Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

ĐẶC THÙ

{By: Hoang Minh Chau}

Cái mới, khó được chấp nhận, không phải vì nó không hay, mà vì người ta đang quen với cái cũ. Ở Việt Nam, cái cũ còn bền vững hơn, vì nó ẩn náu dưới một khái niệm rất vi diệu "đặc thù của chúng tôi". Ngại thay đổi cái gì thì chúng ta gọi cái ấy là đặc thù.

Trong hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, quy trình công việc thì lạc hậu, tác phong làm việc thì không chuyên nghiệp. Nhưng mọi người đã quen với nó. Họ không muốn thay đổi, vì thay đổi là phải làm lại từ đầu, phải học lại từ đầu. Họ gọi chúng là đặc thù của doanh nghiệp. Và thế là, mỗi khi triển khai ứng dụng một công nghệ mới hay một phần mềm mới, đối tác đều được yêu cầu, phải đáp ứng các đặc thù của doanh nghiệp, tức là phải phù hợp với quy trình lạc hậu và tác phong làm việc tuỳ tiện (được gọi là tiện lợi) của họ. Tất nhiên, ứng dụng như thế thì hiệu quả thường rất thấp.

Tôi nghĩ, chỉ trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta mới cần duy trì sự khác biệt, là bản sắc của dân tộc. Còn các lĩnh vực khác như: công nghiệp, thương nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, ngân hàng tài chính,... cái gì ta cũng nhờ học hỏi từ thế giới mới biết, mà cũng bày đặt "đặc thù" thì thật buồn cười.

Trong suốt những năm làm kinh doanh, tôi chỉ thuyết phục được duy nhất một khách hàng Việt Nam từ bỏ "đặc thù của mình", khi triển khai ứng dụng phần mềm mới.

Đó là vào năm 1999, khi chúng tôi triển khai phần mềm quản lý nguồn lực Oracle ERP, cho một Xí nghiệp liên doanh dầu khí. Đây là một Xí nghiệp liên hợp, có quy mô rất lớn và độ phức tạp rất cao.
Lúc đầu, các báo cáo chuẩn do phần mềm ERP Oracle cung cấp không được Xí nghiệp chấp nhận, vì chúng không đáp ứng với các đặc thù của Xí nghiệp. Các báo cáo mới không giống các báo cáo cũ, cả về hình thức cũng như phân bố nội dung. Họ yêu cầu chúng tôi sửa lại cho giống với hệ thống báo cáo đang sử dụng.

Chúng tôi xin được gặp Lãnh đạo Liên doanh để trình bày. Tôi giải thích rằng, ERP Oracle là một ứng dụng nổi tiếng thế giới. Nếu chúng ta sử dụng hệ thống báo cáo chuẩn do nó cung cấp, tức là chúng ta thừa hưởng kinh nghiệm quản lý, quy trình tiên tiến và tác phong chuyên nghiệp của hàng ngàn doanh nghiệp lớn toàn cầu đã tích hợp trong phần mềm này. Ứng dụng ERP là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến quy trình và tái cấu trúc quản trị theo chuẩn thế giới. Nếu chúng ta sửa lại cho phù hợp với quy trình cũ của xí nghiệp, ngoài việc không được thừa hưởng thành quả tiến bộ của thế giới, ứng dụng còn chạy chậm hơn và phát sinh nhiều lỗi hơn.

Thấy khách hàng vẫn chưa bị thuyết phục, tôi suy nghĩ rồi nói: "Các anh nhập giàn khoan về, giữ nguyên đưa vào sử dụng ngay, hay là sửa lại theo đặc thù của Việt Nam? Chắc là giữ nguyên? Nếu quy trình vận hành của nó khác với quy trình vận hành của giàn khoan cũ thì các anh sẽ đào tạo lại chuyên môn và bố trí lại nhân sự, chứ không phải sửa giàn khoan, đúng không? Vì các anh hiểu rằng, đây là một hệ thống phức tạp và hoàn chỉnh, không ai dại gì mà sửa lung tung. Và phần mềm ERP cũng thế. Nó cũng rất phức tạp và hoàn chỉnh. Nó không cần chỉnh sửa trước khi đưa vào sử dụng. Các quy trình và mô hình quản trị cũ của xí nghiệp nên thay đổi để phù hợp với nó thì tốt hơn.

Thật may mắn là Lãnh đạo Xí nghiệp liên doanh đã nhìn ra vấn đề và chấp nhận thay đổi "những đặc thù" của mình, để có thể sử dụng hệ thống báo cáo mới - hệ thống báo cáo chuẩn do phần mềm cung cấp. Chính vì nguyên nhân này mà hệ thống ERP được triển khai thành công, đúng thời hạn và mang lại hiệu quả cao cho Xí nghiệp cho tới ngày hôm nay.

Tiếc rằng, những doanh nghiệp Việt Nam như thế không nhiều. Tình hình rất khác đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Hiếm khi chúng tôi nghe thấy một doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu đáp ứng một cái gì đó đặc thù. Khi triển khai ERP, hầu như các doanh nghiệp nước ngoài đều sử dụng nguyên xi hệ thống báo cáo chuẩn do phần mềm cung cấp: vừa thuận lợi cho người triển khai, vừa hiệu quả cho người sử dụng, đặc biệt là khi nâng cấp phần mềm, các báo cáo được tự động cập nhật.
Nhìn lại thực tế ở VN, tôi thấy, có nhiều cái cũ lạc hậu cần đổi mới, thì chúng ta lại vô tư biến nó thành đặc thù. Chả trách, tiến sĩ Phạm Chi Lan đã tặng cho Việt Nam đặc danh "Nước không chịu phát triển".

Đã đến lúc, cần loại bỏ cụm từ "đặc thù Việt Nam" ra khỏi suy nghĩ của chúng ta và tất cả cần hiểu một điều: trong thế giới phẳng ngày nay, cơ hội và thách thức của các dân tộc đều giống nhau, dân tộc nào càng nhiều đặc thù càng khó hội nhập.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

MÔI TRƯỜNG KHỞI NGHIỆP

{By: Hoang Minh Chau}

Bác Đinh La Thăng vừa đặt mục tiêu đến năm 2020, Tp. HCM sẽ có 500.000 doanh nghiệp. Đây là mục tiêu rất cao, vì theo Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thành Phong, hiện có 270.000 doanh nghiệp đăng ký, nhưng thực chất chỉ có 170.000 doanh nghiệp hoạt động. Như vậy, trong 4 năm, cần có thêm 330.000 doanh nghiệp mới.

Nhiều người nghi ngờ khả năng đạt được mục tiêu này. Thay vì bàn lùi, tôi xin bỏ một phiếu ủng hộ quyết tâm này của Bí thư Thành uỷ, vì càng có nhiều doanh nghiệp mới càng tốt. Chúng sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, đồng thời góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng "kinh tế tư nhân nắm vai trò chủ đạo".

Để khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, theo tôi, quan trọng nhất cần có một môi trường khởi nghiệp tốt.

Như thế nào là một môi trường khởi nghiệp tốt?

Tôi xin hiến kế, bằng cách kể câu chuyện về một môi trường khởi nghiệp, mà tôi được biết cách đây gần chục năm khi đến thăm Hiệp hội CNTT tỉnh Quảng Tây.

Thú thật, tôi có hơi lăn tăn khi kể câu chuyện này. Tôi biết nhiều người không thích nước Lạ. Tôi cũng vậy thôi. Tuy nhiên, tôi không phải là người cực đoan. Ghét thì vẫn ghét, nhưng họ có cái gì hay thì vẫn nên học hỏi.

Lúc ăn trưa với cán bộ Hiệp hội Quảng Tây, tôi được giới thiệu với một nữ doanh nhân trẻ. Khi đó, cô gái này mới 27 tuổi, nhưng đã là Chủ tịch kiêm TGĐ một công ty tư nhân, chuyên cung cấp giải pháp phần mềm cho các nhà máy đường, với 200 nhân viên.

Thấy cô gái quá trẻ nên tôi nghĩ, công ty này chắc là do bố mẹ cô dựng lên cho con gái. Tôi hỏi để kiểm tra sự nghi ngờ của mình:
- Công ty này do chính cô thành lập?
- Vâng. Em thành lập nó được 4 năm. Bắt đầu từ số 0. Hiện nay, 25% các nhà máy đường của cả nước là khách hàng của công ty em.

Tôi thật sự ấn tượng. Đã từng lăn lộn trong lĩnh vực giải pháp phần mềm, tôi biết không dễ để đạt được thành công như cô gái trẻ này. Tôi liền đề nghị cô kể chi tiết toàn bộ quá trình khởi nghiệp và thật may mắn là cô vui vẻ đồng ý.

"Năm 2002, em tốt nghiệp thủ khoa trường đại học Quảng Tây, ngành phần mềm máy tính. Người của Hiệp hội mời em lên gặp mặt. Họ nói, hiện nay các kỹ sư trẻ nên có tinh thần doanh nhân. Họ khuyên, thủ khoa như em thì nên cân nhắc khởi nghiệp, tốt hơn là làm công ăn lương. Nếu em đồng ý, họ sẽ hỗ trợ.

Sau đó họ cử một chuyên gia đến hướng dẫn cho em các thủ tục cần thiết để thành lập công ty. Ngày nay, nhà nước khuyến khích khởi nghiệp, nên các thủ tục mở công ty rất dễ dàng và nhanh chóng. Sau một tuần, mọi thủ tục thành lập công ty đã hoàn tất.

Để giảm chi phí, khi công ty mới chưa có lợi nhuận, Hiệp hội cam kết hỗ trợ miễn phí công tác kế toán và tuyển dụng nhân sự trong năm đầu tiên. Nhà nước cũng miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp trong 5 năm.

Công ty mới cần vốn để hoạt động. Trước đây, để tránh rủi ro, các ngân hàng đều yêu cầu có tài sản thế chấp với mọi khoản vay. Ngày nay, các ngân hàng đã hiểu rằng, cho các kỹ sư trẻ tài năng vay để lập nghiệp là an toàn, vì họ thế chấp bằng tuổi trẻ, bằng tương lai của chính họ. Với sự giới thiệu của Hiệp hội, một ngân hàng đã cho em vay 500.000 nhân dân tệ, với lãi suất ưu đãi, thời hạn 5 năm.

Công ty đã thành lập. Tiền vốn ban đầu cũng đã có. Nhưng làm gì? Từ đầu em đã định hướng là làm giải pháp phần mềm. Nhưng làm sao để có hợp đồng? Và đây là bước rất quan trọng. Hiệp hội giới thiệu một công ty tiền bối hỗ trợ. Công ty em nhận lại từ công ty tiền bối hai hợp đồng gia công. Những hợp đồng đầu tiên này tuy chưa mang lại lợi nhuận, nhưng nó có ý nghĩa đặc biệt. Nhờ có chúng mà em xây dựng được đội ngũ làm phần mềm của mình, đồng thời tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm.

Sau đó thì mọi việc cứ từng bước đi vào quỹ đạo. Lúc đầu, để kiếm được hợp đồng, em tìm đến những khách hàng nhỏ, vừa sức của mình. Các khách hàng ngày nay cũng có ý thức giúp các công ty khởi nghiệp. Họ không chê chúng em là công ty nhỏ và mới. Quan trọng là làm sao để họ tin rằng mình có thể thực hiện tốt công việc. Để đáp lại sự tin cậy của họ, chúng em cũng lấy giá thấp hơn các công ty lớn".

Tôi thật sự ngỡ ngàng. Hoá ra, để một công ty khởi nghiệp thuận lợi, cần một môi trường hỗ trợ đồng bộ mọi mặt:
- Hiệp hội: tư vấn, cung cấp miễn phí dịch vụ kế toán và tuyển dụng.
- Quản lý nhà nước: thủ tục thành lập công ty đơn giản và thuận tiện; miễn thuế cho các công ty khởi nghiệp 5 năm.
- Ngân hàng: tin tưởng vào tuổi trẻ khởi nghiệp, cho vay với lãi suất ưu đãi, không cần thế chấp.
- Bạn hàng: công ty tiền bối hỗ trợ việc làm ban đầu.
- Khách hàng: có ý thức giúp đỡ các công ty khởi nghiệp.

Tôi hỏi:

- Sau khi nhận được nhiều sự hỗ trợ như thế, công ty cô phải có trách nhiệm gì với xã hội không?
- Có. Bắt đầu từ năm trước, công ty em cam kết với Hiệp hội, hàng năm có trách nhiệm hỗ trợ hai công ty mới khởi nghiệp, với tư cách là công ty tiền bối.

Tôi không còn câu hỏi gì nữa. Mọi mảnh ghép đã hoàn chỉnh.

Nếu tất cả đúng như lời kể của nữ doanh nhân này thì quả thật họ có một môi trường tuyệt vời cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Không biết câu chuyện này có gợi ý gì cho Thành phố trong việc xây dựng môi trường hỗ trợ cho khởi nghiệp hay không? Cá nhân tôi tin rằng, nếu xây dựng được môi trường như thế, 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020 cũng không phải là một mục tiêu quá viển vông.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

HỌC BƠI ĐỂ TỰ CỨU MÌNH

{By: Khúc Trung Kiên}

Năm ngoái tôi có viết một seria 5-6 bài về việc học bơi, khá dài. Giờ facebook nó nhắc, mùa hè đến. Nhắc lại chắc cũng không thừa. Post này sẽ tóm tắt những ý chính, ai quan tâm có thể tìm lại trên facebook của tôi.

HỌC BƠI ĐỂ LÀM GÌ?

- Tự cứu mình trong tình huống thông thường
- Sướng khi ra biển
- Sướng khi ra bể bơi
- Giúp con cái biết bơi
- Biết nhận dạng nguy hiểm
- Bình tĩnh khi gặp rủi ro

LÀM SAO ĐỂ BIẾT BƠI?

- Học thở
- Học chìm trong nước
- Biết ngoi lên mặt nước khi cần
- Bao lâu? 3-5 buổi nếu nhanh, bình thường: 7-10

HỌC THỞ: Có thể học trong phòng khách

1. Há miệng, hít vào thật căng, ngậm miệng
2. Nín thở vài 5-10s
3. Thở ra một chút, từ từ
4. Quay lại bước 2, đến khi hết hơi
5. Há miệng, hít vào thật nhanh

Các bước 1-5 bình thường có thể thực hiện khoảng 1 phút một vòng, mỗi vòng lặp lại bước 2-4 khoảng 3 lần. Chú ý không hít vào trong các bước này. Chịu khó tập nghiêm túc vài trăm lần, ở bất cứ chỗ nào cũng được.

CHÌM TRONG NƯỚC

Nếu bạn thở theo cách trên thì có thể thấy thời gian để hít vào mỗi lần chỉ mất 2-3s, các đoạn khác có thể kéo dài khoảng 45s-50s. Để sống được mỗi phút bạn chỉ cần vài giây để hít vào, cũng có nghĩa là chỉ khi đó mới cần nổi lên mặt nước.

Thực tế chìm trong nước gần như chả phải làm gì, không mất sức, còn nếu cố giữ cho người nổi trên mặt nước bạn sẽ tốn sức hơn nhiều. Muốn tập chìm trong nước cũng không quá khó, chỉ cần tập cho cái đầu thôi, chứ từ cổ trở xuống thì dễ rồi. :)

- Có thể tập thở với chậu nước, chỉ lúc hít vào mới cần ngẩng đầu lên, lúc nín thở hay thở ra (rất từ từ) thì vục mặt vào chậu. Nhớ khi vục mặt xuống thì rất từ từ để tập bình tĩnh khi chìm vào nước.

- Khi ra bể bơi có thể làm tương tự, tìm chỗ nông chưa ngập đầu và tập thở. Khi hít vào thì đứng lên, hít vào đầy người rồi thì từ từ ngồi xuống cho ngập đầu, chìm hẳn trong nước.

- Tập như trên 1-2 ngày thì chuyển ra chỗ sâu ngập đầu, bám tay vào thành bể, chân không chạm đất (cái này quan trọng để bạn quen với trạng thái lơ lửng, không chạm đất). Khi ngoi lên thì dùng tay kéo để đầu nhô lên, há miệng hít vào xong thì duỗi tay để người từ từ chìm xuống. Vẫn bám vào thành bể.

- Thêm 1-2 ngày nữa, nếu cảm thấy tự tin, bạn có thể không cần bám vào thành bể mà thả người chìm cho chân chạm đất. Khi cần ngoi lên thì đạp nhẹ chân xuống đáy bể, sẽ đẩy người lên. Bước này nên có người trông chừng, phòng khi bạn hoảng hốt.

Chú ý: tất cả các bước trên đều là tập thở, bạn chỉ cần tập cho thật tự tin và không sợ hãi thì như thế cơ bản là bạn đã biết bơi.

NGOI LÊN MẶT NƯỚC

Nếu đã có thể chìm trong nước và không còn sợ hãi thì bạn đã biết bơi. Chỉ còn một việc là sau khi đã hoàn toàn thở hết ra thì làm sao để ngoi lên để hít vào? Việc này khá đơn giản.

- Nếu chân bạn đang chạm đất, chỉ cần đạp chân xuống đất, nếu cần thì hỗ trợ thêm bằng động tác tay, giang ngang như 2 mái chèo, xoè tay ra và quạt tay xuống dưới. Phản lực sẽ đẩy bạn lên trên.

- Nếu chân không chạm đất thì dùng tay để quạt xuống phía dưới, nếu bạn đã thành thạo thì kết hợp thêm động tác của chân. Do lực đẩy Archimedes, cơ thể người khá nhẹ dưới nước, chỉ cần lực nhỏ cũng giúp nổi lên trên.

- Trong lúc nổi lên cố gắng thở ra hết, cơ thể bạn sẽ như cái thùng rỗng, khi đầu vừa nhô lên khỏi mặt nước bạn chỉ cần há miệng là không khí sẽ tràn vào, bạn sẽ hít vào rất nhanh. Sau đó lại có thể chìm xuống vô tư.

- Nếu bạn nằm ngang trong nước, thông thường bạn sẽ lơ lửng cách mặt nước chỉ vài chục cm. Chỉ cần động tác quạt tay ra sau và chếch xuống phía dưới một chút là đủ để đẩy đầu bạn lên khỏi mặt nước để hít vào.

Khi đã có thể chìm trong nước và ngoi lên để thở. Chúc mừng, bạn đã biết bơi. Đeo kính bơi để nhìn cho rõ và quạt tay nhẹ nhàng là bạn đã có thể di chuyển đến những vị trí mình muốn một cách khá thoải mái, ít nhất là trong bể bơi!

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

LẮNG NGHE

{By: Hoang Minh Chau}

Lắng nghe thì có gì là khó? Chỉ cần ngồi yên và lắng nghe thôi mà!

Tuy nhiên, với một số người, "lắng nghe" lại là thứ xa xỉ. Sau những thành công liên tục, họ thấy mình biết tuốt, mình không bao giờ sai và vì thế chẳng cần nghe ai. Tai họ không điếc, nhưng họ đã mất khả năng lắng nghe hiệu quả.

Nhưng có nhiều người khác, dù muốn lắng nghe, cũng không biết cách nghe hiệu quả hơn.
Vì sao vậy?

Trong ba kỹ năng: đọc, viết và nghe, thì kỹ năng nghe được sử dụng thường xuyên nhất. Nhưng nghịch lý ở chỗ, trong trường học, chúng ta chỉ được học đọc, học viết mà không được học nghe. Vì thế, đa số chúng ta không biết lắng nghe hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân của việc nghe không hiệu quả như:

  • Không chú tâm nghe, vừa nghe vừa làm việc khác như chơi game, lướt web hay nghĩ ngợi lan man.
  • Không nghe hết câu hết ý, đặc biệt những cấp trên có thói quen ngắt lời cấp dưới.
  • Vừa nghe vừa võ đoán ý tiếp theo.
  • Không tôn trọng người nói, cho rằng họ nói những điều không đáng nghe...

Lắng nghe có tầm quan trọng đặc biệt, là một trong hai phương thức tốt nhất giúp chúng ta tiếp thu thông tin và tri thức. Người biết nhiều và biết ít khác nhau phần nhiều ở khả năng lắng nghe.

Những ai đã làm việc với Nhật Bản đều nhận thấy người Nhật có thái độ rất nghiêm túc khi nghe. Tôi nhớ những lần làm việc với họ, khi tôi nói tiếng Việt họ chăm chú nghe một lần, khi thông ngôn dịch ra tiếng Nhật, họ chăm chú nghe lần hai. Rất ấn tượng. Và các sếp Nhật thường nói ít hơn sếp ta. Họ dành thời gian chính để lắng nghe.

Tôi nhớ một lần nói chuyện với anh Bình, Chủ tịch FPT. Tôi nói rằng anh nên nghe nhiều hơn là nói. Anh có vẻ phật ý:

- Tại sao anh phải nghe em nói, trong khi em không muốn nghe anh nói?
- Bởi vì, anh là người phải ra quyết định cuối cùng!

Thực ra, anh Bình (Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT) là người có thái độ lắng nghe tốt. Anh là người duy nhất trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp FPT, có thể nghe một câu chuyện lê thê của cấp dưới từ đầu tới cuối mà không ngắt lời. Nhưng là người đứng đầu, anh vẫn nên lắng nghe nhiều hơn nữa, như người Nhật.

Người bình thường đã cần lắng nghe; lãnh đạo - người phải ra quyết định, cần phải lắng nghe gấp mười. Bạn có thể tham khảo chiết tự chữ Thính (nghe) trong tiếng Hán bên dưới, nó phần nào làm rõ hơn ý tưởng chính của bài viết này.


- Góc trên bên trái là chữ Nhĩ, tức là nghe bằng tai.
- Góc trên bên phải là chữ Nhãn, ngụ ý khi nghe mắt cần nhìn thẳng vào người nói.
- Dưới chữ Nhãn là chữ Nhất, ngụ ý khi nghe chỉ làm duy nhất một việc là nghe.
- Dưới chữ Nhất là chữ Tâm, ngụ ý khi nghe phải tôn trọng người nói, phải tin rằng họ sẽ cho ta những thông tin và tri thức hữu ích.
- Dưới chữ Nhĩ là chữ Vương, ngụ ý làm Vương thì phải biết lắng nghe, biết lắng nghe sẽ thành Vương.

Lắng nghe và ngồi Thiền có nhiều điểm tương đồng. Ngồi thiền là tĩnh tâm, là đầu óc không được suy nghĩ lan man. Khi lắng nghe, đầu óc bạn cũng không được suy nghĩ lan man. Bạn phải chú tâm vào một việc duy nhất là nghe. Nếu bạn kiên trì ngồi thiền, kỹ năng lắng nghe của bạn sẽ được cả thiện.

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Toàn cầu hoá

{By: Khuc Trung Kien}

Đứa cháu gái, sinh ra và học ở quê, không phải học sinh giỏi tỉnh hay thành phố gì. Học đại học ở Việt Nam. Ra trường, lấy chồng - kỹ sư CNTT. Cưới xong thì chồng được tuyển sang làm việc bên Nhật, kế hoạch là 2-3 năm gì đó.

Cô cháu theo chồng sang Nhật, cố gắng học tiếng Nhật, rồi tham gia các hoạt động như dạy nấu món ăn Việt cho người Nhật. Sau đó thì mở luôn cái trung tâm nho nhỏ chuyên dạy nấu ăn ngay tại nhà.

Sau hơn 2 năm thì mua được nhà bên Nhật, tài trợ cho ông bà sang Nhật chơi, vận hành trung tâm dạy nấu ăn có thu nhập cao hơn lương KS CNTT. Khả năng hoà nhập với xã hội Nhật tuyệt vời dù trước đó chưa từng được đi nước ngoài.

Tất cả chỉ mới vài năm. Hôm về quê gặp bà chị, mẹ cháu, chị bảo: "chị dặn cháu nếu cần gì thì nhờ chú tư vấn giúp"; "vâng, chị ghi cho em số của cháu; thỉnh thoảng em còn nhờ nó tư vấn".

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

HIỆN TẠI LÀ MÓN QUÀ

{By: Hoàng Minh Châu}

Khi nói "tương lai cố định", nhiều người sẽ ngạc nhiên. Mặc dù chúng ta mơ hồ về tương lai, nhưng nó thực sự cố định. Ví dụ, một trăm năm nữa, tất cả chúng ta, những người có thể lên facebook vào lúc này, đều sẽ chết.

QUÁ KHỨ thì không thay đổi được, còn TƯƠNG LAI thì cố định. Chỉ HIỆN TẠI là có ý nghĩa. Chỉ HIỆN TẠI mới có thể thay đổi.

Nhưng hiện tại không có nghĩa là lúc này. Ngày hôm nay cũng có thể đã là quá khứ của một ai đó.

Ví dụ, doanh thu ngày hôm nay của một công ty lớn thì không phụ thuộc vào ông Chủ tịch, mà chỉ phụ thuộc vào những người bán hàng. Chủ tịch có thể giúp doanh thu của công ty thay đổi trong những năm tới, nhưng ngày hôm nay thì không. Ngày hôm nay đã trở thành quá khứ của ông. Công việc hiện tại của ông là giúp công ty tăng trưởng trong những năm tới. Hiện tại của ông và hiện tại của nhân viên bán hàng không giống nhau.

Một ví dụ khác, hiện trạng giao thông của Thành phố hôm nay không phải là trách nhiệm của vị Giám đốc Giao thông đương nhiệm. Dù ông có trực tiếp ra đường can thiệp thì giao thông không vì thế mà bớt tắc nghẽn. Một anh cảnh sát giao thông làm việc này tốt hơn ông. Ngày hôm nay thuộc về vị Giám đốc Giao thông tiền nhiệm và đã là quá khứ. Hiện tại của vị Giám đốc đương nhiệm phải là thay đổi tình trạng giao thông của thành phố trong năm - mười năm tới, chứ không phải là ra đường khắc phục sự cố ngày hôm nay.

Hiện tại không phải là một thời điểm, mà là một giai đoạn tiếp diễn, ở đó ta có thể tạo ra được những sự thay đổi. "Hôm nay" thì giống nhau với mọi người, nhưng "hiện tại" thì khác nhau. Hiện tại của một nhân viên là "hôm nay làm gì". Một tổ trưởng cần suy nghĩ đến chuyện tuần này tổ mình làm gì? Hiện tại của một người đội trưởng thì xa hơn, có thể là một tháng, một quý.

Một ông Chủ tịch công ty xắn tay trực tiếp đi bán hàng, một ông Giám đốc Giao thông xắn quần ra ngã tư điều khiển giao thông, thì cũng chẳng thay đổi được gì. Đơn giản vì họ không thể thay đổi được quá khứ.

Mỗi người phải tự xác định hiện tại của mình là gì. Quá khứ thì đã qua, tương lai thì chưa đến. Nhưng may mắn là còn có HIỆN TẠI. Đó là lúc ta có thể tạo ra sự thay đổi tích cực, làm cho sự tồn tại của mình có ý nghĩa.

HIỆN TẠI là một món quà của Thượng Đế, đừng để nó trôi qua uổng phí.

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

CÔNG BẰNG

{By: Hoàng Minh Châu}

Cuba, một nước XHCN ở Tây bán cầu, luôn chú trọng đến công bằng xã hội. Ở đây thực sự không có người giầu, người nghèo. Dân Cuba không thể nghèo, vì có tem phiếu đảm bảo, có nhà nước lo hết mọi chuyện. Dân Cuba cũng không thể giầu vì nhà nước cấm kinh tế tư nhân.

Ngày nay Cuba có thoáng hơn, cho phép kinh tế hộ tư nhân hoạt động, nhưng giới hạn về quy mô, ví dụ nhà hàng tư nhân không được có quá 20 ghế ăn. Vì thế vẫn không có người giầu. Và Cuba quan niệm, xã hội không có người giầu - người nghèo là xã hội công bằng.

Cuba có nền y tế miễn phí cho toàn dân. Giáo dục cũng vậy. Sau một số năm, các số liệu thống kê chỉ ra rằng, tỷ lệ học sinh da mầu đỗ đại học thấp hơn học sinh da trắng. Vậy là nhà nước quyết định hạ điểm đầu vào đại học cho học sinh da mầu, để tỷ lệ đỗ đại học của mọi sắc tộc bằng nhau.

Đó là công bằng kiểu Cuba. Dù bạn chăm chỉ hay lười biếng, nhanh nhẹn hay chậm chạp, khoẻ mạnh hay ốm yếu, thông minh hay đần độn, đầy tham vọng hay an phận thủ thường... thì kết quả cũng như nhau. XHCN đảm bảo công bằng ở đích đến. Lý tưởng mà các nước XHCN hướng tới là "Làm theo năng lực, Hưởng theo nhu cầu".

Nước Mỹ thì ngược lại. Nhiều người nói, ở Mỹ không có công bằng xã hội, vì khoảng cách giầu nghèo quá xa. Thực ra, ở Mỹ cũng có sự công bằng. Nhưng theo một cách hoàn toàn khác: công bằng ở điểm xuất phát. Nước Mỹ đảm bảo cho mọi người có cơ hội thành công ngang nhau.

Tất nhiên trong bối cảnh đó, người thông minh, mạnh khoẻ, chăm chỉ sẽ đạt được kết quả tốt hơn là những người ốm yếu, lười biếng hoặc kém thông minh. Phân hoá giầu nghèo là hệ quả tất yếu, vì Nhà nước chỉ đảm bảo cho mọi người bình đẳng về cơ hội, chứ không can thiệp vào kết quả cuối cùng.

Nước Mỹ không thấy có gì bất thường, khi trong xã hội có người giầu người nghèo. Họ quan niệm, xã hội mang đến cho mọi người cơ hội thành công ngang nhau là xã hội công bằng. Ở đây, làm nhiều hưởng nhiều - không làm thì chết đói, chứ không có chuyện, "làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu".

Thực ra, hai cách tiếp cận này đều có cả điểm mạnh điểm yếu.

Công bằng kiểu Cuba có tính nhân văn cao, vì nó mang đến cho đa số người dân, sự đảm bảo về một cuộc sống không nghèo khổ. Nhưng nó triệt tiêu động lực của những người, muốn cố gắng làm tốt hơn, để nhận được nhiều hơn. Vì thế xã hội tạo ra ít sản phẩm, kinh tế chậm phát triển.

Công bằng kiểu Mỹ tạo ra động lực to lớn cho mỗi người cố gắng làm tốt hơn, để nhận được nhiều hơn. Vì thế xã hội tạo ra nhiều sản phẩm, kinh tế phát triển nhanh. Nhưng nó cũng đào sâu thêm khoảng cách giầu nghèo, vì luật pháp Mỹ không cho phép lấy của người giầu chia cho người nghèo.

Nước Mỹ cũng không muốn khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn hơn, nên họ đưa ra giải pháp điều chỉnh là, những người có thu nhập cao, phải đóng thuế cao cho phúc lợi xã hội.

Ở Việt Nam, chúng ta thường thấy khẩu hiệu "Dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". Xã hội hướng tới công bằng thì đúng rồi. Nhưng không biết, trong khẩu hiệu này, "công bằng xã hội" - chúng ta chọn theo kiểu Mỹ hay kiểu Cuba?