Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

LUẬT VÀ CUỘC SỐNG

{By: Hoàng Minh Châu}

Một nữ nhân viên lên xin phép bạn "thưa sếp, em muốn phá thai". Ở Việt Nam thì dễ rồi, bạn chỉ cần nói "đó là việc cá nhân của cô, liên quan gì đến tôi". Nhưng ở phương Tây, nếu bạn hành xử như thế, khi có sự cố, bạn có thể bị quy vào tội vô trách nhiệm. Vì cô ấy là nhân viên của bạn, bạn có quyền hạn với cô ấy, nên theo luật, bạn cũng phải có trách nhiệm với cô ấy. Việc cần làm là bạn phải hỏi tư vấn, xem việc phá thai cần bao nhiêu thời gian, để bố trí cho cô ấy nghỉ làm việc. Bạn phải giao cho cô ấy công việc nhẹ nhàng trong tuần đầu sau đó và bạn có trách nhiệm bảo mật thông tin, nếu cô ấy yêu cầu...

Một nhân viên khác đến gặp bạn, xin được chuyển giới tính. Ở Việt Nam, chỉ cần báo phòng nhân sự sửa lại trạng thái Nam/Nữ trong hồ sơ nhân viên là xong. Nhưng ở Mỹ thì không đơn giản thế. Theo luật Mỹ, một người muốn được phép chuyển giới tính, phải có một năm thay đổi cách ăn mặc, để truyền đạt thông tin về giới tính mới cho những người xung quanh. Trong một năm này, đương sự sẽ sử dụng phòng vệ sinh nào, nam hay nữ? Cả hai đều không được. Chẳng lẽ phải làm thêm phòng vệ sinh riêng? Lấy đâu ra kinh phí, diện tích? Nếu ở Việt Nam, cho đương sự nghỉ việc là xong. Nhưng ở Mỹ, chỉ vì lý do đó mà bị đuổi việc, đương sự có thể kiện công ty tội kỳ thì giới tính...

Những ví dụ như trên rất nhiều. Chúng cho thấy, việc thực thi luật trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng. Không riêng ở VN, mà ở Mỹ hay châu Âu, là những nước có hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, cũng khó như thế.

Tuy nhiên có một chút khác biệt về cách tiếp cận: khẩu hiệu ở Việt Nam là "sống làm việc theo pháp luật", còn phương châm ở Mỹ là "sống làm việc để không phạm luật". Và hầu hết người Mỹ không phạm luật vì sợ bị phạt. Còn ở Việt Nam, chúng ta hi vọng người dân tự giác tuân thủ pháp luật.

Sau vụ khủng bố mới đây tại Bỉ, nhiều người tranh luận về chính sách đối với cộng đồng Hồi giáo Trung Đông nhập cư. Nhiều ý kiến cho rằng, cộng đồng này, thực tế không đóng góp gì đáng kể cho Châu Âu, mặc dù họ đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Nhưng họ vẫn chưa bằng lòng. Họ không chỉ đòi xây nhà thờ Hồi giáo mà còn chất vấn những người xung quanh, tại sao chúng mày không cầu kinh, tại sao chúng mày không tin Đức thánh Ala...

Họ gây ra rất nhiều sự phiền phức và bất an cho xã hội. Nếu tư duy theo kiểu Việt Nam, thì chỉ cần đóng cửa biên giới hay trục xuất họ về nước là xong. Nhưng Bỉ hay Châu Âu không thể hành xử như vậy, vì sẽ phạm luật kỳ thị tín ngưỡng hay vi phạm nhân quyền mà Hiến pháp/Luật pháp của nước họ đã quy định.

Điều đáng học tập ở đây là: từ chính phủ đến các cơ quan công quyền đều không có quyền đứng trên luật. Dù khó khăn, dù phải trả giá đắt, nhưng sự tôn nghiêm của hiến pháp và pháp luật luôn được bảo vệ. Rất hiếm khi thấy một cơ quan công quyền của Mỹ phạm luật.

Muốn không phạm luật thì phải hiểu luật. Câu "không biết không có tội" chỉ có ở Việt Nam! Điều quan trọng đầu tiên của các bộ luật phương Tây là: việc không biết luật, không thể biện minh cho việc vi phạm luật. Vì thế các cơ quan công quyền Việt Nam nên có bộ phận Luật đủ mạnh để đảm bảo các quy định đưa ra không phạm luật, tránh ban hành mấy hôm lại bập bập... thu hồi.

Và lãnh đạo phải gương mẫu. Theo quan sát của tôi hiện nay, cán bộ càng có chức quyền, càng hay vi phạm các quy định. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ mà bạn có thể bắt gặp hàng ngày trên các tuyến giao thông. Một xe biển xanh đi quá tốc độ. Cảnh sát làm ngơ. Họ đoán, ngồi trên đó là các sếp lớn.

Trong trường hợp này, không chỉ có các sếp đi xe biển xanh cho mình quyền đứng trên luật, mà các cảnh sát đại diện cho cơ quan công quyền cũng không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ pháp luật. Người dân có mắt, không chỉ có một, mà hàng trăm triệu. Họ thấy hết. Nếu luật ban hành không áp dụng với quan, thì chả trách dân kêu ca: luật ra thêm bao nhiêu, dân khổ thêm bấy nhiêu.

Việt Nam chúng ta đang trong quá trình chuyển hoá thành nhà nước pháp quyền, còn tồn tại nhiều vấn đề là chuyện đương nhiên. Không cần phải bi quan. Quan trọng là, chúng ta có hay không, ý thức học hỏi để từng bước hoàn thiện mà thôi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét