giáo trình thuê… Thê thảm:-(

R tỏ ra bối rối, nhưng cũng không tranh luận tiếp.
Bẵng đi một thời gian, thấy R liên lạc lại:
- Tao suy nghĩ rất nhiều sau buổi tranh luận hôm nọ. Có lẽ bọn tao cũng phải thử, bắt đầu bằng một khóa cao học online về Công nghệ phần mềm, mày thấy thế nào.
- Quá hay ấy chứ, học bọn tao lấy bằng cử nhân xong, sẽ khuyến khích chúng nó lấy bằng cao học của mình. Bọn tao sẽ khai trương vào tháng 10 đấy, có tên rồi www.funix.edu.vn.
- Chúc mừng mày!

Một ngày cuối tháng 8, R gọi, mai tao đến Đà nẵng, có gặp nhau được không? No problem, để tao vào. R tiếp tôi ở sảnh Novotel, gọi Americano. Tôi gạt phắt, đến Đà nẵng phải ra biển, nhậu hải sản.
Thế là chúng tôi ra 4U uống La Rue, ăn mực nướng chém gió về đổi mới giáo dục đại học. R xuất thân lao động, nên rất hiểu sự khát khao học tập của dân Việt nam.

Tôi thì ca ngợi nền giáo dục đại học Mỹ, nhưng quá đắt đỏ và rất ít người có thể chấp nhận được. Chúng tôi cãi nhau về tính thực tế của chương trình. Việc làm hay nền tảng? Và cái gì là nền tảng cần ngay còn cái gì chưa cần thiết, có thể sẽ học sau?

Ngà ngà, R tâm sự: mày cũng chưa hẳn thuyết phục được tao. Nhưng để tao kể cho mày 1 câu chuyện. Bố tao làm nghề thợ khoan (kiểu khoan cắt bê tông ấy). Ở bang tao, nghề này kiếm được lắm. Lương bét ra cũng được 75k(75 ngàn đô)/năm. Trong khi đó lương tiến sĩ Toán chỉ được khoảng 40k. Mày thấy buồn cười không?

Sao mày không mở béng chuyên ngành Khoan trong trường mày? Trớ trêu chính ở chỗ đấy. Trường tao mà mở chuyên ngành Khoan, thì sẽ chỉ đào tạo ra những nhà khoa học Khoan. Vẫn không Khoan được! Thôi chúng mày cứ đào tạo các nhà khoa học Khoan. Bọn tao dạy Khoan, xong lại gửi sang chúng mày kiếm $75k. Có vẻ hợp lý hơn !

Chúng tôi chốt lại, sẽ mở chương trình thạc sĩ CNTT tiếp nối với FUNiX. Online 100% cùng với sự mentor từ Mỹ và Việt nam, các dự án thực tế của học viên tại Việt nam sẽ được tính để bớt thời gian học.

Khóa đầu sẽ có 100 sinh viên cao học. Tôi chém với R như đinh đóng cột sau 1 chai bia nữa, mặc dù FUNiX lúc đó còn chưa ra đời:-)

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

Bắt đầu từ đâu?

{By: Nguyễn Thành Nam}

Ước mơ có thể rất to lớn, nhưng hành động cụ thể mới là điều khó nhất.

Nhân có cuộc tranh luận về việc các thành viên chính phủ mới cần làm gì, kể lại một bài học của bản thân học được từ các em sinh viên Bruney

Năm 2013, chúng tôi quyết tâm mang sinh viên nước ngoài sang Việt nam học, để chứng minh là chất lượng đào tạo của mình là ổn. Chém gió nóng lưỡi, mỏi tay, được một lớp sinh viên Bruney.

Ngày tốt nghiệp, chúng tôi tổ chức rất trang trọng, và đề nghị các em góp ý thẳng thắn.
Một em nữ xin phát biểu:
- Thưa thầy, em rất thích Việt nam. Trường đẹp, thầy giáo nhiệt tình, bạn bè rất vui. Lại còn được shopping. Em chỉ có một góp ý nhỏ về phòng y tế.
- Em cứ mạnh dạn kể đi.
- Thưa thầy, hôm đó em bị một hạt bụi bay vào mắt. Mãi không ra, em phải lên phòng y tế!
- Thế có hết không?
- Hết ạ, nhưng bác sĩ banh mắt em ra thổi.

Tôi cười, đúng là trẻ con.
- Ở nước thầy mọi người đều làm thế em ạ.
- Em biết, ở nước em cũng làm thế. Nhưng em muốn góp ý về 3 vấn đề khác.

Căng thẳng đây - Em nói đi.

1/ Khi em vào, bác sĩ đang nằm gác chân lên bàn
2/ Bác sĩ không rửa tay trước khi banh mắt em
3/ Bác sĩ hút thuốc nên hơi thở rất hôi


Tôi chợt hiểu ra, để đi được đến đích, chúng tôi phải sửa từ những điều tưởng như là nhỏ nhất, nhưng thực ra sẽ là khó nhất!

Rất may là sau đó đã có rất nhiều lứa các em vẫn tiếp tục sang học!

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Nghịch lý!

{By: Khúc Trung Kiên}

Con chim, con cá hoàn toàn không có tư tưởng hay chủ thuyết. Chúng sống dựa trên nguyên tắc căn bản của sinh tồn và hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Và chúng sống cuộc sống của chúng: khó khăn và tự do.

Con người, có rất nhiều thứ mà các loài khác không có. Ngôn ngữ, khoa học, tư tưởng, phương tiện, tôn giáo, tri thức,... những thứ được truyền tải cho một đứa trẻ một cách ào ạt, hệ thống và có tính cưỡng bức. Không hẳn đứa trẻ đã muốn tiếp thu những thứ đó, chúng không được lựa chọn.

Nếu quan sát kỹ cuộc sống của một con chim và so sánh chúng với một con người, không ai dám chắc cuộc sống nào là đáng sống hơn, tự do hơn và đúng nghĩa cần có của cuộc sống hơn.

Chưa kể một sự thực là con người đang dần tước bỏ môi trường sống của nhiều loài sinh vật khác. Họ đang tiêu diệt lẫn nhau và hủy hoại chính môi trường sống của mình.

Chưa hẳn ngôn ngữ, trí tuệ, khoa học, công nghệ hay những tư tưởng, những giáo lý mà con người dựa vào để trở thành loài chiếm ưu thế trên trái đất đã là quà tặng của cuộc sống.

Biết đâu, đó lại là trừng phạt!

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Đau đầu

{By: Minh Chiet}

Một ông đau đầu, đến bác sĩ khám

- Hút thuốc?
- Không
- Uống rượu?
- Không
- Gái mú?
- Không
- Rõ rồi. Ông là thánh. Vòng hào quang hơi chật làm ông đau đầu.

Trở nên tốt hơn sau bi kịch

{By: Khúc Trung Kiên}

Nội chiến 1861-1865 là cuộc chiến đẫm máu: 750,000 lính tử trận, không xác định được số thường dân thiệt mạng; gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng kinh tế của các bang miền Nam bị phá huỷ; sự thống nhất quốc gia bị đe doạ nghiêm trọng.

Cuộc chiến là bi kịch lớn nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ. Nhưng chính những bài học rút ra từ nội chiến đã giúp đất nước này phát triển, văn minh và thịnh vượng.

Ngày 9/4/1865 tại làng Appomattox Court House bang Virginia, đại tướng Robert Lee, tư lệnh binh đoàn Bắc Virginia tuyên bố đầu hàng quân miền Bắc. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông và tư lệnh lực lượng miền Bắc, tướng Ulysses Grant và nhận được các điều kiện đầu hàng:

1. Các sỹ quan của quân miền Nam từ cấp chỉ huy đại đội trở lên phải ký một cam kết với lời hứa danh dự là sẽ không cầm vũ khí chống lại chính phủ Hoa Kỳ. Chỉ huy các đại đội cam kết thay cho binh lính dưới quyền.

2. Vũ khí lớn và tài sản công cần được tập hợp và chuyển giao cho đại diện quân miền Bắc được chỉ định. Việc này không bao gồm vũ khí cá nhân, ngựa, trang bị và các tài sản riêng của sĩ quan, binh lính quân đội miền Nam.

3. Các sĩ quan, binh lính quân đội miền Nam được cấp lương thực và tự do trở về nhà, sinh sống bình thường và không bị các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ quấy nhiễu chỉ cần họ tuân thủ lời hứa danh dự đã cam kết.

Tướng Ulysses Grant

Ngày 14/4/1865, buổi lễ tiếp nhận đã được tổ chức. Chuẩn tướng Joshua Chamberlain là sĩ quan của Liên bang miền Bắc được chọn lựa để chỉ đạo sự kiện này.

Ông đã viết lại như sau: "Phía trước chúng tôi, trong sự bẽ bàng tràn khắp, hiện thân của nhân loại đang đứng đó: những con người mà cả cực khổ hay đau đớn, cả sự thật về cái chết, cả tai họa, cả sự tuyệt vọng cũng không thể lay chuyển quyết tâm của họ; giờ đứng trước mặt chúng tôi, gầy yếu, kiệt sức và đói khát, nhưng đứng thẳng người và mắt nhìn thẳng vào mắt của chúng tôi, làm sống dậy những kỉ niệm đã kết nối chúng tôi lại với nhau như không có một liên kết nào khác"

Chamberlain đã yêu cầu các sĩ quan và binh lính miền Bắc xếp hàng nghiêm trang và bồng súng chào, bày tỏ sự tôn trọng đối với mỗi một đơn vị của quân miền Nam tiến đến giao nộp vụ khí.
Những người chiến thắng đã bồng súng chào những đội quân đến hàng, một cách trân trọng và hào hiệp. Họ không reo hò, không thổi kèn chiến thắng, không ai miệt thị những người thất bại.

Sự kính trọng được đáp lại bằng kính trọng.

Người ta kể rằng, sau này Robert Lee luôn nổi giận khi bất cứ ai tỏ ra không tôn trọng tướng Grant. Thiếu tướng John Gordon, chỉ huy quân đoàn 2 - một đơn vị đến đầu hàng hôm đó, gọi Joshua Chamberlain là “chiến binh hào hiệp nhất của lục quân Hoa Kỳ".

Hơn 27 ngàn quân miền Nam đầu hàng ở Virginia. Nhưng khi tin tức được lan truyền qua các bang miền Nam, gần 160,000 quân được tổ chức và trang bị tốt lần lượt hạ vũ khí, gần như không có trận đánh nào đáng kể tiếp theo. Chiến tranh kết thúc.

Từ một bi kịch khủng khiếp, nước Mỹ đã đạt được 2 thành tựu vô cùng lớn lao. Ngày 22/9/1862, tổng thống Abraham Lincoln công bố "Tuyên ngôn giải phóng nô lệ", chế độ nô lệ vĩnh viễn bị xoá bỏ về mặt pháp lý trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Thành tựu còn lớn hơn: họ học được cách hoà bình để cân bằng lợi ích, xử lý các mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn tư tưởng, mâu thuẫn quyền lợi, khác biệt văn hoá,... và xoá bỏ hận thù để biến một đất nước từ to lớn thành vĩ đại.

Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp đã giúp nước Mỹ có một cơ cấu chính quyền tiến bộ bậc nhất, chính quyền của nhân dân. Bài học từ nội chiến củng cố niềm tin không thể lay chuyển vào các giá trị mà những người sáng lập hướng đến.

Chính những điều đó giúp nước Mỹ trở thành văn minh và vượt trội. Các nước phát triển mạnh mẽ gần đây có thể cạnh tranh với Mỹ về kinh tế hay của cải tích luỹ, nhưng có lẽ trong hàng trăm năm tới cũng không thể cạnh tranh về các giá trị nhân văn mà nước Mỹ cống hiến cho nhân loại.

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

Học là một chuyện...

{By: Minh Chiet}

Báo chí đưa tin nhiều thủ khoa, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp - như là thảm hoạ. Tôi nghĩ chẳng có vấn đề gì. Người khuyết tật, vô học thất nghiệp thì mới đau đầu. Người có sức khoẻ, biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia như con hổ đủ răng đủ vuốt, nếu đói hãy tự trách chính bản thân.

Công ty tôi có anh thủ kho, từng tốt nghiệp tổng hợp toán. Anh làm thủ kho rất tốt và thu nhập gấp 4-5 lần giáo viên toán của trường phổ thông hay đại học.

Bạn tôi là TS tự động hoá, học tây - bây giờ làm giám sát công trình xây dựng, suốt ngày ở ngoài công trường đếm vật tư vì thu nhập cao gấp 10 làm chuyên viên nghiên cứu ở Viện Hàn lâm KHCN. Nhiều người như vậy. Và họ chẳng kêu ca gì.

------------------------
Học toán để làm gì? (post lại bài viết đã lâu lâu)

Tôi đi thăm UK. Hướng dẫn du lịch là Tiến sỹ toán từ trường Oxford. Ông này thông minh, nói chuyện rất hay. Ô nói làm xong luận án TS ở Oxford tất nhiên là danh giá, được mời làm cho một quỹ đầu tư lớn, chuyên phân tích rủi ro, thiết kê mô hình... lương cũng khá, 100 ngàn bảng/năm.

Khủng hoảng tài chính 2008, thất nghiệp dài. Xin mãi không được việc gì danh giá hợp nghề toán, đi làm hướng dẫn viên du lịch. Thông kim bác cổ, ăn nói hài hước nên đông khách. lương cơ bản 2.5k bảng (khoảng 4.200 USD tháng) thêm tiền tip nữa, tháng đút túi 6 ngàn mỹ kim. Hài lòng. Cũng bằng thu nhập sau thuế khi làm cho quỹ đầu tư.

- Khổ nhất là lúc thất nghiệp. Tao ngu quá khai là TS toán Oxford, làm quỹ đầu tư lớn. Không ai nhận. Sau khai bừa là lông nhông bồi bàn, chạy tour ngoài ra rảnh rỗi ng cứu toán cao cấp, mô hình đầu tư, lịch sử, văn học thế là mấy chục công ty nhận luôn.

Bồi bàn biết toán cao cấp thì hơn đứt TS toán làm bồi bàn.

P/S: trường này có thư viện rất nổi tiếng, từ 16xx tất cả các xuất bản phẩm trên lãnh thổ UK phải gửi lưu chiểu tại đây ít nhất một bản. Rất tiện tra cứu.

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

CÁC THẾ HỆ: TRƯỚC VÀ SAU

{By: Hoàng Minh Châu}

Mỗi thế hệ người Việt đều có thói quen tự cho mình là trung tâm; các thế hệ khác, cho dù là đến trước hay đến sau, chỉ là những kép phụ? Trong hầu hết các tổ chức ở Việt Nam, cán bộ trẻ thì thấy lãnh đạo đã già, đã lỗi thời. Lãnh đạo già thì thấy cán bộ trẻ chưa chín, chưa đủ tin cậy.

Trong gia đình, chuyện tương tự cũng xảy ra. Các thế hệ cũng không thật sự tin cậy nhau. Khi còn sống, cha tôi là người rất từng trải, nhưng mỗi khi ông muốn dạy dỗ tôi điều gì thì tôi luôn nghĩ rằng, kinh nghiệm của ông đã lỗi thời, không còn phù hợp với thế hệ chúng tôi.

Và bây giờ khi nói chuyện với mấy cô con gái sắp bước vào đời, tôi cũng thực sự tin rằng, kinh nghiệm của tôi sẽ rất tốt cho chúng, vì chúng chưa từng trải. Thế hệ trước đã lỗi thời. Thế hệ sau thì chưa đủ chín. Thế hệ chúng ta mới là trung tâm!!!

Bạn đừng vội nghĩ rằng, khi ta nhận thức được vấn đề này là ta sẽ biết cách đối xử đúng mực với các thế hệ trước và sau. Không đơn giản như thế, vì các thế hệ không cùng nhìn một hướng. Thế hệ già sẽ nhìn nhiều hơn về quá khứ.

Thế hệ trẻ chỉ thích nhìn về tương lai. Và “ước muốn làm điều tốt” là chưa đủ. Cha tôi muốn dạy điều tốt cho tôi, nhưng lại làm tôi khó chịu. Đến lượt tôi muốn điều tốt cho con gái mình thì chỉ làm cho các cháu khó xử hơn.

Theo quy luật tiến hóa tự nhiên, khi các điều kiện sống không có sự thay đổi đặc biệt thì thế hệ sau nói chung hoàn thiện hơn thế hệ trước. Quy luật xã hội cũng thế. Berna Shaw từng nói một cách rất ý nhị rằng “con cháu chúng ta hát hay hơn ông bà chúng ta”.

Chỉ cần điểm qua các kỷ lục thể thao olympic chúng ta cũng có thể thấy các thế hệ sau nhảy cao hơn, chạy nhanh hơn nhờ các phương pháp huấn luyện ngày càng hoàn mỹ và công nghệ ứng dụng trong thể thao ngày càng hiệu quả. Vì thế nhiều người tin rằng thế hệ sau không nhất thiết phải theo khuôn mẫu của các thế hệ trước.

Nhưng cuộc sống không chỉ bao gồm từng thế hệ đứng riêng lẻ mà là một quá trình nối tiếp. Nhân loại vẫn đi trên rất nhiều con đường cha ông đã mở, ở trong những ngôi nhà mà cha ông đã xây. Người Nhật, người Trung Quốc… vẫn theo những nề nếp văn hóa tổ tiên để lại.

Họ không bắt buộc phải theo khuôn mẫu của quá khứ, nhưng họ vẫn theo.

Vì thế kiến trúc, trang phục, âm nhạc, hội họa… của họ mới mang đậm cá tính dân tộc. Mỗi người Nhật, người Trung Quốc… hôm nay đều học được rất nhiều từ truyền thống của tổ tiên mình, người sau kế thừa người trước, các thế hệ nối tiếp nhau vun đắp cho cái văn hóa vốn rất có cá tính lại ngày càng trở nên giầu bản sắc.

Nhìn lại Việt Nam, chẳng còn thấy mấy thứ có bóng dáng truyền thống. Kiến trúc không giống Tầu thì giống Tây. Trang phục không giống Tây thì giống Tầu; bây giờ còn giống thêm Hồng Kông, Hàn Quốc… Chữ Nôm cũng bị xếp xó. Âm nhạc còn tệ hại hơn. Hầu hết nhạc cụ dân tộc đều được sửa dây để có thể chơi nhạc mới, chỉ còn hình dáng là “dân tộc”.

Tổ tiên chúng ta bây giờ sống lại, chắc buồn lắm, vì cái gì để lại chúng ta cũng bỏ, cũng chê. Phải chăng tổ tiên người Trung Quốc, Nhật Bản… để lại cho con cháu những di sản có giá trị, còn tổ tiên chúng ta thì không? Tôi không tin như thế.

Tôi tin là, di sản văn hóa của ông bà để lại, chúng ta đã bảo quản rất không tốt, vì không trân trọng. Ví dụ, đầu thế kỷ 20, chúng ta có hơn 50 vở chèo cổ; và bây giờ, chúng ta chỉ còn giữ được một vở Quan Âm Thị Kính và một nửa vở Súy Vân giả dại. Những vở khác thì hoặc kịch bản bị thất lạc, hoặc không còn nhớ bối cảnh dàn dựng và tất nhiên là không có diễn viên hát được chèo cổ...

Có lẽ, chúng ta là một đám người bất hiếu không thích đi theo con đường tổ tiên đã đi; và vì thế con cháu chúng ta chắc chắn sẽ đi theo con đường riêng của chúng. Lịch sử của Việt Nam bị cắt khúc thành các thế hệ, rất ít sự kế thừa.

Lỗi ở thế hệ nào, trước hay sau?

Khi ở trong quân ngũ, tôi đã từng hành quân và hiểu một điều: chỉ cần người đi sau bám theo bước chân của người đi trước là hàng quân sẽ liên tục, không bị đứt đoạn. Bạn có thể không ngoái nhìn phía sau, nhưng nhất thiết phải bám sát người đi trước. Bạn không phải là trung tâm của hàng quân. Trước bạn có nhiều người và sau lưng cũng thế. Nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn là bám sát người đi trước.

Nếu nhìn cuộc sống là một quá trình, thì chẳng có thế hệ nào là trung tâm. Thuyết phục thế hệ sau phải theo khuôn mẫu của chúng ta là không cần thiết. Càng không nên áp đặt chúng, vì thế hệ sau sẽ tiếp tục sống, ngay cả khi thế hệ chúng ta đã chết hết.

Điều cần thiết hơn với thế hệ chúng ta là: hãy trân trọng di sản của thế hệ trước và đi tiếp con đường mà tổ tiên đã đi. Hãy có hiếu với ông bà và đi theo các đạo lý của tổ tiên. Bằng cách đó, cơ hội con cháu tiếp nối truyền thống sẽ cao hơn là chúng ta cố ép buộc chúng, mà bản thân lại không phải là một tấm gương tốt.

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Đổ thừa!

{By: Khúc Trung Kiên}

Sau vụ khủng bố ngày 22/3 ở Brussels ông bộ trưởng nội vụ Bỉ đã thừa nhận: chúng ta đã chưa cố gắng hoặc cố gắng chưa đủ mức để ngăn chặn vụ khủng bố xảy ra.

Chả có gì đặc biệt khi người đứng đầu cao nhất nhận lỗi về mình khi có sự cố xảy ra. Nhưng đấy là chuyện nhà người ta. Người mình thì chưa có văn hoá ấy. Và không chỉ ở những người đứng đầu.

Nếu ta đỗ xe và không may có ai đó quẹt vào xe mình. Phản ứng đầu tiên là gì? Sao ngu thế, đi đứng không nhìn à? Có thể nguyên nhân lại xuất phát ở chỗ xe đỗ không hợp lý cản trở giao thông.

Nếu nhân viên hiểu và thực hiện sai ý cấp trên thì sao? Chắc là do nó cẩu thả tắc trách khi làm việc rồi, nếu không thì đầu óc cũng có vấn đề, nghe chưa rõ đã đi thực hiện!

Hai cây cầu trị giá nhiều trăm tỷ bị xà lan húc hỏng. Chưa thấy quan chức nào to to tí của ngành giao thông hay cảnh sát đường thuỷ nhận trách nhiệm cả. Các vụ tai nạn giao thông thảm khốc cũng thế. Tất cả là do ý thức người dân.

Đường ống sông Đà ai là chủ đầu tư? ai là người duyệt thầu? ai là người kiểm định thiết kế? ai là người nghiệm thu? Dân chúng và truyền thông thì hướng sang ... Trung Quốc! Hết trách nhiệm!

Ý thức người dân thì lúc nào chẳng kém, thử va chạm ngoài đường xem. Bao giờ lỗi cũng là ở thằng kia. Nếu cả 2 chết cả rồi thì chắc do thời tiết. TQ tất nhiên là nhiều thủ đoạn nhưng ta mới là người quyết định. Đi mua hàng không phải tiền túi của mình mà mua hàng dởm. Trách nhiệm thuộc về ai?

Cũng là một thứ văn hoá - văn hoá đổ thừa!
Ngẫm ra, chúng ta ai cũng có, không nhiều thì ít!

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Thơ: Khởi nghiệp

{By: Hoàng Tô}

Dạo này phong trào khởi nghiệp lên quá, mình đơn giản nghĩ khởi nghiệp giống làm nông nghiệp, gieo hạt xuống đất. Chưa bàn về đất đai thổ nhưỡng ở ta ra sao, viết nhanh mấy dòng đóng góp phong trào.

Khởi nghiệp sẽ cần nghiệp gì?

Khởi nghiệp cần tu nghiệp
Dù trong nước hay ngoài
Đừng bắt chước Bill Gates
Bạn ấy là thiên tài

Khởi nghiệp cần đồng nghiệp
Tốt nhất là bạn thân
Giấc mơ cùng chia sẻ
Hạnh phúc hơn bội phần

Khởi nghiệp cần tác nghiệp
Ý tưởng - chuyện vặt thôi
Thực thi là việc khó
Sản phẩm phải tuyệt vời

Khởi nghiệp cần chuyên nghiệp
Đâu chỉ máu là xong
Tài chính cạn là chết
Thiếu hiểu luật cũng bong

Khởi nghiệp sẽ nên nghiệp gì?

Khởi nghiệp thành lập nghiệp
Khi đạt break-even
Thu và chi cân đối
Doanh nghiêp vững lên dần

Khởi nghiệp thành cơ nghiệp
Cần thêm chút vận may
Thiên thời và địa lợi
Chăm chỉ không lơi tay

Khởi nghiệp thành đại nghiệp
Chuyện hy hữu khôn lường
Phần lớn do duyên nghiệp
Tóm lại nhờ Cô thương

Khởi nghiệp thành tội nghiệp
Khi hết sạch vốn rồi
Chưa kể nếu máu quá
Vay giang hồ là toi

Khởi nghiệp thành tạo nghiệp
Nếu "vi phú bất nhân"
Mong thành công vội vã
Việc gì cũng dám mần...

Tóm lại

Cứ can đảm khởi nghiệp
Khi nghiệp đã khởi rồi
Cứ đi ắt sẽ đến
Chưa biết đến đâu thôi

Bạn trẻ, nào khởi nghiệp!
Máu nóng đang tràn trề
Chỉ mong rằng chớ để
Dốt đội lốt đam mê!

31.3.2016

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Thiên tài

{By: Minh Chiet}

1) Chuyện thứ nhất 

Zuk 18 tuổi, sinh viên năm nhất Harvard, mời một cô cùng trường đi uống nước. Lằng nhằng cãi nhau. Cô kia coi Zuk không ra gì. Zuk ức, nốc bia rồi về phòng KTX. Viết trang web Facemash, để so sánh nhan sắc các cô sinh viên trong trường với nhau.

Để có tiền thuê máy chủ Zuk gạ Saverin, bạn cùng phòng góp 1000 đô vào công ty mà Zuk sẽ thành lập. Bổ nhiệm ku này làm GĐ tài chính của công ty để đổi lấy danh sách email 500 bạn nhóm elite của Saverin. Hack máy chủ của trường lấy ảnh, tên các nữ sinh viên của trường, tung lên Facemash.

Gửi email cho 500 sinh viên nhóm elite kia mời vào Facemash so sánh các nữ sinh để xếp hạng, 1 kiểu beauty contest qua mạng. Ngay đêm đó mạng máy tính của Harvard bị sập do lượng truy cập quá lớn.

Tất cả những việc đó Zuk làm trong 4h khi đang say mèm.

Zuk lập tức nổi tiếng. 3 sinh viên con nhà giàu Cameron Winklevoss, Tyler Winklevoss, and Divya Narendra, được giao làm web kết nối svHarvardConection.com đã lâu không làm xong, liền mời Zuk tham gia dự án. Zuk nhận lời nhưng lẳng lặng làm web theo tính năng đó cho riêng mình và đặt tên là TheFacebook. Sau này đổi thành Facebook.

Saverin có công góp 1000$ và cho Zuk danh sách email 500 sv elite của Harvard được ghi danh như co-founder của FB, và 1 lượng cổ phiếu trị giá khoảng 5 tỷ $. Ku này tếch sang Sing ở để đỡ phải đóng thuế Mĩ.

3 ku sinh viên con nhà giàu kia không viết được web nhưng có mời Zuk tham gia dự án, kiện cáo ỳ xèo, được Zuk trả cho 1.2 triệu cp của FB bg trị giá khoảng 1 tỷ cùng 20 triệu $ in cash.

2) Chuyện thứ hai

Steve Jobs rất mê ĐTDD, nhưng luôn gặp vấn đề khi sử dụng vì tất cả các mẫu smartphone hiện có đều quá phức tạp, rất khó sử dụng. Bực mình gọi 100 kĩ sư thiết kế của Apple yêu cầu thiết kế 1 loại đtdd chỉ có 1 nút bấm. Chỉ có vài kĩ sư đồng ý tham gia dự án. Và iPhone ra đời.

Mỗi khi 1 thiên tài ấm ức chuyện gì đó thì nhân loại sẽ có cơ hội nhận được 1 sản phẩm tuyệt vời.
Nếu không có tài thì chỉ cần vào được Harvard rồi làm quen v mấy ku sinh viên bẩn bẩn điên điên, sẽ có cơ hội thành tỷ phú.

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đi nhanh hay đi xa?

{By: Hoàng Minh Châu}


Sư phụ lại hỏi:

- Từ làng tới huyện, đi một mình, hay đi cùng nhiều người, sẽ nhanh hơn?
- Đi một mình nhanh hơn, thưa thầy
- Nếu đi từ làng tới tỉnh thì sao?
- Đi một mình vẫn nhanh hơn, thưa thầy.

Sư phụ gật đầu.

Tôi hiểu, nếu chặng đường không thật gian nan, đi một mình sẽ nhanh hơn. Nhưng trong cuộc sống của chúng ta, thuận lợi thì ít, gian nan thì nhiều.

Sư phụ hỏi tiếp:
- Một người có thể vượt qua xa mạc Sahara hay không?

Tất nhiên, chẳng ai một mình có thể vượt qua cái xa mạc rộng tới 9 triệu cây số vuông này. Một ngày nào đó, anh ta bị ốm và không thể gượng dậy. Nhưng một đoàn người đồng lòng thì có thể. Tôi hiểu ra lời sư phụ muốn truyền đạt: "Một mình có thể đi nhanh hơn, nhưng đông người sẽ giúp ta đi xa hơn"

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Tìm việc sau khi tốt nghiệp?

{By: Khúc Trung Kiên}

Đợt rồi thấy nhiều bài viết về việc một thủ khoa ra trường 3 tháng chưa có việc như là một vấn đề đáng quan tâm. Đúng là đáng quan tâm, nhưng là quan tâm từ khía cạnh các sinh viên mới/sắp tốt nghiệp nên chuẩn bị gì cho mình trong giai đoạn tìm việc.

Đầu tiên các bạn sinh viên tốt nghiệp và gia đình, bạn bè người thân nên xác định rõ: 3 tháng để tìm việc là chuyện rất bình thường, thập chí là quá ngắn. Thời gian cần thiết có thể là 6-9 tháng. Và không ai có lỗi trong chuyện đó.

Đấy là thời gian gần như tối thiểu để làm những việc sau đây:

1) Xác định danh mục các doanh nghiệp, tổ chức mà bạn muốn làm việc ở đó. Nên là một danh sách 10 đơn vị có ưu tiên cao và ít nhất 10 đơn vị nữa có ưu tiên thấp hơn. Nếu bạn không thể tìm ra những đơn vị đó thì lý do gì để họ có thể tìm ra bạn giữa hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đồng thời với bạn?

2) Tìm hiểu nhu cầu và các vị trí mà họ có thể tuyển dụng phù hợp với khả năng, chuyên môn, chí hướng và các yêu cầu tuyển dụng của họ. Đặc biệt là các yêu cầu mang tính bắt buộc. Nếu nhận thấy bạn không thể đáp ứng bất kỳ vị trí công việc nào của họ thì nên loại đơn vị đó ra khỏi danh sách. Thay vào đó là đơn vị khác.

3) Chuẩn bị hồ sơ: a) bạn nên viết một bản CV (resume) để giới thiệu về tất cả những điều bạn đã có, các khoá đào tạo bạn đã tham gia, kết quả học tập ở trường, các hoạt động xã hội, trình độ ngoại ngữ,.... b) copy tất cả các loại bằng cấp, chứng chỉ liên quan, c) các yêu cầu hồ sơ cá nhân chuẩn.

Nên có:
- Bộ bản mềm đầy đủ có thể gửi qua email
- 10-20 bộ hồ sơ bản cứng, có công chứng

Lưu ý: hồ sơ cần chuẩn bị kỹ lưỡng, trình bày chuẩn mực, ấn tượng và trung thực. Việc chuẩn bị hồ sơ cẩu thả hay thiếu chuyên nghiệp nhiều khi giúp bạn bị loại từ vòng gửi xe!

4) Nên đặt các đơn vị trong danh sách của bạn vào chế độ theo dõi thông tin định kỳ để biết khi nào họ tuyển dụng và tìm hiểu quy trình tuyển dụng của họ. Đơn vị tuyển dụng làm việc theo kế hoạch của họ chứ không phải của bạn. Vì vậy bạn cũng phải chuẩn bị và kiên nhẫn chờ đợi cơ hội đến.
Dù bạn là thủ khoa thì người ta cũng chỉ tuyển dụng bạn khi có nhu cầu và khi bạn là người đáp ứng tốt nhất yêu cầu trong các ứng viên.

5) Hãy xác định thời gian chờ đợi là cần thiết và có kế hoạch để sử dụng thời gian đó tốt nhất. Việc tìm kiếm công việc phù hợp chỉ là một phần của kế hoạch này. Rất nhiều việc có thể làm:

- giúp đỡ gia đình
- tìm hiểu, mở rộng các mối quan hệ
- tranh thủ làm những việc mà bạn thích
- học thêm các khoá kỹ năng mềm ngắn hạn
- tìm cơ hội để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm
- học ngoại ngữ đến trình độ nào đó

Riêng về ngoại ngữ, nên đặt những mục tiêu chuẩn mực và cố gắng đạt đến các chuẩn mực đó. Ví dụ: tiếng Anh mức IELTS 5.0, 6.0, 7.0 - cái này cực kỳ quan trọng. Cũng có thể tìm những công việc ngắn hạn, trang trải chi phí cho mình, nhưng không nên đặt thành áp lực lớn nếu gia cảnh không khó khăn.

Khi có kế hoạch rõ ràng, phù hợp bạn sẽ thấy thời gian tìm việc cũng là giai đoạn cực kỳ quan trọng, rất có ích và giúp bạn trưởng thành hơn. Hoàn toàn không phải là thời gian khắc khoải hay tuyệt vọng.

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Vui cười: thánh bartender

{By: Minh Chiet}
Một cậu đến nhà hàng xin làm nhân viên pha rượu ở quầy bar. Chủ nhà hàng hỏi:
- trình thế nào
- ngửi là biết
Đưa cho li vang. Hắn ngửi và phán:
- canbernet, california,1988
- Ok
- Ok
- Không cần. Anh được tuyển dụng suốt đời.
Đưa tiếp li wiskey
- macallan, scotland, 1991
Chủ lấy ít nước giải của cô thu ngân cho vào li và đưa cho hắn ngửi
- Chửa tuần thứ 12. Có cần nói tên tác giả của cái thai ko?
- Không cần, cậu được tuyển suốt đời!

Hãy bảo vệ và đừng tạo áp lực cho con cái!

{By: Minh Chiet}

Dây chuyền mắc vào cửa tủ, bé 15 tháng tuổi chết ngạt. Một em 7 tuổi chết vì chui vào máy giặt, một em 17 tuổi học sinh trường chuyên tự tử. Tôi chân thành chia buồn với bố mẹ và gia đình các em.

Nhưng có điều tôi thấy cần nói, để những người làm cha mẹ biết, rằng 95% lỗi tại cha mẹ.

Có thể nhiều người nghĩ điều tôi viết ra đây làm cho người thân các em đau buồn thêm. Nhưng vấn đề vẫn còn đó. Họ có thể có những đứa con khác, những ông bố bà mẹ khác cũng có những đứa con. Và điều tôi nói có ích.

Trường hợp chết vì máy giặt, tất nhiên rất hi hữu. Nhưng đã xảy ra. Chúng ta có thể coi như một rủi ro. Và không vì thế mà các nhà kinh doanh dừng sản xuất, chính phủ cấm bán và người tiêu dùng thôi xử dụng máy giặt. Trên đời này có cả tỷ loại rủi ro tương tự.

Không ai và không bao giờ lường hết được rủi ro.

Thời trước do sợ trộm bẻ khoá nên người ta nghĩ ra loại khoá bên trong, chìa khoá buộc vào sợi dây đeo vào cổ các cháu. Khi các cháu kiễng chân luồn tay mở khoá thì trượt chân, cái dây biến thành thòng lọng treo cổ. Vài cháu đã chết.

Các tai nạn tương tự rất nhiều.

Nhiều nước tử tế sẽ giúp loại trừ 1 phần rủi ro. Ví dụ ở Mĩ sau một loạt tai nạn thòng lọng như ở VN họ ra luật cấm bán các loại áo có dây buộc cổ, buộc mũ cho trẻ con dưới 10 tuổi, khuyến cáo bố mẹ không cho trẻ con đeo dây chuyền, vòng cổ. Vì các sợi dây đó có thể biến thành thòng lọng khi các em chơi thể thao, đùa nghịch.

Chính phủ VN cũng có thể học Mĩ mà cấm trẻ con dưới 10 tuổi đeo bất cứ loại dây gì vào cổ. Tuy nhiên các ô bố bà mẹ ko nên chờ chính phủ làm cái điều họ có thể làm.

Khi cô em tôi có đứa con đầu tiên, thỉnh thoảng nó đưa cháu về thăm ông bà ngoại. Việc đầu tiên tôi làm là gọi người đến lấp cái ao mà Ba tôi vừa mới làm. Ba tôi rất bực. Tôi nói cái ao này có thể giết chết cháu ông đấy.

Khi con tôi 3 tuổi, nó bắt trước người lớn cắm ấm điện vào ổ điện và thích thú khi thấy cái ấm đỏ rực bốc khói nghi ngút. Tôi gọi thợ đến làm lại toàn bộ hệ thống điện.Tất cả ổ cắm phải cao 1m6, vì VN chưa có các ổ cắm an toàn.

Tôi đến nhà 1 bạn người Đức. Con anh 3 tuổi. 2 vợ chồng bỏ ra 1 ngày đi mua những quả bóng giống như bóng tennis để lắp vào những đồ vật có góc nhọn như bàn, tủ để khi đứa bé chạy có va vào sẽ không bị lòi mắt, vỡ đầu. Trước đó họ đã phải thay cái hàng rào thấp 80cm có những thanh sắt nhọn bằng hàng rào cao 1m6, các đầu thanh đều uốn tròn.

Khi thấy cảnh các ông bố bà mẹ VN hồn nhiên bế con trèo rào sắt nhọn vào công viên nước, bạn nói phải tống cổ ban tổ chức vào tù. Hành vi của ban tổ chức công viên nước Hồ tây nếu ở nước khác như Pháp, Đức sẽ bị coi là hành vi giết người. Tù không dưới 7 năm. Có bà bộ trưởng Y tế Pháp đã bị tù vì để lọt mấy túi máu nhiễm HIV vào hệ thống y tế. Bà ta không trực tiếp liên quan. Nhưng trách nhiệm thuộc về bà BT, và cáo trạng là tội giết người.

Chờ bọn nó đi tù còn lâu, nhưng đơn giản đừng bế con trèo rào, ai cũng làm được, không cần chờ CP và QH. Sau khi xảy ra thảm hoạ Heyssel, các sân bóng đá châu Âu phải bỏ ngay các hàng rào ngăn cách khán giả với cầu thủ, để khi xảy ra chen lấn thì khán giả có thể tràn xuóng sân thoát thân, không bị chết bẹp do bị ép vào hàng rào.

Sau khi đọc tin về cháu bé 7 tuổi chết trong máy giặt, việc đầu tiên tôi làm là xem cái máy giặt nhà mình, nó giống hệt loại mà bài báo viết. Tôi dắt bọn trẻ con vào buồng giặt, chỉ cho chúng nó thấy cái máy và dặn đừng có chui vào, chết đấy. Ngoài ra ra tôi cho lắp khoá phòng giặt, bảo cô GV phải luôn luôn khoá. Biết đâu đấy.

Tóm lại khi con chưa đủ 18 tuổi thì bố mẹ phải tìm cách ngăn ngừa các rủi ro có thể. Nếu CP thông minh thì sẽ giúp hạn chế 1 số rủi ro, nhưng đừng có chờ CP.

Còn chuyện em học sinh trường chuyên?

Lí do cụ thể tôi không biết. Từ những gì tôi đọc được thì em trầm cảm vì bị bạn bè cô lập. Tôi không nghĩ em bị trầm cảm bẩm sinh, em đã học chuyên NH, chuyển đến trường mới này đã 1.5 năm. Vậy trầm cảm nếu có là mới phát sinh.

Cũng tương tự như chết vì cái máy giặt thôi. 95% tại bố mẹ. Xin lỗi bố mẹ và người thân của em. Tôi nói những điều tôi nghĩ là có ích cho những người còn sống.

Cuộc sống, muốn hay không, là sự ganh đua khốc liệt. Từ học thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin đến tất cả các học thuyết tân thời đều như vậy. Ngay các lãnh tụ kính yêu của chúng ta cũng thường xuyên nói xã hội ta tốt đẹp gấp vạn lần XHTB, đấy là gì nếu không phải ganh đua? Có thể cấm trẻ con các nước tư bản đọc các bài phát biểu của lãnh tụ VN không? Không. Vậy chúng nó trầm cảm thì sao?

Con bạn sẽ phải ganh đua từ khi lọt lòng cho đến lúc chết. Điều đó không phụ thuộc con bạn, hay bạn. Đã là sinh vật sống thì nó theo các quy luật như thế. Không vì trường hợp này mà bộ Dục xoá bỏ hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Mà có bỏ thì vấn đề vẫn còn đó. Chẳng qua nó thể hiện rõ rệt ở môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn mà thôi. Trường thường, lớp thường cũng vậy, chẳng khác là bao.

Ông con tôi 6 tuổi. Nó tập bơi và mới bơi được độ 3m. Hôm qua tôi đưa nó xuống bể bơi. Tôi chui vào một góc để quan sát. Gặp bạn cùng lớp, đang mặc áo phao, chưa biết bơi. Nó quay ra dè bỉu ngay: bạn kém nhỉ, bơi dễ ợt, tớ nhảy xuống nước là bơi luôn.

Tất nhiên nó bốc phét, nó đã qua 2 khoá tập bơi với những vđv bơi lội hàng đầu VN. Và kết quả là bơi như ếch và thở như chó, trong vòng 3m.

Nó rất tự hào vì biết bơi, như nó nói là bơi như rái cá, điều đó không thể khoe khoang với ai trong nhà được vì ai cũng bơi hơn đứt nó. Vậy khoe với ai? Nó lượn lờ trước mặt mẹ thằng ku kia, bi bô đủ điều là bơi dễ hơn đọc với viết, vì ông ranh này đến bg không biết đọc biết viết. Tôi cũng chẳng bận tâm chuyện đọc viết của nó.

Và trước mặt ku kia thì ông con giở đủ trò: lao đầu xuống nước, lặn, ngụm, lộn nhào, bơi sấp, bơi ngửa, bơi chó, bơi ếch...ku kia càng khiếp, ngồi thu lu 1 góc.  Nếu mẹ đứa bé cũng ngớ ngẩn, hoạc nhiễm thói ganh đua dở hơi, quay ra mắng con mình: con người ta đấy, học có 2 buổi đã bơi được rồi, còn mày thì...

Những thứ khác cũng thế thôi. Luôn có những đứa bé khoe khoang những điều con bạn không có, hoặc chưa làm được. Chúng ta không thể cấm bọn trẻ con nhà người khác khoe khoang, ganh đua. Cũng như không thể cấm Ngọc Trinh khoe da trắng, không thể cấm anh Vượng khoe nhiều tiền.

Một lần có giấy mời đi xem chung kết hoa hậu VN, tôi cho cháu gái 14 tuổi, con ông anh. Anh xé vứt thùng rác. Tôi hiểu ý anh. Ngộ nhỡ nó tủi thân vì không có mông, vú và chiều cao như mấy cô hoa hậu kia thì sao.

Hãy bảo với con bạn: Kệ mẹ thằng ranh kia con ạ. Mẹ đây 40 tuổi đã biết bơi đâu. Bố con cũng chẳng biết bơi. Con cứ xuống bể bơi, nếu con không thể bơi thì lấy cô vận động viên bơi lội kia làm vợ. Khắc biết bơi.

Đừng bao giờ tạo bất cứ áp lực nào lên con bạn. Đến 18 tuổi mà nó biết đọc, biết viết, có thể nói ra suy nghĩ của nó, tự chăm sóc bản thân là tuyệt vời. Còn lại cứ kệ mẹ nó. Nếu các bạn cùng trường đói xử v nó không tốt, hãy chuyển trường cho nó. Tôi nghĩ đã vào được trường chuyên số 1 HN thì vào trường nào chả được.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Quyền lựa chọn "không trả phí"

{By: Hoàng Minh Châu}

Hôm trước đi ăn trưa cùng Nguyễn Quốc Thống, nhân nói đến việc, người dân đang kêu ca nhiều về những con đường thu phí BOT, mới nhớ lại một câu chuyện hồi đi học. Đó là năm 1998, khi chúng tôi cùng học khoá "Quản trị kinh doanh cao cấp", dành cho các doanh nhân Việt Nam, tại Đại học Dartmouth - Hoa Kỳ.

Lớp học được chia thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm phải xây dựng Bản Kế hoạch kinh doanh chi tiết cho một Dự án kêu gọi đầu tư và phải bảo vệ nó trước một Hội đồng đầu tư nghiêm túc, bao gồm những chuyên gia của các Quỹ đầu tư Mỹ và các giáo sư trường Đại học Dartmouth.

Anh bạn tôi là lãnh đạo một công ty của Bộ Giao thông. Nhóm của anh chọn đề tài là một dự án BOT mà công ty anh đang chuẩn bị thực hiện. Vì đề tài của nhóm anh xuất phát từ một dự án thật, nên Bản Kế hoạch kinh doanh rất chỉnh chu, vượt trội so với những nhóm còn lại

Nhưng nhóm của anh đã bất ngờ bị Hội đồng đầu tư đánh rớt, trong khi tất cả các nhóm khác đều đạt điểm cao. Nguyên nhân không ngờ lại đến từ đoạn đối thoại sau đây:

Hội đồng đầu tư hỏi:
- Theo bản đồ, con đường từ A đến B, mà các anh dự kiến xây dựng theo hình thức BOT, là đường độc đạo?
- Vâng.
- Người dân địa phương có thể đi từ A đến B bằng đường khác không?
- Không. Họ sẽ đi trên đường chúng tôi xây dựng lại.
- Và họ phải trả phí?
- Vâng.
- Họ có được hỏi ý kiến và chấp thuận không?
- Chúng tôi nghĩ là con đường sẽ mang lại lợi ích cho mọi người, nên không hỏi.

Chỉ đơn giản thế thôi. Rồi bị đánh rớt. Nhưng sau đó, phải mất khá nhiều thời gian, các giáo sư Mỹ mới giải thích cho các lãnh đạo ngành giao thông Việt Nam hiểu được rằng, "thu phí" không thể là sự hiển nhiên và bắt buộc. Người dân phải có quyền lựa chọn "không trả phí". Nếu họ muốn, không trả phí, như trước kia, thì phải có đường cho họ đi.

Vì thế, bạn không thể biến một con đường độc đạo, từ không thu phí, thành đường có thu phí, mà không có sự đồng thuận của người dân địa phương. Thật ấn tượng về môi trường đào tạo Mỹ: một dự án, dù chỉ là giả lập trong nhà trường, cũng không có quyền vi phạm đến lợi ích của người dân!