{By: Hoàng Minh Châu}
Cuba, một nước XHCN ở Tây bán cầu, luôn chú trọng đến công bằng xã hội. Ở đây thực sự không có người giầu, người nghèo. Dân Cuba không thể nghèo, vì có tem phiếu đảm bảo, có nhà nước lo hết mọi chuyện. Dân Cuba cũng không thể giầu vì nhà nước cấm kinh tế tư nhân.
Ngày nay Cuba có thoáng hơn, cho phép kinh tế hộ tư nhân hoạt động, nhưng giới hạn về quy mô, ví dụ nhà hàng tư nhân không được có quá 20 ghế ăn. Vì thế vẫn không có người giầu. Và Cuba quan niệm, xã hội không có người giầu - người nghèo là xã hội công bằng.
Cuba có nền y tế miễn phí cho toàn dân. Giáo dục cũng vậy. Sau một số năm, các số liệu thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ học sinh da mầu đỗ đại học thấp hơn học sinh da trắng. Vậy là nhà nước quyết định hạ điểm đầu vào đại học cho học sinh da mầu, để tỷ lệ đỗ đại học của mọi sắc tộc bằng nhau.
Đó là công bằng kiểu Cuba. Dù bạn chăm chỉ hay lười biếng, nhanh nhẹn hay chậm chạp, khoẻ mạnh hay ốm yếu, thông minh hay đần độn, đầy tham vọng hay an phận thủ thường... thì kết quả cũng như nhau. XHCN đảm bảo công bằng ở đích đến. Lý tưởng mà các nước XHCN hướng tới là "Làm theo năng lực, Hưởng theo nhu cầu".
Nước Mỹ thì ngược lại. Nhiều người nói, ở Mỹ không có công bằng xã hội, vì khoảng cách giầu nghèo quá xa. Thực ra, ở Mỹ cũng có sự công bằng. Nhưng theo một cách hoàn toàn khác: công bằng ở điểm xuất phát. Nước Mỹ đảm bảo cho mọi người có cơ hội thành công ngang nhau.
Tất nhiên trong bối cảnh đó, người thông minh, mạnh khoẻ, chăm chỉ sẽ đạt được kết quả tốt hơn là những người ốm yếu, lười biếng hoặc kém thông minh. Phân hoá giầu nghèo là hệ quả tất yếu, vì Nhà nước chỉ đảm bảo cho mọi người bình đẳng về cơ hội, chứ không can thiệp vào kết quả cuối cùng.
Nước Mỹ không thấy có gì bất thường, khi trong xã hội có người giầu người nghèo. Họ quan niệm, xã hội mang đến cho mọi người cơ hội thành công ngang nhau là xã hội công bằng. Ở đây, làm nhiều hưởng nhiều - không làm thì chết đói, chứ không có chuyện, "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu".
Thực ra, hai cách tiếp cận này đều có cả điểm mạnh điểm yếu.
Công bằng kiểu Cuba có tính nhân văn cao, vì nó mang đến cho đa số người dân, sự đảm bảo về một cuộc sống không nghèo khổ. Nhưng nó triệt tiêu động lực của những người, muốn cố gắng làm tốt hơn, để nhận được nhiều hơn. Vì thế xã hội tạo ra ít sản phẩm, kinh tế chậm phát triển.
Công bằng kiểu Mỹ tạo ra động lực to lớn cho mỗi người cố gắng làm tốt hơn, để nhận được nhiều hơn. Vì thế xã hội tạo ra nhiều sản phẩm, kinh tế phát triển nhanh. Nhưng nó cũng đào sâu thêm khoảng cách giầu nghèo, vì luật pháp Mỹ không cho phép lấy của người giầu chia cho người nghèo.
Nước Mỹ cũng không muốn khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn hơn, nên họ đưa ra giải pháp điều chỉnh là, những người có thu nhập cao, phải đóng thuế cao cho phúc lợi xã hội.
Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy khẩu hiệu "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". Xã hội hướng tới công bằng thì đúng rồi. Nhưng không biết, trong khẩu hiệu này, "công bằng xã hội" - chúng ta chọn theo kiểu Mỹ hay kiểu Cuba?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét