Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

ĐỪNG TẠO THÊM VẤN ĐỀ

{By: Hoàng Minh Châu}

Quan sát những người bị stress triền miên, ta dễ nhận thấy, cuộc sống của họ có quá nhiều vấn đề. Cho dù có nỗ lực bao nhiêu thì họ cũng chẳng thể giải quyết hết, như một câu ngạn ngữ đã nói "Không có vấn đề dễ, vì nếu dễ đã không gọi là vấn đề".

Nhưng nếu ta chịu suy nghĩ một cách tích cực hơn, thì cuộc sống thực tế, không có nhiều vấn đề như thế. Chính cách nhìn sự việc tiêu cực đã tạo thêm nhiều vấn đề.

Tôi xin chia sẻ các suy nghĩ, có thể giúp ta, không vô tình tạo thêm vấn đề cho cuộc sống, để tâm trí ta thanh thản, cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.

1. Không nên coi những chuyện, không phụ thuộc vào bản thân mình, là vấn đề. Liệu bạn có thể làm gì với thiên tai, với động đất sóng thần? Trước đây, mỗi lần đi máy bay tôi thường rất lo lắng. Khi máy bay bị lắc do thời tiết xấu là tôi sợ toát mồ hôi. Nhưng sau khi ngộ ra, đã bước lên máy bay thì chuyện sống chết không còn phụ thuộc vào mình nữa, tôi có thể ngủ ngon ngay cả khi máy bay gặp thời tiết xấu nhất. Chuyện gia đình, xã hội cũng vậy. Có rất nhiều chuyện nằm ngoài tầm với của ta. Đừng để bị cuốn vào những chuyện không phụ thuộc vào mình. Hãy dành tâm trí, tập trung giải quyết những vấn đề, mà ta có ảnh hưởng trực tiếp.

2. Không nên coi những chuyện mang tính quy luật là vấn đề. Nếu bạn 18 tuổi và mặt đầy trứng cá thì đừng quá lo lắng. Qua một vài năm, trứng cá sẽ tự biến đi. Bản thân tôi, lần đầu bị gai cột sống, tôi rất lo. Nhưng khi được bác sĩ cho biết, ngoài 50 tuổi, cột sống bị vôi hoá là chuyện bình thường, tôi lại thấy bình tâm. Tuổi già và bệnh tật sẽ đến là lẽ đương nhiên. Con cái sẽ lớn và ngày càng xa chúng ta hơn. Nhưng đó không phải là vấn đề. Đó là quy luật của cuộc sống. Thay vì buồn rầu thì chúng ta nên vui vẻ vì dù con cái đã tự lập, nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn còn nhớ đến bố mẹ.

3. Không nên coi những chuyện vặt là vấn đề. Cảm cúm thì ai mà tránh được, nhưng vài hôm sẽ tự khỏi. Đừng chuyện bé xé ra to. Trẻ con hàng xóm đánh nhau là chuyện của trẻ con. Nếu phụ huynh để chúng tự giải quyết, mấy bữa chúng sẽ làm lành, lại chơi với nhau. Nhưng nếu một phụ huynh coi đây là vấn đề, trầm trọng hoá nó, rồi kéo hai gia đình vào cuộc tranh luận đúng sai tốt xấu, thì hậu quả như thế nào không ai lường trước được.

4. Đừng bao giờ để bị mắc kẹt trong sự nghi ngờ. Tin hoặc không tin đều tốt hơn. Sự nghi ngờ luôn tạo ra rất nhiều vấn đề không có lời giải.

5. Không nên vơ các vấn đề của người khác, thành vấn đề của mình. Nếu các vấn đề của sếp, của nhân viên, của họ hàng, của vợ con... đều trở thành vấn đề của bạn, thì sớm muộn bạn cũng sẽ chết chìm. Hãy để mỗi người tự giải quyết vấn đề của mình.

Sau khi áp dụng cách tiếp cận này, tôi thấy 90% các vấn đề trước đây tự nhiên biến mất. 10% vấn đề còn lại, mà ta thực sự phải đối mặt và giải quyết, là không quá nhiều. Chừng đó không đủ làm bạn bị stress.

Vả lại, cuộc sống cũng cần có vấn đề, vì nếu hoàn toàn không có vấn đề gì nữa nó sẽ hết sức nhàm chán!

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2016

Hành động hợp lý

{By: Khúc Trung Kiên}

Hiệu quả hoạt động của một quốc gia, một tổ chức hay một cá nhân phụ thuộc vào điều gì? Tự nhiên người ta sẽ nghĩ đến những năng lực/kỹ năng hay trình độ.

Không sai. Một người thợ lành nghề sẽ làm ra nhiều sản phẩm hoặc sản phẩm chất lượng hơn trong cùng một thời gian. Nhưng nếu xét trên tổng thể hiệu quả có lẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tính hợp lý của hành động.

Người thợ làm ra nhiều sản phẩm rất hiệu quả nếu xét theo một nghĩa, nhưng nếu sản phẩm đó không tiêu thụ được thì sẽ là tai họa cho doanh nghiệp. Xây cây cầu chỉ dẫn vào ... nhà ông chủ tịch xã thì đó là không hiệu quả.

Nếu bạn có một xô nước, cách bạn 1 km có một đám cháy, bạn xách xô nước chạy đến đám cháy thì là vô nghĩa. Sẽ hiệu quả hơn nếu tưới cho cái cây đang héo, cách bạn vài mét.

Việc ra dọn rác ở Bờ Hồ là hành động tốt, đáng trân trọng. Nhưng sẽ hợp lý hơn nếu khuyến khích mọi người giữ vệ sinh ngay ở trong nhà mình, cầu thang của chung cư, rồi đến ngõ phố mà mình đang sinh sống. Hay cụ thể hơn là không vất rác ngay dưới chân mình.

Điều đáng nói là những hành động không hợp lý thường được thúc đẩy bởi cảm xúc và tình cảm. Nhất là đối với đám đông. Hành động hợp lý lại dựa trên hiểu biết, lý trí và đánh giá đúng tình huống.

Để cảm xúc chi phối hành động không hợp lý
Hành động theo tình cảm không hợp lý
Hành động theo đám đông không hợp lý
Ngược với đám đông càng không hợp lý

Thế nên phần lớn hành động của chúng ta là không hợp lý, tất nhiên hiệu quả sẽ thấp thôi. Thêm chút: một hành động không hợp lý sẽ dễ dàng dẫn đến những hành động không hợp lý tiếp theo, kể cả những hành động trước đó là hợp lý (do điều kiện đã thay đổi).

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Bài thơ không vần

{By: Khuc Trung Kien}

Chiều Hà Nội mưa giông
Những cánh chim vội vã tìm về tổ
Các anh cũng bay lên
Sao mãi chưa về?

Các anh đã sống
Giản dị bình thường
Vất vả mỗi ngày
Từ bữa cơm ăn đến trường con đi học
Cùng những ưu tư cho số phận giống nòi

Có thể chết cũng không đáng sợ
Bằng việc chưa được sống
Nhưng đã hết lo đâu
Sao anh mãi không về?

Tổ quốc gọi tên các anh nghẹn giọng
Cánh chim lạc cuối cùng
Đã tìm về được tổ

Chiều Hà Nội mưa giông
Sao anh mãi chưa về?

KTK - 6.2016

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Tư duy kỳ dị

{By: Khúc Trung Kiên}

Vô tình đọc một bài viết về bệnh tâm thần phân liệt. Một loại bệnh thần kinh nặng. Khoảng 1% dân số thế giới bị bệnh này, không phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội, văn hoá, kinh tế hay môi trường sống. Có một số dạng bệnh điển hình.

1) Hoang tưởng vĩ cuồng. Người bệnh luôn tưởng tượng mình là trung tâm thế giới, là Đức Chúa, là Phật,... Một biến thể của dạng này là ... coi mình là người tốt, thánh thiện nhất. Tất cả những người khác, nhất là ai trái ý hoặc khác mình là bọn xấu.

2) Hoang tưởng sợ hãi. Có chuyện về anh chàng nghĩ mình là hạt thóc, thấy con gà là bỏ chạy. Bác sĩ thuyết phục anh ta là người thì anh ta cãi: nhưng con gà nó không nghĩ thế. Biến thể: ăn cái gì cũng độc, uống cái gì cũng chết, gặp ai cũng là lừa đảo,...

3) Rối loạn ngôn ngữ. Logics luẩn quẩn, rắc rối, khó hiểu. Sử dụng ngôn ngữ kỳ quặc hoặc quá nghèo nàn. Lặp đi lặp lại một vài từ nhất định trong mọi trường hợp. Cứ như thể nếu dùng những từ bình thường thì không phù hợp với đẳng cấp hay trí tuệ của người nói.

Còn khá nhiều dạng khác, nhưng chỉ với 3 loại trên đây xem ra tỷ lệ người mắc chứng tâm thần phân liệt có lẽ lên đến 30-40% rồi. Thêm vài dạng nữa có khi lại 100% mất.

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

All the way!

{By: Khúc Trung Kiên}

Buổi tối trước ngày Barack Obama đến thăm chính thức Việt Nam lại xem bộ phim về Lyndon Johnson, tổng thống thứ 36 của nước Mỹ. Người có vai trò khá lớn trong chiến tranh Việt Nam trước đây.

Trước mình cứ nghĩ có những TT Mỹ đóng vai trò khá mờ nhạt trong lịch sử và tiến bộ của quốc gia này. Nhưng nếu bỏ qua những hận thù và xung đột, chịu khó tìm hiểu thì sẽ thấy: mỗi vị tổng thống của Mỹ đều có những đóng góp rất đáng kể trong việc tạo ra những giá trị cho văn minh nhân loại.

Một cơ chế chọn lọc tuyệt vời. Chỉ có những người tốt nhất, theo đuổi những giá trị văn minh nhất, có khả năng đóng góp nhất cho sự tiến bộ của nước Mỹ và nhân loại, mới có thể trở thành tổng thống. Thêm nữa: không có ai trong số họ là hoàn hảo.

P/S: Nếu năm nay dân Mỹ chọn Donald Trump làm tổng thống thì chắc chắn họ có cái lý của mình, ông này cũng không phải là kẻ tầm thường dù phong cách hơi dị.

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

ÔNG ĐẠI SỨ

{By: David Mann “The Ambassador” }
{Người dịch: Kim Chi}

Không có nhiều người nước ngoài hiểu Việt Nam như Ted Osius, từ quê hương Maryland, lần đầu tiên đặt chân Osius tới Việt Nam là năm 1996, nhà ngoại giao trẻ măng tới làm việc tại Tòa Đại sứ Hoa Kỳ. Thời đó Osius vẫn còn đạp xe đạp chạy đi khắp mọi nơi ở Hà Nội, còn có thể thực hành vài câu tiếng Việt với ông hàng nước, bà hàng hoa mà chẳng ai để ý.

“Khi nghe tôi thốt ra mấy câu tiếng Việt, người ở miền Bắc thì bảo tôi nói giọng Nam, còn người ở miền Nam thì bảo tôi nói giọng Bắc. Hồi đó ngoài phố toàn là xe đạp thôi, xe máy chỉ lác đác.”

Osius đi nhiệm kỳ ở Việt Nam lần đầu cũng đúng vào lúc hai nước mở ra quan hệ mới – là mối quan hệ đã mang lại những thành quả đáng ngạc nhiên tưởng không thể nào đạt được trong thời gian hai mươi năm kể từ khi bình thường hóa và cấm vận thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam được dỡ bỏ.

Osius đã trở lại một nơi hoàn toàn khác. Không phải đơn thuần là Việt Nam nay đã thay đổi rất nhiều, mà cũng vì nhà ngoại giao trẻ trung ngày nào nay ở cương vị đại sứ vào thời điểm quan hệ nay nâng lên tầm đối tác toàn diện làm nền tảng cho sự gắn kết chặt chẽ hơn về chính trị, kinh tế và chiến lược mà 20 năm trước đây còn là giấc mộng xa xôi.

Osius nói “Đối với tôi việc được trở lại đây quả là giấc mơ đã thành, tôi biết tiếng Việt lại đã từng làm việc ở đây từ 1996 tới 1998, nên đúng là tôi được trở lại chốn xưa yêu dấu. Được có mặt ở đây vào thời điểm này cũng thật là tuyệt để xây móng cho mối quan hệ mới.”

Mối quan hệ mới này được dựng trên cơ sở chín trụ cột hợp tác trong mọi lĩnh vực từ giáo dục đến môi trường, như đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Obama đề ra từ năm 2013. Osius nói trách nhiệm trong cương vị đại sứ là phải biến những nội dung lớn lao ấy thành hiện thực.

“Tổng thống Obama đã nói với tôi hãy làm cho đối tác này thật sự có ý nghĩa, phải làm sao biến những điều ghi trên giấy thành sự thật. Tôi muốn thấy quan hệ hợp tác ấy sâu sắc trong lĩnh vực giáo dục, thương mại và kinh tế, về nhân quyền, về an ninh và môi trường, khoa học, công nghệ và y tế. Tôi cho là chúng ta đang xây dựng tầm nhìn chung cho 20 năm tới. Đó không phải chỉ là tầm nhìn của tôi mà còn là tầm nhìn của Việt Nam, đó là tầm nhìn mà chúng ta cùng xây dựng và thực hiện.”

Osius cũng mang tới làn gió mới của thế kỷ 21 cho hoạt động ngoại giao, đặc biệt chú trọng việc kết nối với giới trẻ của Việt Nam thông qua mạng xã hội và thường xuyên nhận các lời mời tới phát biểu tại các trường đại học của Việt Nam. Nỗ lực đó thật bõ công ông đại sứ, chỉ tính từ tháng 12 năm ngoái khi ông bắt đầu lên Facebook, tới giờ ông đã có tới 12 ngàn người theo dõi.

“Cứ nghĩ mà xem, trước đây nào ai dám mơ đại sứ mà lại tương tác trực tiếp được với hàng ngàn bạn trẻ trên Facebook. Ngày nay nhờ internet mà mọi người trở nên rộng mở hơn trong các cuộc thảo luận, công khai hơn trong các liên hệ với nhau và cũng là nơi thể hiện rõ ràng hơn những ước muốn về tương lai.”

Việt Nam là quốc gia mà thái độ trong vấn đề đa dạng về giới vẫn đang còn đang manh nha, Đại sứ Osius nói Việt Nam đã rất tốt với ông, đối với người chồng của ông là Clayton Bond và đối với hai đứa con ông là Tabo, 16 tháng, và Lucy, mới sinh đầu năm nay. “Tôi là đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở vùng Đông Á công khai là người đồng tính. Chỉ cách đây vài năm thôi thì chuyện này khó đấy. Hồi tôi mới vào ngành ngoại giao thì cũng không ai dám hở ra đâu, nhưng ngày nay đã khác nên tôi vừa được có chồng có con mà vẫn được bổ nhiệm đến nơi mà tôi có nhiều kinh nghiệm. Tôi đã được đánh giá trên cơ sở năng lực của mình, khả năng cống hiến của mình, những thành tích tôi đã đạt được từ trước tới nay chứ không phải dựa vào sự phát xét về gia đình tôi. Đó là điều mới và đó cũng là điều thật vô cùng mạnh mẽ.”

Osius cũng muốn gia đình mình hòa với văn hóa Việt Nam với hi vọng là các con ông sẽ tạo dựng sự gắn bó với Việt Nam như ông. “Trong nhà tôi có người Việt giúp các việc cho gia đình nên họ cũng như là người nhà của chúng tôi, họ yêu quý các cháu và gần gũi các cháu nên tiếng Việt là tiếng nói đầu đời của các con tôi làm tôi vô cùng sung sướng.”

Với hành trình 27 năm làm nghề ngoại giao, đã đi nhiệm kỳ tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Jakarta, New Delhi, Bangkok và Manila, việc ông chú trọng vào châu Á là chương trình hành động của đời mình ngay từ khi mới bước vào nghề. “Châu Á là nơi mọi việc đang diễn ra” ông giải thích “ngay từ khi bắt đầu nhận việc tại bộ ngoại giao tôi đã chuẩn bị cho việc phục vụ tại châu Á. Từ đó tới nay tôi chưa bao giờ phải nhìn lại và chưa bao giờ hối tiếc.”

Nhưng Việt Nam, ông nói, sẽ mãi mãi là quê hương thứ hai của ông. “Đối với tôi đây đúng là giấc mơ đã trở thành sự thật. Tôi xiết bao yêu quý đất nước này bởi vì người Việt thật nồng hậu và quý khách. Tôi đã yêu Việt Nam hơn tất cả những nơi mà tôi đã từng được đến làm việc trong các nhiệm kỳ trước đây.”

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Nóng & cua

{By: Khúc Trung Kiên}

Hà Nội 37 độ. Phố hẹp, hai xe đi ngược chiều lách sang 2 bên tránh nhau. Mấy xe máy đi sau tận dụng cơ hội "điền vào chỗ trống", vậy là cứng ngắc. Cả bọn mất 15' để đi qua.

Chẳng qua là ai cũng sợ thiệt, cũng cố được lợi thêm một chút. Nhớ là đã xem ở đâu đó bức tranh về bán cua biển. Cửa hàng ghi trên bảng: "Bán cua, 150K/kg (tính cả dây)". Chẳng ai mua, rẻ nhưng thiệt mất sợi dây.

Cửa hàng bên cạnh đề: "Bán dây, 150K/kg (tính cả cua)", đông khách. Mua dây đắt, chả biết dùng vào việc gì, nhưng lợi được con cua!

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

ĐỐ KỴ

{By: Hoàng Minh Châu}

Chúng ta thường nhìn thấy những khuôn mặt hân hoan, khi chứng kiến mọi người chúc mừng ai đó thành công; chúng ta cũng thường nhìn thấy những khuôn mặt rầu rĩ, khi chứng kiến mọi người an ủi ai đó thất bại...

Thực ra, đôi mắt đã đánh lừa chúng ta.

Chỉ có người mù là không bị lừa. Họ không nhìn thấy, nhưng họ có thể nghe rõ hơn. Một người mù nói rằng, cô ấy thường nghe thấy sự ghen tức trong những lời chúc mừng và đôi khi cả sự hả hê trong những lời chia buồn.

Sự đố kỵ, ở mức độ khác nhau, có trong mỗi chúng ta. Nó rất tinh vi. Nó dễ bị nhầm lẫn với nỗ lực hết mình để thành công trong cuộc sống. Cùng lắm, ta chỉ nhìn nhận nó như một sự ganh đua. Ta không dám thừa nhận, rằng đã rất khó chịu vì không bằng người khác.

Và tính đố kỵ còn ngăn cản ta học hỏi những cái hay của những người xung quanh. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa có viết trong cuốn "Giác ngộ mỗi ngày": trong các tính xấu, tính đố kỵ làm người ta khổ sở nhất.

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

KIỂM SOÁT ĐÁM ĐÔNG

{By: Hoàng Minh Châu}

Năm 2007, nhân một chuyến sang Anh công tác, tôi đã dành được thời gian đến sân Standford Bridge, xem đội bóng yêu thích của mình - Chelsea, trong một trận cầu vòng bảng Champion Leage, với đội bóng Olympiakos đến từ Hi Lạp.

Mặc dù hôm đó, Chelsea chơi rất hay và giành chiến thắng 3:0, nhưng đây không phải là một bài viết về chủ đề bóng đá. Chủ đề của bài viết này là "Kiểm soát đám đông".

Hôm đó có hai sự kiện làm tôi chú ý.

1. Khi trận đấu chưa bắt đầu, tôi thấy cảnh sát đã tiến đến một cổ động viên mặc trang phục của đội Olympiakos, đang ngồi cùng hàng với chúng tôi trên khán đài trung lập. Họ nhắc nhở cổ động viên này, hoặc là đổi vé chuyển đến khán đài dành riêng cho cổ động viên đội khách và ở đó anh có quyền thể hiện sự ủng hộ cuồng nhiệt của mình cho đội Olympiakos; hoặc nếu anh vẫn muốn tiếp tục ngồi ở khán đài trung lập thì nên thay trang phục trung tính, vì sự an toàn của chính anh ta. Cổ động viên này đã nghe theo lời khuyên và mặc áo của đội Olympiakos vào trong áo khoác.

2. Khi trận đấu đang diễn ra, một cổ động viên khác đứng dậy và cổ vũ rất ồn ào cho đội Olympiakos. Cảnh sát đến và nhắc nhở rằng đây không phải khu vực an toàn cho cổ động viên đội khách, nhưng anh ta không nghe. Sau vài tình huống đứng lên hò hét kích động, anh ta đã được cảnh sát, lịch sự nhưng rất kiên quyết, mời ra khỏi sân.

Tôi rất ngạc nhiên: tại sao lại hà khắc với cổ động viên đội khách như vậy?

Anh bạn cùng đi với tôi giải thích: đó là sự thận trọng cần thiết mà cảnh sát phải làm khi muốn tình trạng an ninh của một trận đấu, với hơn bốn chục ngàn khán giả tham gia, luôn ở trong tầm kiểm soát.

Khi có rất nhiều người tụ tập trong một không gian nhỏ, luôn tồn tại những nguy cơ to lớn, vì theo các nghiên cứu về tâm lý đám đông, hành vi tiếp theo của một đám đông là rất khó lường.

Có ba thành phần trong đám đông, tiềm ẩn gây nguy cơ:

1. Là nhóm những người nhút nhát, rất dễ hoảng sợ

Tháng 5/1985, trong trận chung kết cúp C1 châu Âu giữa Liverpool – Juventus diễn ra tại Heysel của Bỉ, chỉ một mảng tường của sân đổ sập, đã khiến cho nhiều khán giả hoảng sợ, tạo ra một sự hỗn loạn. 39 người đã thiệt mạng vì đám đông chen lấn xô đẩy, dẫm lên nhau mà chết.

Trước đó, vào tháng 10/1982, hơn 300 người đã chết sau một vụ chen lấn xô đẩy trong một cầu thang chật hẹp và lạnh lẽo ở trận đấu Spartak-Haarlem tại Matxcova, nhưng truyền thông Liên Xô lúc đó đã che dấu thông tin thiệt hại của sự cố này.

2. Là nhóm những người hung hăng, rất dễ tức giận

Tháng 4/1989, trận đấu được chờ đợi cực kỳ hấp dẫn giữa hai đội bóng đang ở đỉnh cao phong độ, Liverpool-Nottingham Forest tại FA Cup, đã trở thành ngày đen tối của lịch sử bóng đá Anh quốc. Xuất phát từ sự cổ vũ quá cuồng nhiệt của một cổ động viên đội khách, sự xô xát đã xảy ra, bắt đầu từ một vài người, sau đó là cuộc chiến thực sự với sự tham của hàng trăm cổ động viên mỗi bên. Kết quả là 96 người thiệt mạng.

Hooligan của nước Anh nổi tiếng thế giới từ sau vụ bạo động này. Danh sách các hooligan được hình thành và họ bị ngăn chặn đến xem các trận đấu lớn, các giải châu lục và quốc tế.

3. Sự nguy hiểm của nhóm hai được nhân lên bởi nhóm ba: nhóm những người không có chính kiến, không có trách nhiệm. Họ luôn bị cuốn theo hành vi và tâm lý của đám đông, dễ bị kích động, thấy có người hô đập phá thì đập phá, hô cướp thì cướp, hô chém giết thì chém giết. Điều đáng nói là nhóm này thường chiếm đa số.

Ngày nay, đám đông còn là nơi ẩn nấp lý tưởng của bọn khủng bố. Đám đông vừa che dấu chúng, vừa là con tin của chúng. Đây là mối quan tâm to lớn nhất đối với các quốc gia được coi là thù địch với các thế lực khủng bố quốc tế.

Vì thế, các nước phương Tây đều tăng cường hệ thống an ninh khi có đám đông tụ tập. Biểu tình cũng là sự tập hợp của một đám đông, nhưng nguy cơ lớn hơn vì những người tham gia biểu tình thường có xu hướng đang bức xúc.

Mặc dù, trong các nước phương Tây, dân chúng được tự do tổ chức biểu tình ôn hoà, nhưng để cái quyền đó được thực thi trong cuộc sống, hệ thống luật pháp có rất nhiều việc phải làm. Không ai dám đảm bảo, một cuộc biểu tình bắt đầu trong ôn hoà, sẽ không kết thúc trong bạo động, vì hành vi của đám đông, như phân tích ở trên, bị tác động bởi nhiều nguyên nhân, là rất khó lường.

Để hạn chế nguy cơ, hệ thống luật pháp phương Tây đưa ra nhiều biện pháp kết hợp:

1. Hạn chế nguy cơ bằng Luật biểu tình: mỗi cuộc biểu tình đều phải đăng ký trước thông điệp và biểu ngữ, số lượng người tham gia, thời gian bắt đầu và kết thúc, địa điểm và tuyến đường cụ thể. Cảnh sát sẽ can thiệp ngay lập tức khi những hạn chế này bị vi phạm.

2. Tăng cường lực lượng cảnh sát với các nhiệm vụ: chống nguy cơ khủng bố, bảo vệ người tham gia biểu tình và đảm bảo sự ôn hoà của đoàn biểu tình từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc.

3. Người tổ chức biểu tình phải có hiểu biết về luật biểu tình, về quyền và giới hạn của quyền tham gia biểu tình.

4. Giáo dục ý thức, văn hoá của người tham gia biểu tình.

Ở Việt Nam chúng ta, trong thời gian qua đã diễn ra một số cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, hay phản đối chính sách bành trướng Biển Đông của nhà cầm quyền Trung Nam Hải.

Quốc Hội Việt Nam cũng đang khẩn trương thông qua Luật biểu tình. Tự do biểu tình trong ôn hoà là quyền lợi chính đáng và quan trọng của người dân trong mọi quốc gia dân chủ. Chúng ta cần tôn trọng quyền này.

Nhưng chúng ta cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo quyền này được thực thi, mà không gây ra những hậu quả đáng tiếc. Những người tổ chức biểu tình cũng cần phối hợp với nhà chức trách, tránh xảy ra tình huống nguy hiểm khi một đám đông bị mất kiểm soát.

Và những người có trách nhiệm kiểm soát đám đông, nên được trang bị kiến thức quản lý đám đông một cách bài bản hơn, tránh hành động theo cảm tính gây phản cảm, vì người có nhiệm vụ bảo đảm sự ôn hoà của đám đông, nhưng hành xử thiếu hiểu biết, có thể lại chính là nguyên nhân kích động đám đông nổi giận!

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Tin?

{By: Nguyễn Thành Nam}

Nam luôn tự hỏi, Facebook chọn người thế nào để đưa status của họ lên newsfeed của mình. Suy luận một cách ngớ ngẩn, bèn đoán họ là những người quan tâm đến Nam hoặc Nam quan tâm đến họ. Hay một cách khác, họ là một xã hội thu nhỏ trên mạng mà Nam muốn (hoặc ngầm muốn) được thành một phần của xã hội đó. Tạm gọi là “Xã hội Nam-XHN”, không phải xã hội đen:)

XHN gồm đủ các lứa tuổi, thành phần, đều đặn hàng ngày cung cấp cho Nam thế giới dưới cách nhìn của họ. XHN ban đầu bé tí, đa phần là đồng nghiệp, gia đình. Rồi phình dần lên theo tốc độ phát triển của facebook. Thông tin nhiều chiều đa dạng phong phú, đủ các loại thơ ca hò vè, phim, ảnh. Còn rủ nhau lập hội, bán hàng, chăn nuôi sản xuất. Vui như Chợ.

Có điều khác với chợ, nơi lòng tin gần là điều kiện tiên quyết, ở XHN, với thời gian, các thành viên càng mất dần điểm tựa. Họ cũng không giấu diếm điều đó. Người lao động không tin nhà khoa học, khoa học coi thường doanh nhân, doanh nhân đả kích văn nghệ sĩ, còn văn nghệ sĩ thì bất cần đời.

Họ cần tình yêu, nhưng lại đi tìm người chung tình ghét. Họ ghét chính phủ, nhưng có việc thì lại đòi chính phủ ra tay. Họ căm thù truyền thông, nhưng nghiến ngấu hưởng thụ các sản phẩm của chúng.

Nam biết mặt đa số trong số họ và biết chắc họ đều là những người tử tế. Vậy thì điều gì đã đẩy các thành viên của XHN đến tình trạng  như vậy? Điều đó làm N day dứt.

Hôm qua N đi taxi. Hết hơn 100,000. Nhờ cậu taxi mặt non choẹt đợi chở về. Hỏi có cần đặt tiền không? Cậu ta cười nhạt, bảo: cháu tin chú, 100 ngàn đáng bao nhiêu mà phải đổi niềm tin hả chú, cháu chạy cố thêm là bù đủ.

N chợt ngộ ra, cậu taxi này tin N, không phải vì N tốt (cậu ấy có biết N là ai đâu), mà cậu ấy tin là mình thừa năng lực để khắc phục những thiệt hại mà niềm tin “mù quáng” có thể gây ra. 

Vậy là chúng ta, những thành viên trong XHN không tin nhau, suy cho kỹ có lẽ vì chúng ta đang mất niềm tin vào chính mình.  Chúng ta hoặc không lớn hoặc không lớn được nữa. Chúng ta sợ không trả giá được cho niềm tin đặt nhầm chỗ.

Và chúng ta lựa chọn cách chẳng tin ai nữa:-(