Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2016

Trở nên tốt hơn sau bi kịch

{By: Khúc Trung Kiên}

Nội chiến 1861-1865 là cuộc chiến đẫm máu: 750,000 lính tử trận, không xác định được số thường dân thiệt mạng; gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng kinh tế của các bang miền Nam bị phá huỷ; sự thống nhất quốc gia bị đe doạ nghiêm trọng.

Cuộc chiến là bi kịch lớn nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ. Nhưng chính những bài học rút ra từ nội chiến đã giúp đất nước này phát triển, văn minh và thịnh vượng.

Ngày 9/4/1865 tại làng Appomattox Court House bang Virginia, đại tướng Robert Lee, tư lệnh binh đoàn Bắc Virginia tuyên bố đầu hàng quân miền Bắc. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông và tư lệnh lực lượng miền Bắc, tướng Ulysses Grant và nhận được các điều kiện đầu hàng:

1. Các sỹ quan của quân miền Nam từ cấp chỉ huy đại đội trở lên phải ký một cam kết với lời hứa danh dự là sẽ không cầm vũ khí chống lại chính phủ Hoa Kỳ. Chỉ huy các đại đội cam kết thay cho binh lính dưới quyền.

2. Vũ khí lớn và tài sản công cần được tập hợp và chuyển giao cho đại diện quân miền Bắc được chỉ định. Việc này không bao gồm vũ khí cá nhân, ngựa, trang bị và các tài sản riêng của sĩ quan, binh lính quân đội miền Nam.

3. Các sĩ quan, binh lính quân đội miền Nam được cấp lương thực và tự do trở về nhà, sinh sống bình thường và không bị các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ quấy nhiễu chỉ cần họ tuân thủ lời hứa danh dự đã cam kết.

Tướng Ulysses Grant

Ngày 14/4/1865, buổi lễ tiếp nhận đã được tổ chức. Chuẩn tướng Joshua Chamberlain là sĩ quan của Liên bang miền Bắc được chọn lựa để chỉ đạo sự kiện này.

Ông đã viết lại như sau: "Phía trước chúng tôi, trong sự bẽ bàng tràn khắp, hiện thân của nhân loại đang đứng đó: những con người mà cả cực khổ hay đau đớn, cả sự thật về cái chết, cả tai họa, cả sự tuyệt vọng cũng không thể lay chuyển quyết tâm của họ; giờ đứng trước mặt chúng tôi, gầy yếu, kiệt sức và đói khát, nhưng đứng thẳng người và mắt nhìn thẳng vào mắt của chúng tôi, làm sống dậy những kỉ niệm đã kết nối chúng tôi lại với nhau như không có một liên kết nào khác"

Chamberlain đã yêu cầu các sĩ quan và binh lính miền Bắc xếp hàng nghiêm trang và bồng súng chào, bày tỏ sự tôn trọng đối với mỗi một đơn vị của quân miền Nam tiến đến giao nộp vụ khí.
Những người chiến thắng đã bồng súng chào những đội quân đến hàng, một cách trân trọng và hào hiệp. Họ không reo hò, không thổi kèn chiến thắng, không ai miệt thị những người thất bại.

Sự kính trọng được đáp lại bằng kính trọng.

Người ta kể rằng, sau này Robert Lee luôn nổi giận khi bất cứ ai tỏ ra không tôn trọng tướng Grant. Thiếu tướng John Gordon, chỉ huy quân đoàn 2 - một đơn vị đến đầu hàng hôm đó, gọi Joshua Chamberlain là “chiến binh hào hiệp nhất của lục quân Hoa Kỳ".

Hơn 27 ngàn quân miền Nam đầu hàng ở Virginia. Nhưng khi tin tức được lan truyền qua các bang miền Nam, gần 160,000 quân được tổ chức và trang bị tốt lần lượt hạ vũ khí, gần như không có trận đánh nào đáng kể tiếp theo. Chiến tranh kết thúc.

Từ một bi kịch khủng khiếp, nước Mỹ đã đạt được 2 thành tựu vô cùng lớn lao. Ngày 22/9/1862, tổng thống Abraham Lincoln công bố "Tuyên ngôn giải phóng nô lệ", chế độ nô lệ vĩnh viễn bị xoá bỏ về mặt pháp lý trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Thành tựu còn lớn hơn: họ học được cách hoà bình để cân bằng lợi ích, xử lý các mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn tư tưởng, mâu thuẫn quyền lợi, khác biệt văn hoá,... và xoá bỏ hận thù để biến một đất nước từ to lớn thành vĩ đại.

Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp đã giúp nước Mỹ có một cơ cấu chính quyền tiến bộ bậc nhất, chính quyền của nhân dân. Bài học từ nội chiến củng cố niềm tin không thể lay chuyển vào các giá trị mà những người sáng lập hướng đến.

Chính những điều đó giúp nước Mỹ trở thành văn minh và vượt trội. Các nước phát triển mạnh mẽ gần đây có thể cạnh tranh với Mỹ về kinh tế hay của cải tích luỹ, nhưng có lẽ trong hàng trăm năm tới cũng không thể cạnh tranh về các giá trị nhân văn mà nước Mỹ cống hiến cho nhân loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét